Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, trả lời câu hỏi của nữ nông dân Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX Tân Thành, tỉnh Bắc Kạn – chuyên nuôi trồng, chế biến thủy sản, kết hợp du lịch sinh thái: Thực tế sản xuất của chúng tôi cho thấy, vấn đề lớn nhất của người nông dân là phải biết nắm bắt cơ hội từ thực tế của thị trường như các sản phẩm từ nghệ của chúng tôi. Về vấn đề đầu ra, chúng tôi không lo. Cái lo chính của chúng tôi hiện nay là, để thu mua sản phẩm của người nông dân, chúng tôi cần rất nhiều vốn lưu động. Vậy xin hỏi, nhà nước có nguồn vốn nào ưu đãi để chúng tôi được tiếp cận?
Có mặt tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhận định:
Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhận thức được vai trò, vị trí của phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực này.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là một chính sách trụ cột, có rất nhiều cơ chế, chính sách chi tiết để khuyến khích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ với các lĩnh vực ưu tiên nông thôn, giới hạn lãi suất cho vay thấp hơn thông thường.
Thứ ba, thời gian qua ngành ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù như cho vay giảm tổn thất nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30A…
Đặc biệt trong 2 năm (2022-2023), Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay vốn, niêm yết công khai tại Chi nhánh, Phòng giao dịch; nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm.
Với việc triển khai quyết liệt các chính sách như vậy, đến cuối tháng 7/2022, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,83 triệu tỷ đồng, chiếm 1,4% dư nợ đối với toàn bộ nền kinh tế.
Về kiến nghị của đại biểu, đây là kiến nghị hết sức chính đáng về vấn đề vốn. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã quan tâm và tiếp tục nghiên cứu, quan tâm trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng là: Nghị quyết số 19/NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20/NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đây là cơ sở chính trị quan trọng để các bộ ngành triển khai các chương trình đẻ thực hiện các Nghị quyết quan trọng này. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật HTX. Đây là cơ sở để các bộ, ngành triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
"Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ tổ chức các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cho vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất – kinh doanh của HTX" - Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thông tin.