Theo quyển Địa Chí Sóc Trăng (xuất bản năm 2012), trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng xưa nằm trên cụm giồng cát cao nhất và bao bọc xung quanh là những dạt đất giồng Mã Tộc, Nhâm Lăng, Sóc Vồ, Trà Tim...
Năm 1867, sau khi hoàn tất công cuộc bình định và thiết lập bộ máy chính quyền từ tỉnh đến tận các làng xã, các công sở biệt thự lần lượt hình thành. Khoảng năm 1868 - 1870, trụ sở Hạt Sóc Trăng từ Đại Ngãi được dời về trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng được đặt ngay khu gò cao nhất trung tâm tỉnh lỵ.
Ngôi nhà cổ, nhà xưa kiến trúc Pháp ở phường 7, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: KGT
Các hoạt động về phát triển thương mại trên trung tâm tỉnh lỵ bắt đầu từ đây, nhanh chóng hình thành khu chợ Khánh Hưng cùng với hàng loạt dãy phố “mười căn” sầm uất phục vụ cho các hoạt động mua bán.
Bộ máy chính quyền ổn định và hoạt động thương mại phát triển là tiền đề hình thành nên cuộc sống của giới thương buôn và lực lượng công chức, điền chủ từng bước thiết lập những cơ ngơi và nhanh chóng hình thành những ngôi "nhà Tây" đồ sộ, uy nghi, "kín cổng, cao tường”.
Từ đó, không khó để giải thích vì sao tại trung tâm tỉnh lỵ và các vùng lân cận lại có nhiều ngôi nhà "kín cổng, cao tường" uy nghi, sừng sững là một mô típ đậm nét thẩm mỹ của lối kiến trúc Pháp.
Chính vì vậy, chuyến đi tìm về nhà xưa, nhà cổ kiến trúc Pháp được mở đầu tại tuyến đường Tôn Đức Thắng thuộc phường 5, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng). Bởi vì nơi đây được cố học giả Vương Hồng Sển khen ngợi hết lời là con đường dạo mát của giới giàu có khi xưa, rồi nơi hưởng thú điền viên của giới thượng lưu... với hàng chục ngôi nhà Tây bề thế.
Được anh bạn hành nghề xe ôm dẫn lối len lỏi vào một con hẻm nhỏ tìm đến ngôi nhà xưa rêu phong, cổ kính.
Anh cho biết: “Hồi trước, nó là một lộ khá rộng nhưng bị người dân lấn ra từ từ, giờ hẹp té”. Và trên con đường này, từ xa chúng tôi đã nhận ra ngay một ngôi nhà xưa, nhà cổ kiến trúc Pháp dù đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng nhưng không làm mất đi nét uy nghi, bề thế vốn có.
Ngồi trên bậc tam cấp là một “ông thần men” mới sáng sớm đã ngất ngưởng chén chú chén anh. Anh xe ôm cho biết, ngôi nhà này không biết của ai nên những người sống lang thang thường tụ tập ở một thời gian rồi đi, tốp khác kéo đến... "ông thần men" này cũng vậy.
Chúng tôi lặng ngắm ngôi nhà cổ giờ chỉ còn lại một xác nhà quá xập xệ, nhưng vẫn mang đậm nét kiến trúc Pháp uy nghi, sừng sững trong một khuôn viên rộng lớn, biểu tượng của một thời giới giàu có lúc bấy giờ. Nền nhà cao trên một mét so với mặt sân, tường dày, mái lợp ngói âm dương, trong nhà không khí thoáng mát…
Tiếp theo là về thị tứ Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng), chúng tôi men theo con lộ nhỏ cặp con rạch Văn Cơ - Trường Khánh ngày nào.
Cùng đi là anh bạn mới quen cũng là chủ ngôi nhà cổ có kiến trúc Pháp còn sót lại ở nơi đây. Anh cho biết ngôi nhà được cất vào khoảng 1930 -1935 gì đó. Trước kia, ngôi nhà có khuôn viên rộng, nền nhà cao ráo nhưng dần dần sau này con cháu trong nhà "ra riêng" lấn dần, rồi nhiều yếu tố ảnh hưởng nên từ từ nền nhà giờ ngang mặt lộ mới.
Nhìn bao quát ngôi nhà cổ còn khá hoàn chỉnh với những bức bích họa trên la phông và 3 bức tường của phòng khách vẫn chưa quá ố màu với thời gian, mang đậm nét kiến trúc nhà Tây cộng thêm khuôn viên cả ngàn mét vuông thấp thoáng đâu đó là vết tích của dàn cây cảnh quý hiếm, những loại cây ăn trái cũng thuộc hàng quý hiếm, góp phần tôn tạo cho ngôi nhà trở thành nơi chốn tôn nghiêm khó bề lui tới của những người hàng xóm lân cận.
Kế đến là trở lại vùng đất Sóc Vồ, thuộc phường 7, TP. Sóc Trăng được anh Thạch Lượm - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số dẫn chúng tôi giáp một vòng Sóc Vồ để “chiêm ngưỡng” những ngôi nhà xưa còn sót lại.
“Thời trước, nhà xưa ở khu vực này còn rất nhiều, phần lớn là cất theo kiểu Pháp, một số ít nhà bằng gỗ theo kiểu truyền thống thì của bà con Khmer nhưng nhà nào cũng đẹp, cũng cao ráo, rộng rãi từ ngoài sân đến tận trong nhà. Nhưng do chiến tranh tàn phá, thêm cuộc sống quá khó khăn, sau năm 1975, không đủ chi phí sửa chữa, tôn tạo nên phần lớn bị phá bỏ để cất lại những căn nhà cấp 4 đơn giản, nhẹ chi phí chăm sóc hơn. Hồi xưa, con lộ Sóc Vồ này chiều dài chỉ hơn cây số nhưng có gần hai chục căn nhà xưa. Nhà nào cũng hoành tráng, bề thế, chung quanh rộng rãi, tường rào cao quá đầu... Giờ thì còn vài căn coi được, số còn lại tiêu hết rồi” - anh Thạch Lượm cho hay.
Kết thúc chuyến hành trình, tôi vẫn còn như choáng ngợp giữa một thời xa xưa với những ngôi nhà cổ kiến trúc Pháp mang đậm nét kiến trúc Tây uy nghi, sừng sững, vững chãi là một biểu tượng một thời của giới giàu có tại Sóc Trăng lúc bấy giờ.
Mặc dù bây giờ, hiện trạng nhà xưa phần lớn đã bị phá dỡ, hoặc không còn niên hạn sử dụng theo như thông báo của phía Pháp; số còn lại tuy được “sửa chữa” nhưng không còn cái mô - típ ban đầu mà đã lai tạp.
Nhưng đâu đó vẫn còn sót lại những nguyên mẫu ban đầu với những ngôi gia có nền cao ráo, tường 20 - 30 phân, mái lợp ngói âm dương, nhiều cửa sổ nên trong nhà cổ lúc nào cũng mang không khí thoáng mát; một khuôn viên cả ngàn mét vuông.
Kiến trúc sư Huỳnh Thanh Phong - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Sóc Trăng, Phân hội trưởng Phân hội Kiến trúc Sóc Trăng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại thì tỉnh chưa có nghiên cứu nào về các công trình kiến trúc của Pháp. Đối với các công trình thuộc các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng đã được thông báo từ phía Pháp là hết niên hạn sử dụng.
Còn đối với các nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân hiện tại không có quản lý và cũng chưa có nghiên cứu, thống kê về thể loại này. Tuy nhiên, đối với các ngôi nhà hết niên hạn sử dụng, ngành chức năng cũng có những khuyến cáo để bà con có phương án đảm bảo an toàn khi tiếp tục sử dụng”.