Làm giàu bằng nghề nông không dễ! Những nông dân đang gánh cả vai trò của doanh nhân, làm hạt nhân phát triển nông nghiệp ở địa phương càng khiến người ta nể phục. Đó là một nét khái quát chân dung Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 là ông Trịnh Văn Thành.
Ông Trịnh Văn Thành đang là Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Ca cao Thành Đạt, ở xã Xà Bang (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông là đại diện tiêu biểu cho bà con nông dân Châu Đức khát khao đưa giá trị hạt ca cao địa phương ra thị trường thế giới.
Clip: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đồng hành chia sẻ lợi ích với người trồng ca cao. Thực hiện: Nguyên Vỹ
Năm 2001, một dự án trồng ca cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu được triển khai. Nông dân Trịnh Văn Thành suy nghĩ, làm giàu trong nông nghiệp không thể cứ trông đợi những cơn lướt sóng thị trường như cây hồ tiêu; và càng không thể làm một mình.
Cây ca cao không cho thu nhập khủng và tức thời, nhưng sản phẩm ca cao gắn liền với công nghiệp chế biến, đem lại nhiều lợi ích, như làm bánh kẹo, làm bột, làm thức uống.
Xác định được thị trường rộng mở như thế, ông Thành quyết tâm trồng và mở rộng diện tích ca cao để thay thế những cây trồng chủ lực đang thoái hóa trên địa bàn.
Nhưng thời điểm đó ở vùng Châu Đức, ca cao là cây trồng mới. Việc vận động bà con cùng tham gia trồng ca cao gặp nhiều khó khăn. Được trường Đại học Nông Lâm (TP.HCM) hỗ trợ, ông Thành bắt đầu đưa 15.000 cây giống ca cao về cho 22 hộ dân trồng trên diện tích 25ha.
Ba năm sau, cây cho thu hoạch, ông Thành đưa các chuyên gia về phân tích chất lượng. Kết quả cho thấy cây phát triển tốt, sản phẩm hạt ca cao đứng trong top đầu của thế giới. Từ đó, diện tích cây ca cao được mở rộng dần ra.
Từ điểm thu mua trái cây tươi ban đầu, năm 2005, ông Thành vay hơn 1 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH ca cao Thành Đạt để bao tiêu sản phẩm, xuất đi nước ngoài. Sự ra đời của Công ty Thành Đạt giúp ổn định đầu ra, các nông hộ yên tâm liên kết sản xuất.
Đến nay, Công ty Thành Đạt đang phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện Châu Đức và Hội Nông dân tỉnh tổ chức sản xuất cho nông dân trên diện tích 200ha. Diện tích trồng ca cao đang được địa phương mở rộng thêm 300ha nữa.
Dù đã là 1 giám đốc nhiều năm kinh nghiệm, ông Thành vẫn nhận mình là doanh nhân "đặc chất ruộng đồng", nghĩa là vẫn còn phải học nhiều lắm.
Hồi mới tập tành kinh doanh, ông Thành kể, phải lần mò tự học để giải quyết từng điểm nghẽn từ thị trường, sản phẩm, hệ thống phân phối, rồi cách thức quản lý cho tới kế toán, tiếp thị.
Hết học ở bạn bè, học trên Internet, ông lại học ở các buổi tập huấn của Sở NNPTNT, Sở Công thương. Dần dà, ông giải quyết thuận lợi hơn từ cách thức kinh doanh, hoàn thiện các hệ thống quản lý cho tới quyết toán thuế.
"Tất cả những kinh nghiệm, kiến thức học được đều nhằm phục vụ cho việc liên kết sản xuất và tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm chocolale "Made in Ba Ria - Vung Tau" ra thị trường thế giới", ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cho biết, trồng cây ca cao có nhiều lợi thế. Việc chăm sóc ca cao không tốn nhiều công lao động, người lớn tuổi cũng có thể tham gia.
Một ha đất có thể trồng được 1.000 cây ca cao. Ngoài ra, một số loại cây khác có thể trồng xen với cây ca cao, vừa làm hệ thống chắn gió vừa tạo bóng mát cho ca cao.
Các giống ca cao đang được trồng ở Châu Đức hiện nay có thể cho năng suất hạt 3 tấn/ha/năm. Nguồn lợi từ cây ca cao mang lại khoảng 250 triệu đồng/năm.
Nếu cộng thêm giá trị từ cây trồng xen, khoảng 120 triệu đồng/năm; nông dân lời khoảng 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí (khoảng 70 triệu đồng).
Việc thu hoạch ca cao không khó kêu công hái như cây hồ tiêu. Nông dân chỉ việc thu hoạch, để tại vườn. Công ty sẽ cho người đến thu gom và trả tiền. Cứ 12 kg trái ca cao tươi sẽ cho 1 kg hạt khô. Giá bán trái tươi ổn định khoảng 6.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg hạt khô.
