Phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", cả nước có số hộ là tỷ phú nông dân tăng gấp đôi trong 5 năm

Đức Thịnh Thứ tư, ngày 07/09/2022 05:26 AM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2017 – 2022, chất lượng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô lớn. Số hộ nông dân giỏi có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2012 – 2017.
Bình luận 0

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần VI và Diễn đàn Nông dân quốc gia lần VII do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều nay 6/9, tại Hà Nội. 

Tỷ phú nông dân trồng cà rốt xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc

Số hộ nông dân tỷ phú tăng gấp đôi, có tỷ phú nông dân trồng cà rốt xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ về mô hình trồng cà rốt xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc với các đại biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hưng

Với mô hình trồng củ cải xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm nay. 

Đến dự buổi họp báo, anh Nguyễn Văn Linh chia sẻ: "Tôi đang có 40ha diện tích đất bãi trồng củ cải, cà rốt xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mỗi năm khoảng 2.200 tấn mang lại thu nhập cao hàng tỷ đồng/năm".

Hiện, đơn vị của anh Linh đang tạo công ăn việc làm cho từ 30 đến 50 lao động tại địa phương.

Số hộ nông dân tỷ phú tăng gấp đôi, có tỷ phú nông dân trồng cà rốt xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc - Ảnh 2.

Từ phải qua là các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Nguyễn Văn Linh đến từ Bắc Ninh với mô hình trồng cà rốt xuất khẩu, anh Nguyễn Văn Thanh đến từ Hà Nội với mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao và ông Hoàng Văn Mùi đến từ Hà Nội với mô hình nuôi ếch thu tiền tỷ. Ảnh: Phạm Hưng.

"Để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi phải trồng củ cải, cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng nhiều máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm. Chúng tôi rất hài lòng với sản phẩm của mình làm ra" - anh Linh cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Linh là một trong số hàng triệu nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong 5 năm qua. Anh Linh cũng được chọn là một trong số 300 nông dân giỏi được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI tổ chức ngày 13/9 tới đây tại Hà Nội.

Số hộ nông dân tỷ phú tăng gấp đôi, có tỷ phú nông dân trồng cà rốt xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thông tin về Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022. Ảnh: Phạm Hưng.

Thông tin về Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022, bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn 2017 – 2022, bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước; trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2021 là 3,6 triệu hộ, chiếm 51,6% số hộ đăng ký. 

Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ nông dân có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tiếp tục tăng gấp 2 lần.

Phát huy vai trò nòng cốt của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 

Trong số 300 đại biểu dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, có 235 đại biểu nam và 65 đại biểu nữ; đại biểu dân tộc có 44 đại biểu. Người cao tuổi nhất là 75 tuổi, người thấp tuổi nhất là 31 tuổi. Độ tuổi trung bình là 52 tuổi. 

Về lĩnh vực nông nghiệp có 132 đại biểu làm mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp 49 mô hình; sản xuất kinh doanh tổng hợp 199 mô hình. 

Trong đó, có 64 mô hình chuyên trồng trọt, 49 mô hình chăn nuôi, 26 mô hình trồng trọt và chăn nuôi, 60 mô hình phi nông nghiệp và 102 mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp; có 38 mô hình công nghệ cao, có 93 mô hình chuyển đổi số và 25 mô hình nông nghiệp hữu cơ và 19 mô hình tuần hoàn.

Số hộ nông dân tỷ phú tăng gấp đôi, có tỷ phú nông dân trồng cà rốt xuất khẩu Nhật Bản, Hàn Quốc - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: Nét nổi bật của phong trào là trong 5 năm qua, đã xuất hiện thêm những nhân tố, điển hình mới so với 5 năm trước. Đó là xuất hiện nhiều hơn những mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, kinh tế tuần hoàn. Xuất hiện nhiều hơn các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Phạm Hưng

Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng, 3 triệu ngày công lao động cho xây dựng NTM sửa chữa, bê tông hóa trên 36.000km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa trên 27.000km kênh mương nội đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200 nghìn hộ nông dân thoát nghèo…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những kết quả nổi bật của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khẳng định, trong 5 năm qua, phong trào đã tạo động lực, khích lệ hội viên nông dân vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật để làm giàu cho gia đình, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

"Trong 5 năm qua, đã xuất hiện thêm những nhân tố, điển hình mới so với 5 năm trước. Đó là xuất hiện nhiều hơn những mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, kinh tế tuần hoàn. Xuất hiện nhiều hơn các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Trong cái khó ló cái khôn, bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản. Có thể nói, tư duy và nhận thức của nông dân đã được thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún chuyển sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất lớn theo chuỗi; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng; giá trị lợi nhuận cao gắn với phát triển bền vững, an toàn thực phẩm. Nông dân của chúng ta đã dần thay đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp".

Nổi bật thứ 2 là công tác lãnh đạo chỉ đạo của Hội đã ngày càng đi vào thiết thực hiệu quả trong đó đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân.

Về định hướng tới đây, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: Phong trào mới trong nội hàm chỉ đạo đó là đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào theo hướng thiết thực, đẩy mạnh nông dân liên kết trong sản xuất. 

"Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là đầu tàu truyền động lực để nông dân cả nước thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và sản xuất tích hợp đa giá trị. Hội Nông dân Việt Nam sẽ phát huy vai trò nòng cốt của các nông dân giỏi. Chính những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi sẽ là những giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT các HTX dẫn dắt nông dân cả nước cùng thi đua sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới" - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem