Thời gian qua, trong lúc nhiều phân khúc khác đang chật vật sau 2 năm ảnh hưởng dịch thì bất động sản logistics đang có mức tăng trưởng nhanh.
Theo các chuyên gia, yếu tố hạ tầng là điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam. Hiện tại, cả nước ghi nhận sự đầu tư đồng bộ của các dự án cảng biển - hàng không - đường bộ - đường sắt. Sự phát triển của các dự án hạ tầng được nhận định là xương sống trong chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Theo Cushman & Wakefield, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường mới nổi. Bảng khảo sát cho thấy, Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho hai vị trí ưu tiên, theo sau là 75% cho Ấn Độ.
Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, nhận định để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chẳng hạn như đường cao tốc và cảng biển quan trọng đối với nền kinh tế.
Hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực logistics - hậu cần ngành công nghiệp.
Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc Nam, giai đoạn đầu tiên của sân bay quốc tế Long Thành, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, các tuyến metro ở cả miền Bắc và miền Nam.
Những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Với tình hình lãi suất và lạm phát tăng đã khiến nhà đầu tư phần nào "chùn chân" và cẩn trọng xem xét lại các danh mục đầu tư.
"Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận các nhà đầu tư vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án mà họ đã cam kết. Mặc cho tăng trưởng chậm, các nhà đầu tư được khảo sát vẫn tin rằng dòng vốn chảy vào thị trường châu Á sẽ dần ổn định lại khi nhà đầu tư từ thị trường châu Âu và Mỹ dần thích ứng với bối cảnh hiện tại" - bà Trang Bùi khẳng định.
Cushman & Wakefield đã có cuộc khảo sát dò hỏi tâm lý nhà đầu tư sẽ đầu tư vào phân khúc nào với 1 tỷ USD trong tay. Kết quả, 25% các nhà đầu tư cho biết sẽ triển khai vốn vào phân khúc logistics. Theo sau đó, các phân khúc văn phòng và phi truyền thống như trung tâm dữ liệu (data center) và nhà ở đa gia đình giữ vị trí tiếp theo.
Mặc dù lợi suất giảm, hơn 35% nhà đầu tư tin rằng lĩnh vực logistics về cơ bản vẫn chưa đủ nguồn cung đáp ứng thị trường, với 30% tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng tích cực dù với tốc độ chậm hơn trong lĩnh vực này.
Bà Trang Bùi cho biết, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới với 10,06 tỷ USD vốn từ nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, bất động sản là phân khúc đứng thứ hai, chiếm 26% tổng vốn với các nhà đầu tư.
"Các loại tài sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những "món hàng" được săn lùng bởi các nhà đầu tư. Về lâu dài, tiềm năng phát triển của bất động sản logistics là rất lớn", bà Trang cho hay.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm - CEO DKRA Vietnam dự báo rằng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do nhiều biến động, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong thời gian tới. Các nhà đầu tư đang tập trung vào dài hạn trong các lĩnh vực và thị trường đang thiếu nguồn cung cơ bản hoặc có nguồn cung ổn định, ít gây ra lo ngại hơn về sự biến động. Do vậy, bất động sản logistics được dự báo sẽ còn duy trì độ nóng trong tương lai gần.