Tại buổi họp báo ngày 6/9, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp". Diễn đàn dự kiến tổ chức sáng 12/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội).
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII là sự kiện thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao cho Báo Nông thôn ngày nay chủ trì, tổ chức thực hiện.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp" dự kiến tổ chức vào sáng 12/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: Diễn đàn có chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân trao đổi về các vấn đề đang đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn hiện nay, như cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất...
Đặc biệt, Diễn đàn cũng góp phần làm rõ hơn thế nào là nông dân chuyên nghiệp, các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để người nông dân chuyên nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Thông tin thêm về Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VII, Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Báo Điện tử Dân Việt cho biết: Diễn đàn được chúng tôi tổ chức liên tục trong 6 năm qua và năm nay bước sang năm thứ 7. Dự kiến sẽ có khoảng 500 đại biểu tham dự.
Trong 6 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn như bão lụt, thiên tai, đại dịch Covid-19... nhưng sự kiện không bị dừng lại và đã trở thành diễn đàn lớn nhất dành cho người nông dân để nói về những trăn trở, khó khăn cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con trong quá trình lao động sản xuất.
Tại buổi họp báo Nhà báo Nguyễn Kiểm - Báo Quân đội nhân dân hỏi: "Năm nay Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chọn một chủ đề rất thú vị: Người nông dân chuyên nghiệp. Vậy lý do để Ban tổ chức chọn chủ đề này là gì?"
Trả lời câu hỏi trên nhà báo Lưu Quang Định cho biết thêm: Diễn đàn lần VII chúng tôi chọn chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp". Thời gian gần đây, chúng ta cũng nghe thấy trên nhiều diễn đàn hay Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có đề cập về nội dung xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Bộ NNPTNT có Đề án "Tri thức hóa nông dân", bản thân Hội Nông dân Việt Nam cũng có Đề án "Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045". Theo đó, tại diễn đàn năm nay, chúng tôi cũng sẽ trao đổi, thảo luận thế nào là "Nông dân chuyên nghiệp".
"Chúng ta đã nghe nhiều như cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, ca sỹ chuyên nghiệp thì người nông dân chuyên nghiệp là như thế nào? Các cơ chế, chính sách hỗ trợ và bản thân người nông dân phải phấn đấu như thế nào để trở thành người nông dân chuyên nghiệp? Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước sẽ trả lời những câu hỏi này. Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp, các đại biểu nước ngoài như Hàn Quốc, các nước châu Âu cũng sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng người nông dân chuyên nghiệp ở các nước" - ông Lưu Quang Định thông tin.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phải có người nông dân chuyên nghiệp. Theo tôi, người nông dân chuyên nghiệp cần hội tụ những nhóm yếu tố sau:
1. Có tri thức, tư duy kinh tế, kiến thức, kỹ năng sản xuất nhất là kiến thức khoa học - kỹ thuật, quản trị, tổ chức sản xuất tiên tiến, kiến thức thị trường, quy luật cung cầu, công nghệ thông tin, chuyển đổi số; có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, thân thiện môi trường, chất lượng an toàn…
2. Có tư duy đổi mới, sáng tạo; biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo thứ mình có; hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ.
3. Có phẩm chất đạo đức, sức khỏe, có nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, vì sức khỏe và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội; cùng tham gia xây dựng cộng đồng văn minh.
4. Có trình độ, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình văn minh, hạnh phúc; có ý chí khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước.
5. Biết tạo cơ hội, điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu và phúc lợi công cộng theo hướng rút ngắn khoảng cách về mức sống, chất lượng sống với cư dân đô thị.
Hội tụ 5 nhóm yếu tố trên là mẫu người nông dân chuyên nghiệp, khi đó người nông dân sẽ làm chủ và tự quyết định con đường đi cho chính bản thân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Cuối cùng, tôi vẫn muốn khẳng định lại rằng, chỉ khi người nông dân có kiến thức, có đủ tri thức mới có thể quyết định được việc làm của mình để nâng cao đời sống cho chính bản thân nông dân, cho gia đình và góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.