Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, luật hiện hành đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, ông nêu rõ: Bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
"Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình, gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội", ông Hùng nói và nhấn mạnh, "nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước".
Nhấn mạnh dự án luật sẽ nhận được sự quan tâm lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình.
"Nhiều khi bạo lực tinh thần còn nguy hiểm hơn bạo lực về thể chất. Phụ nữ và trẻ em là các đối tượng bị bạo lực tinh thần nhiều nhất", ông Huệ nói.
Góp ý cụ thể vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội nêu loạt vấn đề như "bạo lực tình dục không giao hợp", "hãm hiếp trong hôn nhân" hay phổ biến là tình trạng "lựa chọn giới tính thai nhi"… - "Đây có phải là bạo lực gia đình hay không?", ông đặt vấn đề và nói: "Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn giới tính thai nhi bắt buộc cũng là hành vi bạo lực gia đình, liên quan đến giới.
Vậy việc bắt ép, bạo hành trong lựa chọn giới tính thai nhi có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không thì chúng ta phải tính toán xét cả về khía cạnh pháp lý và thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Quốc hội, cần phải quy định rõ, cụ thể cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình để quy trách nhiệm cụ thể.
"Những vụ việc như cháu bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu thì việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý không kịp thời thì quy trách nhiệm cho ai?", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, nếu không quy định rõ trách nhiệm, ai cũng nghĩ việc chính của người khác thì hiệu quả công việc sẽ không cao.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ hơn vấn đề xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình vì dự thảo còn quy định chung, chưa cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nếu cần nguồn lực nhà nước thì cơ quan soạn thảo mạnh dạn đề xuất vì đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. "Làm sao luật này ra đời phải tạo ra chuyển biến căn bản trong phòng chống bạo lực gia đình", ông nhấn mạnh.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập đến những vụ bạo lực gia đình đau lòng liên quan việc dạy và học tập của trẻ em thời gian gần đây.
Theo ông, những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ với con cái dẫn đến yêu cầu các cháu phải học đến 3 - 4 giờ sáng cũng như mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ, trở thành hãnh diện của cha mẹ đã tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em. Do đó, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo đề nghị diễn đạt rõ hơn trong dự thảo luật.
Dự thảo luật gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với luật hiện hành, tập trung vào 3 nhóm chính sách gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.