Phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức là cuộc "cách mạng mới" trong nông nghiệp

Thành Nam Thứ hai, ngày 12/09/2022 11:05 AM (GMT+7)
"Tổ chức lại nông dân, phát triển kinh tế hợp tác và “phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức” sẽ là cuộc “cách mạng mới” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn" - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết như vậy tại diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII.
Bình luận 0

Tri thức hóa nông dân- cuộc "cách mạng mới" trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).

Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự khan hiếm lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã "hút" nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị. 

Phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức là cuộc cách mạng mới trong phát triển nông nghiệp - Ảnh 2.

Theo Tiến sĩ Thịnh, “phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức” sẽ là cuộc “cách mạng mới” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điều này dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động, làm sâu thêm những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn vốn hạn chế hơn.

"Nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đây là lý do khiến chúng ta phải hỗ trợ để trang bị thêm kiến thức cho người nông dân", TS. Thịnh nói.

Theo Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, nghề nông bao đời nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Kinh nghiệm là vốn quý được tích lũy trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Càng có nhiều kinh nghiệm càng hạn chế rủi ro, càng tạo ra sản lượng nhiều hơn, năng suất cao hơn.

Giàu kinh nghiệm như vậy, nhưng vì sao năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp lại thấp hơn nhiều so với các đất nước khác? Đó là vì, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tốc độ thay đổi nhanh hơn, liên tục hơn. Cái mới ra đời chưa kịp định hình, đã có cái mới hơn xuất hiện.

Những phát kiến có thể biến điều không thể thành điều có thể. Nền kinh tế tri thức dẫn đến dòng chảy những thiết bị "thông minh" tích hợp đa tính năng, len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống kinh tế – xã hội. Sự kết nối giao lưu, giao thương trong thế giới phẳng mở ra cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mỗi người, nhưng đi kèm với đó là sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường.

Yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu đòi hỏi người nông dân cần hiểu biết về thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng. Những thay đổi trên yêu cầu mỗi người không thể mãi bằng lòng với kinh nghiệm, sự cần cù, với cách nghĩ, cách làm quen thuộc. 

Người sản xuất nông nghiệp bắt buộc phải nắm vững quy luật thị trường, hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Kinh nghiệm có thể giúp cải thiện năng suất, nhưng tri thức vừa có thể gia tăng hiệu năng, năng suất, vừa tiết giảm chi phí, tối ưu quy trình. 

Kinh nghiệm có thể đối phó nhất thời với những biến động cục bộ trong phạm vi hẹp, ngắn hạn, mang tính thời điểm, nhưng tri thức tường tận về quy luật vận động của thị trường sẽ giúp chủ động thích ứng với những thay đổi trên diện rộng, có sức tác động lâu dài.

Cũng theo Tiến sĩ Thịnh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng là những yếu tố tác động không nhỏ đến người sản xuất nông nghiệp. Đây là những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và đội ngũ nông dân. Trong bối cảnh đó, mỗi người dân, trong đó có những người sản xuất nông nghiệp phải cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới, để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn.

"Không phải chỉ có Việt nam bây giờ mới quan tâm đến tri thức hóa nông dân mà nhiều nước trong khu vực và thế giới thông quan các chương trình, dự án với các tên gọi, cách làm khác nhau đều đang đào tạo, xây dựng một đội ngũ nông dân mới, người sản xuất có đủ năng lực, tri thức sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Điển hình như Nhật Bản họ đã có Chương trình đào tạo nông nghiệp tự chọn ngay từ cấp 2, toàn thời gian ở cấp 3 và chuyên sâu hơn ở bậc cao đẳng, đại học. Hàn Quốc có Chương trình 100 nông dân xuất sắc, khuyến khích làn sóng thanh niên di cư ngược từ thành thị về nông thôn làm nông dân khởi nghiệp, khuyến khích nông dân tham gia phát triển trang trại thông minh.

Trung Quốc triển khai Chương trình Đào tạo HTX nông dân chuyên nghiệp, dự án đưa giáo viên và học viên thạc sĩ nông nghiệp sống cùng nông dân trong thời gian học. Còn Thái Lan đưa ra Chương trình phát triển nông dân thông minh gồm dịch vụ hỗ trợ, tập huấn, khuyến khích thực hành nông nghiệp bền vững, trao giải cho nông dân sản xuất giỏi. Các nước EU xây dựng hệ thống kiến thức và đổi mới nông nghiệp (AKIS) gồm các kênh trao đổi kiến thức, dịch vụ tư vấn, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trường đào tạo nông dân theo sáng kiến của FAO tại Indonesia, Malawi, Bangladesh...

Vì thế cần tri thức hóa người nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng. 

Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nông dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam, bởi mỗi biến động ở những vấn đề trên đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan thiết thực đến quyết định sản xuất, kinh doanh của họ", ông Thịnh nói.

Cần đào tạo toàn diện cho nông dân

Theo Tiến sĩ Thịnh, "Tri thức hóa nông dân" là một tiến trình đòi hỏi thời gian và sự phối hợp của nhiều bên, trong đó có cả nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính người nông dân.

Vừa qua, Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ19) và Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ150), theo đó: Phát triển nông nghiệp bền vững với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái theo cách tiếp cận tổng hợp, áp dụng đồng thời các nguyên tắc đảm bảo lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm tối ưu hóa quan hệ giữa cây trồng - vật nuôi - con người - môi trường, có tính tới các yếu tố xã hội hướng tới hệ thống lương thực bền vững, minh bạch, trách nhiệm. 

Phát triển nông nghiệp sinh thái đa dạng kết hợp khoa học hiện đại với kiến thức truyền thống bản địa, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khả năng chống chịu thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy các giá trị văn hóa bản địa nâng cao giá trị nông sản nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng quan hệ cộng đồng, đảm bảo công bằng xã hội ở nông thôn; Hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại theo hướng kết hợp hợp lý, hài hòa và liên tục củng cố các yếu tố cấu thành nền nông nghiệp, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi nông nghiệp và tiến trình phát triển nền kinh tế quốc gia. 

Lấy tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế hợp tác là nền tảng, lấy áp dụng KHCN tiên tiến, hiện đại và phù hợp và gia tăng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm nông sản làm động lực cho quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp quốc gia. Xem việc đáp ứng nhu cầu thị trường là mục tiêu của quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Theo đó, cần đánh giá các tiềm năng và định hướng phát triển để kết hợp hài hòa giữa phát triển thị trường xuất khẩu với phát triển thị trường nội địa.

"Nâng cao kỹ thuật, công nghệ canh tác, nuôi trồng; trang bị kiến thức về thị trường và hạch toán kinh tế; kiến thức về tổ chức sản xuất và kinh doanh", đó là những kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho người nông dân.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Thịnh, một loạt các giải pháp đẩy mạnh "tri thức hóa nông dân" là: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trí thức hóa nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân (THT, HTX và các hội nghề nghiệp); phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau; Xây dựng một số mô hình "sáng tạo đổi mới" trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân; Nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem