Người trẻ thoát ly khỏi nông thôn rất nhiều: Cần hỗ trợ, xây dựng đội ngũ nông dân trẻ thành "doanh nông trẻ"

Trần Quang Thứ hai, ngày 12/09/2022 10:21 AM (GMT+7)
Đó là kiến nghị của bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp, được tổ chức tại Hà Nội sáng 12/9.
Bình luận 0

Lực lượng trẻ nông thôn thoát ly khỏi nông nghiệp rất cao

Tham luận tại diễn đàn, bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh cho biết, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt là quỹ xã hội phi lợi nhuận, thành lập theo Quyết định của Bộ Nội vụ với sứ mệnh kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn – một trong các trụ đỡ kinh tế, lợi thế quốc gia của Việt Nam.

Hoạt động chính của Quỹ tập trung vào 3 mảng: Thứ nhất là hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận công nghệ, tài chính, và xúc tiến - phát triển thị trường cho các nhà khởi nghiệp nông nghiệp.

Tích cực hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp nông nghiệp hiệu quả - Ảnh 1.

Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp được tổ chức tại Hà Nội sáng 12/9. Ảnh: Viết Niệm

Thứ 2 là ươm tạo và đồng hành các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Thứ 3 là kết nối nguồn lực kiến thức, kinh nghiệm, dẫn dắt từ các chuyên gia và doanh nhân thành công trong nước và quốc tế, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp – nông thôn.

Thời gian qua, Quỹ đã triển khai thành công nhiều dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững như Dự án "Tiếp sức nông dân", "Nông dân thịnh vượng", "Growth your food", đặc biệt là Dự án "50 ngàn doanh nông trẻ" sắp triển khai tới đâysẽ kết hợp với nhiều tổ chức nghiên cứu, khoa học công nghệ, tài chính, doanh nghiệp để vận động nguồn lực hỗ trợ cho mạng lưới các nông dân trẻ.

Theo bà Diệp, bước sang giai đoạn mới, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn tiến rất nhanh, quá trình hội nhập với nhiều hiệp định thế hệ mới mang lại cả cơ hội và thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.

Nhu cầu tiêu dùng thế giới chuyển sang sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số tác động sâu rộng, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, kinh doanh và lối sống hàng ngày của mỗi người.

Thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên toàn cầu và ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trước cơ hội và thách thức mới, vai trò, vị trí của khu vực nông nghiệp, nông thôn có nhiều thay đổi. Những hạn chế về chất lượng, tính bền vững, sự sáng tạo và cách thức phát triển, cùng những yêu cầu mới đã và đang đòi hỏi nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cần có những bước chuyển mới mang tính đột phá.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030 tầm nhìn đến 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều khẳng định mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động trẻ nông thôn gắn với nhu cầu doanh nghiệp.

"Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ mạnh hơn rất nhiều, vừa tạo việc làm, thu nhập song cũng sẽ lấy đi tài nguyên của nông nghiệp, tiếp tục tạo chênh lệch giữa đô thị - nông thôn, miền núi - miền xuôi, đẩy mạnh di cư. Đây là thách thức rất lớn, kéo theo sự thay đổi rất mạnh mẽ toàn bộ xã hội nông thôn. Hàng triệu người dân nông thôn sẽ thành thị dân, hàng triệu lao động nông nghiệp sẽ chuyển sang phi nông nghiệp trong một thời gian ngắn. Dẫn tới sự thiếu hụt nghiêm trọng của lực lượng lao động trẻ trong nông nghiệp", bà Diệp khẳng định.

Bà Diệp cho rằng: Hội nhập quốc tế diễn ra mạnh vừa mở ra thị trường, tạo cơ hội đầu tư song cũng tạo ra sự cạnh tranh ghê gớm. Cách mạng khoa học công nghệ tạo ra động lực cho tăng trưởng, song nguy cơ tự động hóa sẽ đẩy lao động thủ công ra khỏi các hoạt động sản xuất là rất lớn. 

Những điều này đe dọa trực tiếp tới thân phận và tương lai người nông dân trong khi khả năng tích lũy vốn, độ bao phủ phúc lợi xã hội, năng lực đào tạo nghề, thị trường lao động chính thức còn hạn chế.

Tất cả những điều đó sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nông thôn, trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất là nông dân. Hiện nay, 60% dân số nước ta đang sống ở khu vực nông thôn.Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, thống kê cho thấy số lao động ly hương chủ yếu là lao động nông thôn, trong đó, trên 90% là lao động trẻ với độ tuổi bình quân khoảng dưới 34 tuổi. 

Lực lượng trẻ ở nông thôn hiện nay thoát ly lao động nông nghiệp rất cao, đa phần nông thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nguồn lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông nghiệp khan hiếm trầm trọng, nhất là lao động nông nghiệp chất lượng cao.

Đưa khái niệm "doanh nông trẻ" trở nên phổ biến

Cũng theo bà Diệp, lực lượng lao động trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như: Trong chuyển giao khoa học công nghệ mới phục vụ sản xuất; Thiếu kiến thức thị trường và tư duy kinh tế; Chưa đánh giá đúng sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Thiếu nguồn vốn và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay; 

Chưa có các chính sách cụ thể định hướng và hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thiếu kiến thức về pháp luật và tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; Còn sản xuất kinh doanh theo mô hình nhỏ lẻ, chưa chuyển đổi được sang quy mô lớn. Một thời gian dài, lớp trẻ tư duy rằng nông nghiệp không phải là sự lựa chọn và nông thôn không phải nơi đáng sống.

Tuy nhiên thời gian gần đây, đã xuất hiện làn sóng mới, người trẻ về quê, quyết tâm khởi nghiệp nông nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương họ trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nắm bắt xu hướng đó, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực tập trung cho chiến lược hỗ trợ lực lượng nông dân trẻ khởi nghiệp tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong đó ưu tiên những người trong độ tuổi lao động trẻ ở nông thôn.

Tích cực hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp nông nghiệp hiệu quả - Ảnh 2.

Các đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi theo dõi Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp được tổ chức tại Hà Nội sáng 12/9. Ảnh: Viết Niệm

Khảo sát cho thấy trong khi nguồn lao động nông nghiệp khan hiếm thì lực lượng lao động trẻ từ nguồn là công nhân khu công nghiệp hết tuổi (từ 33 tuổi trở lên), thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và một bộ phận sinh viên sau tốt nghiệp trở về quê hương lại vô cùng dồi dào. Nguồn nhân lực này hội tụ rất nhiều tố chất quý như tuổi trẻ, sức khỏe tốt, kỉ luật tốt, có kĩ năng được đào tạo cơ bản, khả năng tiếp cận kĩ thuật mới nhanh nhạy; họ chỉ thiếu không gian lao động phù hợp tại quê nhà. Họ sẵn sàng khởi nghiệp và làm giàu từ chính mảnh đất quê hương của mình nếu được hỗ trợ một cách hiệu quả và tích cực. Đây là nhân tố trung tâm để thu hút, mở rộng, lan tỏa sang các nhóm lao động trẻ khác tại địa phương.

Chia sẻ thêm về phương án hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam cho hay: Các nhân tố chính được xác định để hỗ trợ nông dân trẻ trong quá trình khởi nghiệp và kinh doanh nông nghiệp gồm có: Đất đai, Mô hình kinh doanh; Vốn, Kĩ năng quản lý, quản trị; Công nghệ - kĩ thuật và Mạng lưới hợp tác.

Quỹ vận động các định chế tài chính trong nước và quốc tế xây dựng các gói tín dụng xanh ưu đãi dành cho nông dân trẻ khởi nghiệp nông nghiệp với các tiêu chí bền vững, bảo vệ môi trường và ứng dụng khoa học công nghệ.

Quỹ kết nối mạng lưới các nhà khoa học, doanh nghiệp thành công về nông nghiệp tham gia định hướng, tư vấn. Chiến lược ươm mầm và nuôi dưỡng các doanh nông trẻ được chia thành 02 giai đoạn chính: Giai đoạn Nâng cao nặng lực và Giai đoạn Hỗ trợ khởi nghiệp.

Ở giai đoạn nâng cao năng lực, Quỹ sẽ xác định các nhân tố nông dân trẻ tiềm năng đẻ đào tạo, định hướng, kết nối cơ hội đi thực tập tại các quốc gia phát triển về nông nghiệp hoặc tại các tập đoàn lớn về nông nghiệp trong nước. Thành lập mạng lưới Nông dân trẻ Việt Nam với hệ thống Câu lạc bộ nông dân trẻ tại 63 tỉnh thành; kết nối Mạng lưới nông dân trẻ Việt Nam với mạng lưới nông dân trẻ toàn cầu nhằm chia sẻ thông tin, nguồn lực và tạo lập sức mạnh hệ thống, cộng đồng.Từ đó đánh giá, phân loại thành 03 nhóm:

"Với nhóm nông dân trẻ mới tham gia sản xuất kinh doanh nông nghiệp: Quỹ sẽ hỗ trợ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cho hỗ trợ vốn ưu đãi ban đầu, kết nối công nghệ và thị trường cũng như tập huấn kĩ thuật.

Với nhóm Nông dân trẻ đã có kinh nghiệm: Quỹ sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô kinh doanh và kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn phát triển. Với nhóm nông dân trẻ có kinh nghiệm và cả tư duy kinh tế nông nghiệp: Quỹ sẽ hỗ trợ để Phát triển mô hình kinh doanh gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng ngành hàng nông nghiệp cụ thể", bà Diệp nói.

Theo bà Diệp, ở giai đoạn Hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ sẽ lựa chọn các nhân tố nông dân trẻ ưu tú để kết nối thị trường, đào tạo kiến thức kĩ thuật, tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng quốc tế, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ đầu vào, hỗ trợ hoạt động Sale và MKT và hỗ trợ thành lập Hợp tác xã/Doanh nghiệp nông nghiệp.

"Với những hoạt động trên, nếu có sự đồng hành của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, chúng tôi hi vọng sẽ từng bước tham gia vào lộ trình trẻ hóa lực lượng lao động ngành nông nghiệp Việt Nam; đưa khái niệm 'doanh nông trẻ" trở nên phổ biến và thu hút sự quan tâm, tham gia của người trẻ Việt Nam vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Đồng thời kiến tạo nguồn lao động mới quý giá cho ngành nông nghiệp từ lực lượng sinh viên lập nghiệp nghề nông nghiệp, bộ đội xuất ngũ và công nhân khu công nghiệp muốn trở về quê", bà Diệp kiến nghị.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem