Ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc cùng UBND tỉnh Hòa Bình và huyện Yên Thủy về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025.
Theo ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, mục tiêu cụ thể của Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 là tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 70% (tương ứng với 91 xã); 50% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân mỗi xã trong tỉnh đạt 17 tiêu chí NTM; chuẩn hóa từ 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, từ đầu năm 2022 đến 8/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh Hòa Bình cho chương trình đạt khoảng trên 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước trên 453 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án cho các xã trên 122 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư đạt 122 tỷ đồng.
Đến nay, Hoà Bình có 65/129 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50,4%; bình quân tiêu chí NTM đạt 15,67 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh có 20 xã NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu; 3 huyện, thành phố hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM; 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.
Tại huyện Yên Thủy, công tác triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM được các cấp, ngành và các đoàn thể quan tâm thực hiện, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân.
Bình quân các tiêu chí NTM của huyện giai đoạn 2021 đến nay đạt 17,4 tiêu chí/xã; 6/10 xã đạt chuẩn NTM. Huyện đã xây dựng được 16 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 134 vườn mẫu, 12 sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, một số địa phương đã chủ động phát triển được những nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch để phát nông nghiệp bền vững.
Ông Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị (Yên Thủy, Hòa Bình) chia sẻ: Xã Yên Trị có 4 HTX. Trong đó, 1 HTX sản xuất dược liệu từ cây sạ đen là mô hình HTX tiêu biểu. Các HTX đều có nhóm, tổ sản xuất liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp sản xuất dược liệu. Trên địa bàn xã có 4 cơ sở đăng ký phát triển du lịch gắn kết với mô hình sản xuất dược liệu để quảng bá nông sản địa phương.
Đánh giá về kết quả thực hiện xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định, tuy rằng chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn này đã mất khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện thể chế, nghị quyết, thông tư, hướng dẫn. Tuy nhiên, từ nhiều nguồn thông tin và đặc biệt qua chuyến thăm và làm việc tại Hoà Bình trực tiếp thấy được sự chủ động, năng động của địa phương trong xây dựng NTM từ nguồn vốn địa phương, không trông chờ nguồn vốn Trung ương để triển khai chương trình.
Thông qua chuyến khảo sát này, Bộ NNPTNT và Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ nhìn lại quá trình, cách thức chuẩn bị, không chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương mà tất cả chúng ta cần chuẩn bị chuyên đề để phát triển kinh tế nông thôn. Bởi kinh tế nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng của giai đoạn sắp tới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Nếu giao đoạn vừa qua chúng ta tập trung đầu tư hạ tầng thì giai đoạn tới chúng ta sẽ tập trung vào chương trình mỗi làng một sản phẩm, du lịch cộng đồng, kinh tế hợp tác, khởi nghiệp nông nghiệp nông thôn. Thông qua đó tạo ra một quy trình, tiến độ, kế hoạch cụ thể để các cấp chủ động áp dụng thực hiện chứ trông chờ vào phân bổ nguồn ngân sách đầu tiên.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan:
Hoà Bình cần tập trung xây dựng không gian phát triển cộng đồng với 5 yếu tố: chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; cần phải tri thức hóa người nông dân; hướng tới xây dựng và nâng cao giá trị sản phẩm.
"Quan trọng nhất là khơi gợi được nguồn lực địa phương, nguồn lực hiện có để tạo ra nhiều giá trị cho không gian phát triển nông thôn, tạo ra nhiều sinh kế việc làm cho nông thôn và hình ảnh nông thôn phát triển dựa trên tài nguyên bản địa sẵn có của mình, từ đó đi lên" Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Về kết quả xây dựng NTM tỉnh Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng mỗi thôn, xã tại Hòa Bình đều có những đặc điểm, giá trị riêng có thể tạo ra thương hiệu riêng cho Hòa Bình. Từ thương hiệu đó sẽ kích hoạt những tiềm năng khác như du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng…
Trong tương lai, nông nghiệp Hòa Bình sẽ là nền kinh tế nông nghiệp vừa mang yếu tố kinh tế, vừa mang yếu tố xã hội và cả yếu tố văn hóa. Mỗi sản phẩm phải gắn liền với hình ảnh của Hòa Bình, gắn liền với địa danh lịch sử, gắn liền với văn hóa các dân tộc… Như thế sẽ tạo ra sự khác biệt, tạo ra giá trị cao hơn.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, xây dựng NTM dựa trên những đặc thù riêng về thiên nhiên, phong cảnh và văn hóa của các dân tộc, sẽ là thành công lớn của tỉnh. Bởi nông thôn mới kèm theo các sản phẩm OCOP, kèm theo du lịch chứ không chỉ là nông thôn đơn thuần.
Nông thôn mới phải tích hợp được đa giá trị, vừa có sản phẩm OCOP được chế biến từ cộng đồng, vừa có sản phẩm du lịch của đồng bào các dân tộc thì giá trị nông thôn mới của Hòa Bình sẽ đi nhanh và tạo ra sự khác biệt.
Kết luận buổi khảo sát, Bộ trưởng Bộ NNPTNT ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình và huyện Yên Thuỷ. Đề nghị tỉnh Hoà Bình và huyện Yên Thủy lựa chọn 1 xã để Bộ hỗ trợ hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.