Sâu báng (hay còn có tên gọi khác là đuông báng) là món ăn đặc sản của người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng. Sâu báng thường có nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm.
Vào mùa sâu báng, bà con người Tày ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thường rủ nhau lên rừng tìm để ăn. Sâu báng (đuông báng) là ấu trùng của một số loại bọ cánh cứng, thường làm ổ trong các thân cây báng và ăn các chất dinh dưỡng trong thân cây cho đến khi thân cây trở nên mục rữa.
Anh Hoàng Quốc Thịnh (thôn Mỏ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết, thường vào khoảng thời gian tầm tháng 2, tháng 3 trong năm, bà con sẽ lên rừng tìm và hạ những cây đao, cây báng (một loại cây cùng họ với cây dừa, bên trong có chứa nhiều tinh bột) xuống.
Với những cây thấp, bà con chỉ cần chặt hạ xuống. Còn đối với những cây cao, bà con cần chặt cây thành từng khúc khoảng 2m rồi khoét lỗ nhỏ ở hai đầu.
Khi cây được hạ xuống từ 15 – 30 ngày là thời điểm thích hợp để các loại bọ cánh cứng đục lỗ và đẻ trứng vào. Suốt khoảng 1 – 2 tháng, thức ăn của ấu trùng sẽ là lõi và nõn trong thân cây đao, cây báng.
"Khi ấu trùng lớn dần và hóa thành đuông, nhưng nếu không khai thác đúng thời điểm thì chúng sẽ già và mọc cánh bay đi," anh Thịnh cho biết.
Nên chọn những cây đao, cây báng già và có nhiều bột để chặt, như vậy sẽ thu hút được nhiều bọ cánh cứng đến đẻ trứng hơn.
Theo kinh nghiệm của bà con, muốn biết cây đao, cây báng có nhiều sâu báng hay ít, hoặc đã khai thác được hay chưa, họ sẽ dùng dao hoặc gậy gõ vào thân cây. Nếu thấy thân cây phát ra tiếng rộp rộp, có nghĩa là cây đó có nhiều sâu báng và đã có thể khai thác. Thông thường, cây báng sẽ cho nhiều sâu hơn vì thân cây to, cao và có nhiều bột từ gốc đến ngọn.
Muốn bắt được sâu báng, bà con phải dùng dao hoặc rìu để bổ vỏ thân cây ra rồi nhặt từng con sâu bên trong. Sâu báng sau khi lấy ra khỏi thân cây có thể sống vài tiếng đồng hồ trong điều kiện bình thường.
Để sâu báng không cắn nhau chết, nên cho vào vật dụng đựng một ít mùn của thân cây để tránh sâu bị hoảng loạn với ánh sáng.
Sau khi lấy khỏi thân cây, sâu báng được đem về ngâm vào nước sau đó rửa sạch, rồi đem chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Xào hoa chuối, xào măng chua, xào gừng, nướng… Hoặc với nhiều người còn có sở thích dầm mắm ớt ăn sống.
Những con sâu báng ngon, chất lượng là những con to, tròn, có màu vàng trong, sau khi chế biến xong thân sâu vẫn căng phồng, không bị xẹp.
Sâu báng khi ăn có vị ngọt, thơm, béo ngậy vì chứa nhiều chất đạm. Đây không chỉ là món ăn hấp dẫn của người dân địa phương mà còn mê hoặc nhiều thực khách khi có dịp đến với nơi này.
Hiện nay, sâu báng, sâu đao đang được rất nhiều người săn lùng vì đây là loại đặc sản hiếm. Ngoài bắt sâu báng về để ăn, bà con ở đây còn bán cho người dân trong vùng với giá rất cao từ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Còn khi đến được với các nhà hàng, giá sâu báng có thể tăng lên gấp nhiều lần hơn nữa.
Tuy nhiên để kiếm được sâu báng không dễ nên số lượng ít do đó khách muốn mua phải đặt hàng trước, thậm chí có tiền còn không có để mua.