4 cây măng cụt ngót trăm tuổi vẫn "đẻ sòn sòn", ông nông dân Sóc Trăng hái hơn 1 tấn trái, cả xóm trầm trồ

Đông Anh Thứ hai, ngày 07/02/2022 07:00 AM (GMT+7)
Thật vậy, 4 cây măng cụt cổ thụ tọa lạc ở ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Bất kỳ người dân nào của xã Phong Nẫm cũng rành rọt 4 cây măng cụt ở quá tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn "đẻ" đều đều với mỗi năm hơn 1 tấn trái.
Bình luận 0

Ông Hứa Văn Lến (65 tuổi) – chủ sở hữu khu vườn rộng hơn 2ha, tại ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng)– cho biết: "Tính đến nay (tháng 2/2022), tuổi chính xác của 4 cây măng cụt trong vườn nhà tôi là 98 năm. Bốn cây măng cụt được ông nội tôi trồng từ năm 1924".

4 cây măng cụt cổ thụ vẫn ra trái đều đều

Độc, lạ ở tỉnh Sóc Trăng: 4 cây măng cụt gần trăm tuổi, mỗi năm ông chủ thu hơn 1 tấn trái - Ảnh 1.

4 cây măng cụt 98 năm tuổi trong vườn nhà ông Hứa Văn Lến (ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Cây đầu tiên to nhất và 3 cây còn lại phía sau lưng ông Lến cũng to không kém là bao. Ảnh: Đông Anh

Theo ông Lến, đây là những cây măng cụt lâu năm, hiếm hoi nhất của vùng đất hẻo lánh này. Ông Lến cho biết, lúc còn là trẻ nít độ 10-12 tuổi, ông Lến đã được ông nội dẫn ra gốc 4 cây măng cụt nhặt trái, nhổ cỏ, chăm sóc cho cây…

Gần trăm tuổi, trải qua biết bao biến cố lịch sử và tới thế hệ chủ sở hữu thứ 4 (con ông Lến), 4 cây măng cụt 98 năm tuổi trên vẫn bám trụ, phát triển vững chắc trên mặt đất ven bờ con sông Hậu nước lớn, nước ròng…

PV Dân Việt đã tận mắt chứng kiến 4 cây măng cụt 98 năm tuổi trong buổi chiều mồng 4 Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. 

Cả 4 cây măng cụt cao hơn 10m, với những tán lá xanh, tỏa rộng xung quanh, có bán kính mỗi bên từ 5-8m. Rất nhiều cành trên ngọn cây măng cụt xõa rộng, vươn ra bốn hướng, có độ dài đường kính khoảng 10m.

Đặc biệt và thú vị nhất là gốc của 4 cây măng cụt đều to "khủng", dày đặc những cục u, phát triển lồi ra phía ngoài. Mỗi gốc cây măng cụt to, một vòng ôm của một người lớn vẫn ôm không hết.

Độc, lạ ở tỉnh Sóc Trăng: 4 cây măng cụt gần trăm tuổi, mỗi năm ông chủ thu hơn 1 tấn trái - Ảnh 2.

Cận cảnh một trong bốn gốc măng cụt 98 năm tuổi trong vườn nhà ông Hứa Văn Lến. Ảnh: Đông Anh

Ông Hứa Văn Lến cho hay, mặc dù 4 cây măng cụt ngót nghét gần trăm tuổi là thế, nhưng hàng năm, vào mùa thu hoạch, 4 "cụ" măng cụt vẫn cho trái đều đặn, không mùa nào không có trái. 

Năm nào thời tiết thuận hòa, trúng mùa đậm, mỗi cây cho 400 – 500kg trái măng cụt là bình thường. Còn gặp năm không trúng mùa, thì mỗi "cụ" vẫn ra hoa, kết trái cho gia đình ông Lến từ 250 – 300kg trái. 

Trái từ 4 cây măng cụt 98 năm tuổi trên ngọt thanh không kém cạnh những trái măng cụt tuổi "thiếu niên" khác trong vườn. 

Trái măng cụt nào do "4 cụ đẻ ra" cũng có vỏ mỏng, ruột rất dày, hạt không lớn, nhiều người nếm một lần rồi không thể nào quên.

Một điều rất lạ, "những cây măng cụt cụ, kỵ này, dường như không bao giờ bị sâu hay bị bệnh gì hết. Không cần phải bón phân hay dùng thuốc thang gì, hàng chục năm qua, 4 "cụ" đều phát triển, cành lá xanh mướt, sum suê và tới mùa là ra bông, kết trái đều đặn. 

"Nhà tôi không cần phải chăm sóc gì nhiều" – ông Lến nói. Thậm chí, do cành lá phát triển dài ra xung quanh, lo lắng cành bị trĩu nặng, dẫn tới gãy đỗ. Gần đây, ông Lến phải nghiên cứu dựng cột bê tông, bắc đà chống đỡ cho những cành to, dài, cho 4 cây măng cụt.

Mong muốn bảo tồn cây măng cụt đặc sản

Độc, lạ ở tỉnh Sóc Trăng: 4 cây măng cụt gần trăm tuổi, mỗi năm ông chủ thu hơn 1 tấn trái - Ảnh 4.

Do các nhánh cây măng cụt phát triển quá nhiều, tán rộng sau gần 100 năm, nên chủ nhân phải đúc các trụ bê tông chống đỡ, không để các cành trĩu nặng, gãy đổ. Ảnh: Đông Anh

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải – Trưởng bộ môn sinh học, Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, từng hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều dự án về môi trường – nhận xét: "Những cây măng cụt gần trăm tuổi ở vườn nhà ông Hứa Văn Lến, không chỉ là "của quý hiếm" của miền Tây Nam bộ, mà chúng còn có ý nghĩa như chứng nhân lịch sử về sự phát triển của cồn Phong Nẫm qua bao năm tháng".

Thầy Nguyễn Ngọc Hải rất mong muốn cơ quan chức năng, các nhà khoa học nên quan tâm, đặt vấn đề nghiên cứu và bảo tồn đối với 4 cây măng cụt trăm tuổi này.

Xã Phong Nẫm (diện tích 17,5km2) vốn là một cồn đất nằm giữa con sông Hậu rộng lớn. Cồn Phong Nẫm đã được những người dân khai phá, lập ấp, lập điền từ giữa thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cùng với nhiều cồn, cù lao cận kề như: cồn Bàng, cồn Cò, cồn Mỹ Phước, cù lao Dung…

Muốn vào được cồn Phong Nẫm, mọi người phải đi bằng vỏ lãi hoặc bằng phà. Hơn 5 năm trở lại đây, nhờ tuyến đường Nam Sông Hậu được nhà nước đầu tư xuyên dọc bờ sông Hậu, chuyện đi lại và đời sống của người dân Phong Nẫm được cải thiện vượt bậc. 

Bộ mặt nông thôn mới của xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thay đổi từng ngày.

Người dân Phong Nẫm chuyển hướng trồng cây theo hướng tập trung như vườn trông măng cụt, vườn trồng chanh bông tím, vườn trồng sầu riêng, nhãn, cam, chôm chôm... với thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng trong 1 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem