Dân Việt

Bắc Kạn: Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi cao, chàng trai người Dao bán được cá, khách du lịch kéo đến càng đông

Chiến Hoàng 10/09/2022 13:03 GMT+7
Chọn đỉnh núi núi Pù Lầu chon von thuộc dãy Phja Bjoóc hùng vỹ để khởi nghiệp, chàng trai Đặng Hành Dũng, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn không chỉ có cá tầm, cá hồi bán cho du khách mà còn từng bước gắn nuôi trồng thủy sản với hoạt động du lịch sinh thái.

Để lên được đỉnh Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nơi có trại cá tầm, cá hồi của chàng trai người dân tộc Dao Đặng Hành Dũng, chúng tôi phải ngược ngàn hơn 10km, thậm chí bỏ xe leo bộ xuyên qua những rừng trúc xanh thẳm như chốn phim trường.

Bắc Kạn: Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi cao, vừa bán cá vừa kết hợp làm du lịch - Ảnh 1.

Trang trại nuôi cá tầm, nuôi cá hồi trên núi Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Từ độ cao gần 800m nhìn xuống, chỉ thấy những mảng màu xanh sậm lẫn mờ trong sương. Gió bốn về lồng lộng, thác suối Pù Lầu gào thét trên đỉnh non rầm rập lao xuống như ngàn vạn binh mã chốn sa trường.

Bắc Kạn: Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi cao, vừa bán cá vừa kết hợp làm du lịch - Ảnh 2.

Anh Đặng Hành Dũng, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn bắt cá tầm phục vụ khách du lịch. Ảnh: Chiến Hoàng

Trại cá tầm, cá hồi của Đặng Hành Dũng nằm ngay đỉnh non, cảm giác với tay cũng có thể chạm được vào mây. Dũng còn khá trẻ, thuộc thế hệ 9X, từng đi công an nghĩa vụ, học trung cấp Y; có lẽ vì đó mà ở chàng trai này vừa có sự kiên trì, nhẫn nại lại vừa có sự tỉ mỉ, kĩ lưỡng.

Dũng bảo, ra trường không xin được việc, thấy trên Pù Lầu khí hậu quanh năm mát lạnh, lại có thác núi, rừng trúc đẹp như tranh nên đã quyết định lên trên Pù Lầu làm nuôi cá tầm, cá hồi.

"Khi có ý tưởng nuôi cá tầm, cá hồi trên đỉnh Pù Lầu, tôi đã lên mạng học hỏi, vào các hội, nhóm liên quan đến nuôi cá tầm, cá hồi để tìm hiểu cũng như trao đổi về kỹ thuật, phương thức, giống cá, thức ăn...

Sau một thời gian dài tìm hiểu, thậm chí đi thăm các mô hình nuôi cá tầm, cá hồi ở trên Sa Pa (tỉnh Lào Cai), tháng 2/2020, tôi đã quyết định đầu tư để xây dựng trại cá tầm, cá hồi trên đỉnh Pù Lầu này", Đặng Hành Dũng chia sẻ.

Bắc Kạn: Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi cao, vừa bán cá vừa kết hợp làm du lịch - Ảnh 3.

Thác suối Pù Lầu, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nơi Đặng Hành Dũng dẫn nước nuôi cá tầm, cá hồi cũng là điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo Dũng, địa phương có khá nhiều lợi thế để phát triển những sản phẩm nông sản đặc hữu như bí xanh thơm chẳng hạn, tuy nhiên anh chọn nuôi cá tầm, cá hồi vì loài cá này cho giá trị kinh tế cao lại chưa nhiều người thực hiện.

Việc chàng trai trẻ Đặng Hành Dũng nuôi cá tầm cá, cá hồi trên đỉnh Pù Lầu khiến không ít người nghi ngại về mức độ thành công của mô hình vốn rất lạ lẫm này. Ngay việc vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng bể nuôi cá tầm, cá hồi cũng đã chẳng khác nào nữ Oa vá trời vậy.

"Những ngày đầu xây dựng trại nuôi cá tầm, các hồi rất khó khăn. Núi cao, vận chuyển nguyên vật liệu hết sức vất vả, chi phí xây dựng bể cá cũng vì đó mà đội lên rất nhiều nhưng đã quyết rồi thì khó mấy cũng phải làm thôi", Đặng Hành Dũng nhớ lại.

Vốn đầu tư cho trại cá này cũng ngót nghét cả tỷ đồng. Dũng chia sẻ, chủ yếu là huy động từ gia đình và anh em, bạn bè chứ cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nào.

Bắc Kạn: Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi cao, vừa bán cá vừa kết hợp làm du lịch - Ảnh 4.

Cá tầm, cá hồi của Đặng Hành Dũng, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn luôn có sẵn từ 5-7 tạ cá thương phẩm phục vụ nhu cầu của khách. Ảnh: Chiến Hoàng.

"Cá tầm, cá hội của nhà tôi hiện nay đã ổn định, trung bình 18 tháng sẽ cho xuất một lứa, hiện lúc nào chỗ tôi cũng có sẵn 5-7 tạ cá thương phẩm để phục vụ khách. Đầu ra chủ yếu là Hà Nội, trong tỉnh cùng một số tỉnh thành lân cận.

Chúng tôi đang bán cá tầm giao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, cá hồi từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Nhìn chung đầu ra rất ổn định, thu nhập cũng cao hơn so với việc thực hiện các mô hình chăn nuôi khác", Đặng Hành Dũng cho biết thêm.

Thấy mô hình của Đặng Hành Dũng hiệu quả, trưởng thôn Phiêng Phàng - Đặng Khải Cường - cũng lên núi dựng nhà, làm bể nuôi cá tầm, các hồi.

Bắc Kạn: Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi cao, vừa bán cá vừa kết hợp làm du lịch - Ảnh 5.

Khách du lịch trải nghiệm được Đặng Hành Dũng, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn phục vụ các món ăn từ cá tầm, các hồi ngay tại trại cá. Ảnh: Chiến Hoàng

Khi chúng tôi đến, trại cá tầm, cá hồi của Đặng Khải Cường cũng mới vừa vào lứa cá bột đầu tiên. Trại cá nhà Cường có 7 bể và đang tiếp tục hoàn thiện thêm 3 bể nữa. Cường bảo đã đầu tư vào đây mấy trăm triệu đồng rồi.

"Về kỹ thuật, tôi được tham gia lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn, cá giống chúng tôi lựa ở Yên Bái, Lào Cai. Nói chung toàn anh em thanh niên nông thôn khởi nghiệp nên nguồn vốn rất khó khăn", trưởng thôn Phiêng Phàng chia sẻ.

Thôn Phiêng Phàng khí hậu quanh năm mát lạnh, núi non trùng điệp, bốn bề rừng trúc bủa vây với thác nước Pù Lầu hùng vỹ đã khiến chủ nhân của các trại cá tầm, cá hồi hình thành ý tưởng nuôi cá tầm, cá hồi gắn với du lịch sinh thái.

Bắc Kạn: Nuôi cá tầm, cá hồi trên núi cao, vừa bán cá vừa kết hợp làm du lịch - Ảnh 6.

Du khách trải nghiệm tại trại cá tầm, cá hồi của Đặng Hành Dũng tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng.

Rất nhiều người vì mê cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Pù Lầu mà lần đến. Cá tầm, cá hồi được anh em Đặng Hành Dũng chế biến, phục vụ tại chỗ một cách chuyên nghiệp khiến du khách rất hài lòng.

Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, chúng tôi hy vọng đây sẽ là bước mở đầu cho cách làm thương mại mới, cũng đồng thời là hướng đi, giải pháp để người nông dân làm quen, biết cách để làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với sản xuất.

Có thể nói, chàng trai người Dao Đặng Hành Dũng đã mở ra một hướng đi mới, nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Từ khi có trại cá của anh em Đặng Hành Dũng và trưởng thôn Phiêng Phàng, trên núi cao Pù Lầu, giờ đây, ngoài tiếng côn trùng, tiếng gió reo còn nghe cả tiếng cá quẫy trong đêm.