Trái ca cao thu mua về, được Công ty Thành Đạt chế biến ra thành nhiều sản phẩm khác nhau, nhằm nâng cao giá trị. Ngoài hạt, thịt trái tươi được dùng làm rượu, nước ép; vỏ ca cao chế biến thành phân bón hữu cơ.
Ông Thành cho biết, khách hàng muốn mua hạt ca cao ở Châu Đức mỗi năm khoảng 5.000 tấn. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
"Nông dân trồng ca cao phấn khởi vì được bao tiêu, thị trường ổn định, và dư địa phát triển ca cao vẫn còn rất lớn", ông Thành nói.
Không chỉ thu mua hạt ca cao để xuất thô, Công ty Thành Đạt còn mở rộng liên kết với nông dân trồng ca cao hữu cơ để chế biến sâu, xuất khẩu sang thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Bá Hoàng, nông dân xã Xà Bang (huyện Châu Đức) đang trồng hơn 5.000m2 ca cao. Năm 2017, ông Hoàng tiếp cận mô hình sản xuất ca cao theo quy trình hữu cơ và được doanh nghiệp hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Hạt ca cao bình thường có giá khoảng 60.000-70.000 đồng/kg thì hạt ca cao hữu cơ có giá 100.000đồng/kg. "Tôi đang mở rộng thêm 3 sào ca cao nữa; cũng canh tác hữu cơ, chuẩn bị cho thu hoạch trong năm tới", ông Hoàng kể.
Ngụ cùng xã, ông Trương Ngọc Lân cũng áp dụng quy trình canh tác hữu cơ trên trên 8 sào ca cao của mình. Nhờ kỹ thuật canh tác bền vững, vườn cây ca cao ra hoa đều, tỉ lệ đậu trái cao; sản lượng đạt trên 2,5 hạt khô/ha và được công ty Thành Đạt thu mua toàn bộ.
Ông Lân chia sẻ, cây điều, cà phê, hồ tiêu còn chịu giá cả trôi nổi hoặc lúc cao lúc thấp nhưng với ca cao, từ ngày trồng tới nay chỉ thấy có lên giá chứ không có xuống.
Ông Thành cho biết, việc liên kết sản xuất khá thuận lợi. Các đối tác nước ngoài đặt vấn đề với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp triển khai theo nguyên tắc phân chia lợi nhuận với cộng đồng. Nông dân sẽ hợp tác trồng ca cao theo đúng quy trình kỹ thuật doanh nghiệp đưa ra.
Đến nay, công ty Thành Đạt đã có nhà máy chế biến nguyên liệu ca cao với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Mô hình liên kết, chế biến xuất khẩu ca cao giúp ông Thành đạt lợi nhuận 1,6 tỷ đồng/năm.
Năm 2020, sản phẩm của Thành Đạt đạt chứng nhận tiêu chuẩn Organic của Nhật Bản. Chứng nhận này giúp gia tăng giá trị sản phẩm chocolate gấp 10 lần so với xuất khẩu hạt thô. Từ năm 2021 trở đi, hàng tấn chocolate organic của Thành Đạt đều đặn xuất sang Nhật Bản theo đường chính ngạch.
"Chúng tôi đang tập trung vào thị trường Nhật Bản để đến khi ổn định, ca cao Châu Đức có khả năng mở rộng ra hầu hết các thị trường lớn trên thế giới", ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Bản - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Châu Đức cho biết, địa phương có 2 loại cây chủ lực là hồ tiêu và ca cao. Cây hồ tiêu hiện nay đã thất thế, diện tích dần thu hẹp. Trong khi đó, cây ca cao vẫn còn dư địa phát triển rất lớn.
Theo ông Bản, doanh nghiệp ăn nên làm ra thường tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Riêng Công ty ca cao Thành Đạt luôn nỗ lực đồng hành và chia sẻ lợi ích cùng người trồng ca cao.
"Từ một nông dân, ông Thành đã xây dựng mô hình, thương hiệu sản phẩm ca cao, tạo ra lợi thế cho địa phương. Với ý nghĩa đó, anh Thành đã vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022", ông Bản nói.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đánh giá cao mô hình liên kết mà Công ty ca cao Thành Đạt đang triển khai cùng bà con.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, phải có những cá nhân nổi trội, đi đầu để tập hợp những người xung quanh. Trong đó, liên kết và chia sẻ mới tạo ra được giá trị bền vững.
Doanh nghiệp muốn phát triển phải có người nông dân đồng hành. Khi doanh nghiệp tạo ra được lợi ích, tạo ra được niềm tin vững vàng ở nông dân, nông dân sẽ đi theo.
"Mô hình liên kết sản xuất và tăng cường chế biến ca cao để nâng cao giá trị sản phẩm như ở huyện Châu Đức là một ví dụ cho hướng đi mà các cấp Hội Nông dân tập trung thực hiện thời gian qua", Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chia sẻ.