Đàn ông con trai một làng Hà Tĩnh làm nghề thợ nề "tạc rồng, đắp phượng" làm vui cho thiên hạ
Ở làng này của Hà Tĩnh, đàn ông con trai theo cái nghề quanh năm "tạc rồng, đắp phượng" làm vui cho thiên hạ
Thứ hai, ngày 05/09/2022 06:05 AM (GMT+7)
Đôi bàn tay “tạc rồng, đắp phượng” của những người thợ tài hoa ở làng Đình Hoè xưa (nay là thôn Tây Sơn và Vĩnh Sơn) của xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã để lại dấu ấn đậm nét, tạo nên thương hiệu riêng của nghề truyền thống Đình Hòe tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đôi bàn tay “tạc rồng, đắp phượng” của những người thợ tài hoa ở làng Đình Hoè xưa (nay là thôn Tây Sơn và Vĩnh Sơn) của xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã để lại dấu ấn đậm nét, tạo nên thương hiệu riêng của nghề truyền thống Đình Hòe tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Công trình nhà thờ họ Nguyễn Hữu (thôn Thanh Cao, xã Thạch Khê) do các thợ nề ở xã Đỉnh Bàn xây dựng vào năm 2021.
Theo các cụ cao niên, làng Đình Hòe xưa xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII. Thời điểm đó, người dân trong làng lao động bằng nhiều nghề để sinh sống như: nghề nông, nghề mộc, nghề muối...
Đặc biệt, làng có nghề thợ nề (hay còn gọi là thợ hồ) nổi tiếng khắp gần xa, hầu hết đàn ông trong làng đều tham gia làm nghề. Nói về sự nổi tiếng của làng, trong dân gian lưu truyền câu: “Thái Yên mộc tượng, Đình Hòe nề công” (nghĩa là: Làng Thái Yên nghề mộc, làng Đình Hòe nghề nề).
Những con rồng được thợ nề làng Đình Hòe thực hiện thủ công với đôi bàn tay khéo léo, nghệ thuật.
Lúc bấy giờ, thợ nề ở làng Đình Hòe gây ấn tượng với trình độ tay nghề cao. Các công trình thợ Đình Hòe xây dựng có độ sắc nét và rất tinh xảo, nghệ thuật. Những đôi bàn tay tài hoa của làng đã tham gia xây dựng các công trình kiến trúc như: đình, chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà ở… ở khắp gần, xa. Dân gian còn lưu truyền câu ca: "Đình Hoè đất chật người đông/ Người đi tứ xứ, vẽ rồng đắp nghê". Tiêu biểu là các kiến trúc cổ như: đền Voi Quỳ (Thạch Hà), đền Tương Bình (Thạch Hà), Võ Miếu (TP Hà Tĩnh), chùa Hương Tích (Can Lộc)... đều mang đậm dấu ấn của thợ Đình Hòe.
Công trình nhà chuông tại chùa Thanh Quang ở thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn) do thợ nề Đình Hòe thực hiện trong năm 2020.
Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của cha ông, năm 1985, HTX thủ công Đình Hoè được thành lập do ông Lê Thành làm chủ nhiệm, các thành viên đều là các thợ nề trong làng. Bằng bàn tay, khối óc sáng tạo của những người thợ, danh tiếng của nghề nề Đình Hòe nhanh chóng nổi danh khắp trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, bước sang thời kỳ đổi mới (năm 1986), do không nắm bắt được thị trường nên HTX đã giải tán, các tổ thợ chia ra hoạt động độc lập. Dù vậy, nghề nề ở làng Đình Hòe vẫn phát triển, không bị mai một như một số nghề truyền thống khác. Thợ nề Đình Hòe vẫn ngày đêm miệt mài với những công trình xây dựng.
Nhà thượng điện chùa Thanh Quang được xây dựng theo lối kiến trúc xưa, đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mẩn của những người thợ Đình Hòe.
