Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, ngày 8/9, các ĐBQH tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ hơn khái niệm "bạo lực gia đình".
Theo ông Đức, tại khoản 1, Điều 2 về giải thích từ ngữ quy định khái niệm về bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
"Nếu so sánh với toàn bộ các quy định tại Điều 3 về hành vi bạo lực gia đình, có rất nhiều hành vi bao gồm cả những hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để gây tổn hại đến về cả thể chất, tinh thần, làm sang chấn tâm lý của các thành viên trong gia đình mình… Do vậy, nếu chỉ quy định khái niệm như dự thảo Luật là chưa rõ", ông Đức nói và đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về khái niệm về bạo lực gia đình, theo hướng quy định bao hàm trọn vẹn, toàn bộ những hành vi được quy định trong Điều 3.
Đồng thời, đảm bảo thống nhất với tất cả các hành vi quy định trong Bộ luật Hình sự về những tội danh tội hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, tội làm nhục người khác… xảy ra thường xuyên trong thời gian dài.
"Phải có quy định rất chặt chẽ những hành vi đó. Lâu nay, ông chồng đi uống rượu về mà bà vợ cứ chì chiết, không cẩn thận lại trở thành câu chuyện vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình", ông Đức nói và đề nghị quy định chặt chẽ dù Chính phủ sẽ có hướng dẫn thi hành.
Góp ý kiến về quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, có nhiều trường hợp ngoại lệ không được coi là lao động mặc dù có đủ các dấu hiệu.
Viện dẫn quy định tại Điều 33 dự thảo luật quy định các công việc phục vụ cộng đồng áp dụng với người có hành vi bạo lực gia đình gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác… Danh mục công việc quy định tại khoản này do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, đề xuất của cộng đồng.
"Việc quy định về danh mục các công việc phục vụ cộng đồng như dự thảo luật là phù hợp, bởi đã được cộng đồng tham gia quyết định danh mục công việc của cá nhân, đảm bảo các yếu tố ngoại lệ, không bị coi là lao động cưỡng bức", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH Đoàn Quảng Bình) cho rằng, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Biện pháp này được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ - trừ phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo đề nghị của người được phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình và theo nhu cầu của cộng đồng.
"Công việc này không phải là tự nguyện nên dễ bị quy kết là cưỡng bức lao động. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần cân nhắc kỹ quy định này để đảm bảo tương thích với công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia", ông Cường góp ý kiến.
Còn đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) khẳng định "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" là giải pháp rất mới, vì thực tiễn phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua cho thấy, các biện pháp xử lý hành chính hiệu quả rất thấp.
"Tham khảo kinh nghiệm tại Hàn Quốc thì họ cũng áp dụng biện pháp này và rất hiệu quả", đại biểu Mai nói.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn Tiền Giang) khẳng định, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình.
Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật mà xảy ra trong gia đình đều có thể xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan.
Cùng một hành vi gây thương tích cho người trong gia đình nhưng nếu vô ý gây thương tích thì không thể cách ly họ, mà chỉ cần giáo dục, thuyết phục... để xử lý vấn đề, vì mục tiêu chính là bảo vệ gia đình.
Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, các giải pháp được đặt ra trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần theo hướng như vậy.
Theo ông, quan hệ sau ly hôn rất phức tạp. Nếu trường hợp đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa, hành hạ người đã ly hôn thì có thể áp dụng biện pháp cách ly, lệnh cấm tiếp xúc. Đây là các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam đều đã thấy bạo lực gia đình xảy ra sau ly hôn. Vì vậy dự thảo luật không chỉ có biện pháp cấm tiếp xúc mà còn có biện pháp hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.