Những "ruộng bậc thang hạnh phúc" chính là kho báu Tây Bắc cần đánh thức
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Những "ruộng bậc thang hạnh phúc" chính là kho báu Tây Bắc cần đánh thức
K.Nguyên
Chủ nhật, ngày 28/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, tại sao không nghĩ đến "nông sản hạnh phúc", những "ruộng bậc thang hạnh phúc" khắp miền Tây Bắc để phát triển kinh tế, xã hội vùng trung du, miền núi Bắc Bộ dựa trên nét độc đáo của văn hóa, cảnh sắc nơi này.
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu chỉ thiên về các chỉ tiêu năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản, thì tăng trưởng, phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác.
Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo văn hoá tinh hoa của đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm thì nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan toả khắp vùng cao.
Đây là quan điểm tiếp cận tiếp nối Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ: "Phát triển nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tham quan vùng chè Suối Giàng, Yên Bái và rất ấn tượng với cách chính quyền địa phương và người dân bản địa khai thác các giá trị văn hóa, sản phẩm địa phương để làm du lịch. Ảnh: Báo Yên Bái.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đặc thù về địa hình, về điều kiện địa lý tự nhiên, về tài nguyên, cách trở ít nhiều về mặt giao thông, kết nối, cùng những khó khăn khách quan khác, không hẳn là chướng ngại - gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cho sự phát triển ngành nông nghiệp nói riêng, của các địa phương trung du, miền núi Bắc Bộ.
Từ một góc nhìn khác, chính những đặc điểm này lại tạo nên những nét khác biệt, riêng có, có thể trở thành nguồn lực, chuyển thành "lợi thế" nếu được khai thác, phát huy một cách phù hợp, năng động, sáng tạo.
Hoà cùng những "nguồn vốn văn hoá", "nguồn vốn xã hội" vô giá, không có giới hạn, sẽ tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, tiếp thêm sức bật mới cho Vùng.
"Phát triển nông nghiệp theo hướng "kinh tế trải nghiệm" – tập trung vào yếu tố "trải nghiệm" và "con người" là một gợi mở đáng tham khảo, khi có thể tối ưu hoá những nguồn lực sẵn có, cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, của người tiêu dùng, qua từng sản phẩm OCOP, qua từng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ trong nông nghiệp, trước hết, cần xoay quanh đồng bào dân tộc, người nông dân, cộng đồng dân cư nông thôn, cộng đồng trong các thôn, bản rẻo cao, tạo dựng sự kết nối gần gũi, thân thiết đến du khách, đến người tiêu dùng.
Theo góc nhìn "mở" này, nguồn lực, lợi thế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ không hề thiếu hụt, hay bị giới hạn. Nguồn lực phát triển ở tất cả địa phương, đầu tiên và quan trọng nhất, là cộng đồng địa phương. Khi cộng đồng địa phương được hỗ trợ nâng cao năng lực, được trao quyền, nguồn lực, sức mạnh, sức sống mới ở từng địa phương sẽ hình thành và phát triển.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, "phát triển cộng đồng dựa vào nội lực" sẽ tạo dựng cơ sở vững chắc để từng bước cân nhắc, xem xét thực hiện phù hợp các giải pháp về "đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên", nhất là khi các vấn đề về bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên rừng, về cải thiện, nâng cao sinh kế cho người dân, về kinh tế lâm nghiệp bền vững luôn là quan tâm hàng đầu của các địa phương trong khu vực.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng với các sản phẩm OCOP của Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.
Bộ trưởng lấy ví dụ, tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn thí điểm các mô hình hợp tác phát triển dược liệu gắn với bảo tồn rừng, hợp tác cung cấp nguyên liệu, dược liệu giữa cộng đồng với doanh nghiệp để quản lý rừng bền vững, hợp tác đồng quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế cho người dân nhờ vào trồng lá khôi tía dưới tán rừng.
Ví dụ như Thôn Tà Chải, xã Tả Phìn đã thành lập Tổ bảo vệ rừng cộng đồng với 19 thành viên để kiểm tra thường xuyên, ngăn chặn kịp thời các tổn hại đến rừng. Song song đó, người dân có thêm việc làm, cải thiện thu nhập, nhờ hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm dựa trên tri thức bản địa.
Những mô hình thực tiễn, được kiểm chứng về hiệu quả ban đầu như thế này, có thể giúp các địa phương có lời giải đáp, trước những cân phân, xung đột giữa gìn giữ tài nguyên và tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững. Tư duy giữ rừng cần có những cách tiếp cận khác chứ không chỉ theo cách truyền thống, duy nhất là "thuê mướn" bảo vệ rừng với những đơn giá, định mức thấp như hiện nay.
"Nếu đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng và thu ngân sách, thì không ít địa phương vẫn là tỉnh khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, có trình độ phát triển thấp. Còn nếu nghĩ khác đi, chọn khác đi, tại sao không xác định hướng đi "làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc" - Bộ trưởng Lê Minh đặt câu hỏi.
Áp dụng góc nhìn này cho lĩnh vực nông nghiệp, phải chăng mỗi địa phương trong Vùng cũng cần xác định rõ "triết lý phát triển nông nghiệp cho riêng mình, phù hợp và phát huy tối đa từng điều kiện đặc thù, từng giá trị tài nguyên bản địa đặc sắc"?
Tại sao không nghĩ đến "nông sản hạnh phúc" khi được vận chuyển qua "cung đường hạnh phúc" đi qua Hà Giang, nơi sỏi đá cũng nở hoa, gắn liền với câu chuyện tự hào, xúc động về huyền thoại thanh niên xung phong mở đường, lưu mãi tuổi xuân?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, những tiềm năng được kích hoạt từ cách tiếp cận mới của đội ngũ lãnh đạo và người dân trong vùng, rồi chắc chắn sẽ có nhiều địa danh, điểm đến tự tin hiện diện trên bản đồ du lịch thế giới.
Tại sao không nghĩ đến "nông sản hạnh phúc", những "ruộng bậc thang hạnh phúc" khắp miền Tây Bắc, được vun trồng, chăm sóc từ chính đôi tay, bằng cả tấm lòng và trái tim của "những người dân hài lòng và hạnh phúc"?
"Để vùng trung du và đồi núi phía Bắc phát triển, chắc chắn rồi sẽ có thêm những sân bay, đường cao tốc, những khu công nghiệp hiện đại. Nhưng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng những vùng kinh tế nông - lâm - du lịch đặc sản, những khu bảo tồn sinh cảnh, những vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược liệu, dược phẩm, những thung lũng đầy hoa, những điểm du lịch cộng đồng trải đều khắp vùng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.