Trồng lung tung cây ăn trái trong vườn cà phê, tưởng ra vườn tạp, ngờ đâu kiếm bộn tiền hơn
Cho cây ăn trái "chung sống hòa bình" với cây cà phê, nông dân bất ngờ có thêm khoản tiền to
Thứ ba, ngày 06/09/2022 05:56 AM (GMT+7)
Hiện nay, hàng trăm nghìn héc-ta cà-phê đang được người dân các địa phương trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp giúp cân bằng hệ sinh thái, hạn chế tình trạng bốc hơi nước trong mùa khô. Đặc biệt, việc trồng xen đã tăng lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay các địa phương khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh đang trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp trong vườn cà-phê nhằm tăng lợi nhuận, giúp sản xuất bền vững.
Trồng xen vườn cà-phê còn có tác dụng cân bằng hệ sinh thái, làm cây che bóng mát, chắn gió, hạn chế bốc hơi nước trong mùa khô. Qua thống kê ở năm tỉnh Tây Nguyên và hai tỉnh Đồng Nai, Sơn La cho thấy, diện tích trồng xen có gần 178 nghìn héc-ta, chiếm 26,4% tổng diện tích trồng cà phê.
Mô hình trồng cây ăn quả xen cà-phê của người dân xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho năng suất tốt, góp phần nâng cao thu nhập. (Ảnh HOÀI TIẾN)
Loại hình trồng xen chủ yếu là xen hồ tiêu với 21.804ha, bơ 19.329ha, sầu riêng 13.268ha và một số loại cây khác như: Mắc-ca, điều, hồng, chanh leo… Tại tỉnh Đắk Lắk, các mô hình trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu, điều… trong vườn cà-phê tái canh đang được nông dân áp dụng rất hiệu quả với diện tích trồng xen là 75.742ha, chiếm 36,08% tổng diện tích.
Theo tính toán, việc trồng xen giúp tăng thêm thu nhập từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định và rải đều trong năm giúp người dân có điều kiện đầu tư lại vào vườn cây và phát triển kinh tế.
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển các loại cây ăn quả, như: Bơ, sầu riêng, mít, bưởi, hồng, chuối… Hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh có hơn 30 nghìn héc-ta, sản lượng đạt hơn 258 nghìn tấn. Trong đó, diện tích trồng xen hơn 21,5 nghìn héc-ta, gồm sầu riêng 8.130ha, bơ 8.059ha, hồng 1.714ha…, sản lượng đạt hơn 165,8 nghìn tấn.
Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng Hà Ngọc Chiến cho biết: "Trồng xen cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong vườn cà-phê có thể xem là một giải pháp nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị canh tác. Đồng thời, trồng xen cũng có tác dụng làm cây che bóng mát, chắn gió và giữ ẩm cho cây cà-phê, tạo môi trường sinh thái ổn định, ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay và tạo cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững".
Gia đình anh Lê Văn Tri ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đang canh tác khoảng 2,5ha cà-phê, có những vụ thu được từ 12 đến 14 tấn nhân. Tuy nhiên, theo tính toán của anh, trồng thuần cà-phê tốn nhiều chi phí chăm sóc, thu hái mà giá lại bấp bênh.
Sau khi tham dự lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cà-phê bền vững, anh Tri quyết định lựa chọn hai loại cây là bơ và sầu riêng để trồng xen trong vườn cà-phê. Hằng năm, gia đình anh thu nhập thêm từ trồng xen bơ, sầu riêng hàng trăm triệu đồng.
Anh Tri cho biết: "Trồng xen các loại cây ăn quả có tán lớn như sầu riêng, bơ có tác dụng điều hòa khí hậu cho cây cà-phê, nhất là vào mùa khô ở vùng Tây Nguyên. Đồng thời, thu nhập từ các loại cây ăn quả trồng xen cũng tốt cho nên có thêm kinh phí để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc cho vườn cà- phê".
Tương tự, gia đình ông K’Siêng ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) có 5ha đất canh tác, đã sớm thực hiện mô hình đa canh là trồng cà-phê, xen canh các loại cây ăn quả như: Bơ, mít, chuối. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông K’Siêng có thu nhập hơn 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.
Ông K’Siêng chia sẻ: "Khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, gia đình tôi đã phá thế độc canh cây cà-phê, trồng xen cây ăn quả cho nên mang lại hiệu quả tốt".
Tuy nhiên, mô hình trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà-phê hiện nay cũng gặp khó khăn do chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô, vùng phát triển, loại cây trồng xen. Quy trình kỹ thuật trồng xen canh đã được ban hành nhưng quy trình cụ thể cho từng loại cây trồng như: hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều... mới bước đầu được áp dụng.
Do vậy, một số kỹ thuật như: Giống, mật độ trồng, bón phân, tưới nước, tạo hình cho cây trồng xen và cây cà-phê chưa được tổng kết hiệu quả cụ thể để có điều chỉnh phù hợp. Hơn nữa, trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà-phê thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm, nhất là các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa cho nên hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, thời điểm ra hoa, đậu quả của các loại cây trồng xen khác nhau gây khó khăn trong việc chăm sóc. Bởi nếu người sản xuất chọn một cây trồng xen để ưu tiên đầu tư chăm sóc có thể ảnh hưởng sinh trưởng, phát triển, chất lượng cây cà-phê.
Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian tới, các địa phương cần rà soát, đánh giá các mô hình trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp trong vườn cà-phê để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững; cần lựa chọn các loại cây trồng phù hợp để trồng xen vừa tăng thu nhập vừa giữ ổn định diện tích cà-phê; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân liên kết với doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây trồng xen.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, các địa phương cần chú trọng nguồn nước tưới cho các vùng trồng xen, tránh tranh chấp nguồn nước tưới với cây cà phê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.