Đến tháng 12/2020, nghề nề Đình Hòe của xã Đỉnh Bàn được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Điều này đã tạo bước đệm cho những người làm nghề khi được nhiều khách hàng tìm tới, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Hiện nay, bên cạnh các công trình kiến trúc như: đình, chùa, miếu, nhà thờ…, thợ nề Đình Hòe còn đảm nhận xây dựng các công trình mang tính hiện đại với những công trình như: biệt thự, nhà cao tầng, khách sạn.
Buổi lễ ra mắt của HTX Nghề nề Đình Hòe vào tháng 5/2022. (Ảnh tư liệu).
Sau khi được công nhận là nghề truyền thống, để tiếp tục phát triển nghề, UBND xã Đỉnh Bàn đã thành lập HTX Nghề nề Đình Hoè. Đến ngày 6/5/2022, HTX chính thức hoạt động với 30 thành viên do ông Trương Văn Nghiêm đảm nhận vai trò Giám đốc.
Nói về nghề truyền thống của quê hương, ông Trương Văn Nghiêm chia sẻ: “Tiếp nối nghề của cha ông, chúng tôi - thế hệ con cháu luôn nỗ lực để gìn giữ và phát triển nghề. Các kỹ thuật xây dựng, tạc rồng, đắp phượng... đều được thế hệ đi trước lưu truyền, chỉ dạy cho chúng tôi. Hiện nay, nghề nề vẫn là nghề chính của người dân, đưa lại thu nhập khá ổn định”.
Đền Thánh Mẫu ở thôn Tây Sơn (xã Đỉnh Bàn) cũng là một trong những công trình xây dựng do thợ nề Đình Hòe thực hiện.
“Tôi rất tự hào khi được gọi là “thợ nề Đình Hòe”, bởi nghề đã nuôi lớn bao thế hệ dân làng. Mỗi một công trình được hoàn thiện bằng công sức, trí tuệ của mình, chúng tôi càng thấy yêu quê hương nhiều hơn” - ông Nghiêm nói thêm.
Tuy mới thành lập hơn 3 tháng nhưng HTX Nghề nề Đình Hòe đã nhanh chóng phát triển, thu hút nhiều người làm nghề trên địa bàn toàn xã tham gia, không còn bó buộc trong làng Đình Hoè xưa. Hiện nay, HTX đã có khoảng 70 thành viên.
Nhà thờ họ Đồng (xã Thạch Khê) đang được thợ nề của HTX Nghề nề Đình Hòe hoàn thiện những công đoạn cuối.
Đối với những người thợ nề Đình Hoè, đây là nghề cho thu nhập tương đối cao và ổn định, là nguồn sống chính của nhiều gia đình. Thu nhập của họ cao hơn với các thợ nề khác, trung bình mỗi ngày công hiện nay khoảng 400 nghìn đồng. Đặc biệt, thợ nề Đình Hòe ngày nay không còn bó hẹp thị trường trong tỉnh mà đã tham gia làm việc tại nhiều tỉnh, thành lân cận như Quảng Bình, Nghệ An...
Là một người có đôi bàn tay “tài hoa”, chuyên đắp rồng, phượng tại các đền, chùa, nhà thờ… ông Cao Quang Trung (61 tuổi, thôn Tây Sơn, xã Đỉnh Bàn) cho biết: “Tôi học nghề nề từ cha và theo cha đến các công trình làm việc từ thuở thiếu niên. Nghề đã rèn cho tôi đức tính cẩn thận, tỉ mỉ và luôn biết trau chuốt cho các tác phẩm của mình hoàn hảo nhất”.
Nghề nề Đình Hòe vẫn giữ được giá trị riêng biệt, để lại nhiều dấu ấn tại các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, dù nhiều tổ thợ nề đã ra đời ở nhiều vùng miền, hoạt động cạnh tranh khá quyết liệt, song nghề nề Đình Hòe vẫn giữ được giá trị riêng có, với những người thợ có trình độ tay nghề cao, để lại nhiều dấu ấn riêng biệt tại các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi nghề nề Đình Hòe được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh. Đây chính là cơ hội để nghề được đầu tư bài bản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực xây dựng. Cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn đồng hành với người dân để gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.