Hôm nay 12/9, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII 2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận thứ 2 với nội dung "Tri thức hoá nông dân: Thực tiễn và giải pháp", Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhắc lại câu hỏi: Tri thức hoá nông dân là gì? Đó là sự hiểu biết, đơn giản vậy thôi. Nông dân chuyên nghiệp là người nông dân có hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, không gian lớn hơn không chỉ ngoài làng xã mà ra toàn cầu.
Đó là điều mà hàng ngày chúng ta có thể làm được, chứ không phải là cái gì to tát, lớn lao phải cắp sách đến trường mới học được. Như Bác Hồ đã nói, học tập là học mãi, học suốt đời.
Chúng ta ngồi ở đây đều là những người phải có trách nhiệm giúp người nông dân tri thức hoá, chuyên nghiệp lên. Chúng ta sinh ra từ bờ tre gốc rạ, sinh ra từ nông thôn nên phải hiểu rằng người nông dân còn rất nhiều việc phải làm hàng ngày. Từ những bước đi đầu tiên, việc làm nhỏ, sẽ giúp nông dân dần dần tiếp cận số hoá, công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể: Nhiều năm qua, hễ nông dân có dịp tiếp xúc với chúng tôi đều kêu thiếu vốn. Và vừa nãy, trong lúc nghỉ giải lao, có nông dân cũng chia sẻ với tôi rất thiếu tiền sản xuất. Tôi nghĩ rằng đây là tình trạng chung của rất nhiều nông dân. Tiền quan trọng hay vốn quan trọng? Tiền vô nhà khó như gió vào nhà trống, nếu không có kỹ năng quản lí thì đồng tiền có phát huy hiệu quả không?
Chúng ta đối phó với rủi ro trên thị trường như thế nào? Có 1 cuốn sách Trung Quốc dạy nhau thế này: Người nghèo thì nghèo cái túi, còn người giàu thì giàu ở cái đầu. Đó là giàu tri thức.
Một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đang bấp bênh, mà tôi nghĩ lí do quan trọng là thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, chuẩn hoá quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân.
Nghị quyết số 19 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 có đề ra 9 giải pháp, thì giải pháp đầu tiên chính là "Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn". Nói điều này để thấy, nông dân chính là trung tâm.
"Tôi cho rằng, tiền trong túi là tiền hữu hạn, còn tiền trong đầu mới là vô hạn. Đây là quá trình chúng ta giúp người nông dân hiểu biết hơn, nâng tầm lên. Tri thức chính là tinh hoa, hấp thu hiểu biết để nắm bắt thị trường, đề phòng rủi ro, và kết nối lẫn nhau. Khi nào chúng ta chưa coi nông nghiệp là một nghề, thì khi đó nông nghiệp vẫn sẽ còn nhiều rủi ro.
Nếu nông dân bán xoài ở Đồng Tháp mà chỉ biết bán xoài thì chưa giàu được, tương tự người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên nếu không biết bán hình ảnh, bán chữ tín của mình thì cũng không giàu được. Người nông dân ngày nay không chỉ bán quả xoài hay sầu riêng, mà là bán "chính mình". Hay nói cách khác là bán chữ tín, bán hình ảnh của mình.
Có 1 nông dân trồng nhãn ở Hưng Yên chia sẻ với tôi, khi được chứng nhận vườn nhãn đạt tiêu chuẩn hữu cơ, anh mừng rơi nước mắt. Trước đó anh trồng theo quy trình bình thường, nhưng mỗi lần bán nhãn, anh đều mất ngủ lo lắng vì không biết trái nhãn của mình bán ra khách hàng có bị ảnh hưởng gì không. Vì vậy, anh quyết tâm chăm sóc vườn nhãn theo quy trình hữu cơ để cái tâm của mình được "ngủ ngon".
"Và từ đó thương hiệu nhãn của anh cũng được nhiều người biết tới. Lúc này không chỉ là bán quả nhãn nữa, mà là bán trách nhiệm, uy tín của người trồng nhãn trong đó. Chúng ta đàng hoàng khẳng định: Đây là nhãn của tôi, sầu riêng của tôi. Tôi bán sầu riêng nhưng tôi cũng nghĩ tới người ăn sầu riêng. Người tiêu dùng thấy trách nhiệm trong đó và sẽ tin tưởng, sẵn sàng bỏ tiền mua. Cầu tăng thì chắc chắn giá trị sẽ tăng. Giá cả chúng ta so sánh được, nhưng giá trị thì khác. Giúp bà con hiểu được điều này chính là giúp bà con chuyên nghiệp hoá" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Nếu như Hội Nông dân Việt Nam có thể giúp hội viên bán thương hiệu của mình, thì ai cũng sẽ giàu lên.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: "Đó là những điều tôi nhìn thấy, rút ra sự khác biệt giữa trái sầu riêng Việt Nam và sầu riêng Thái Lan, Malaysia; hay quả cam của Nhật Bản khác với cam Việt Nam ra sao. Họ làm ăn rất chuyên nghiệp, đoàn kết. Không bao giờ có chuyện cam nơi này được giá, họ lại lấy cam nơi khác trà trộn hoà lẫn vào để lừa dối người tiêu dùng".
Theo Bộ trưởng, còn một khoảng trống mênh mông giữa nhà khoa học, chuyên gia, luật lệ thể chế với người nông dân. Mỗi người chúng ta nên có một hành động, đôi khi chỉ là giới thiệu một mô hình hay nào đó cho người nông dân – đó là cách giúp đỡ người nông dân nâng dần lên.
"Tri thức hoá người nông dân thành công đòi hỏi bà con phải sẵn lòng chuyên nghiệp hoá chính mình. Mọi sự hỗ trợ của Nhà nước đều là vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi. Do đó, bà con nông dân hãy thay đổi đi, rồi sẽ có chuyên gia, đoàn thể giúp đỡ, còn nếu cứ đóng cửa, cứ nghĩ mình giỏi rồi thì sẽ không cần nữa" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.