Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ TP.HCM trồng rau thủy canh theo kiểu lợi nhà, lợi cả cho thiên hạ

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 27/08/2022 06:02 AM (GMT+7)
Rời bỏ công việc ngành ngân hàng ra ngoại thành trồng rau, anh Lâm Ngọc Tuấn, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ TP.HCM chọn con đường lập nghiệp rất khác. Khác ở loại rau đang trồng, khác ở công nghệ, khác ở sản phẩm kinh doanh.
Bình luận 0

Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất là chí hướng phát triển nông nghiệp phải gắn liền với mô hình kinh tế tập thể. Đó cũng là lý do mà Công ty Tuấn Ngọc của anh Tuấn và cộng sự đã chuyển đổi mô hình thành HTX Tuấn Ngọc, đơn vị chuyên trồng rau thủy canh công nghệ cao ở TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Anh Lâm Ngọc Tuấn, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ TP.HCM. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Chuyển đổi mô hình để theo đuổi lợi ích cộng đồng

Từ nhiều năm trước, người dân quận 9 (cũ) được TP.HCM khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để phù hợp với quá trình đô thị hóa. Nhiều nông trại mọc lên và mở rộng diện tích, nhiều ứng dụng kỹ thuật được đầu tư trên các vườn trồng xanh mướt.

Anh Lâm Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc giới thiệu về mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Lâm Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc giới thiệu về mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tình yêu với NNCNC cũng bắt đầu nảy nở trong lòng cán bộ ngân hàng Lâm Ngọc Tuấn khi anh đi thực tế các mô hình. Sau giờ làm, anh Tuấn bắt đầu tìm hiểu cách làm nông nghiệp. Rồi dần dần, anh rẽ bước sang làm nông.

Năm 2017, Công ty TNHH Tuấn Ngọc do anh Tuấn làm giám đốc đi vào hoạt động. Anh Tuấn kể, diện tích trồng rau ban đầu chỉ 1.000m2. Kinh nghiệm canh tác chưa có nhiều, việc tìm kiếm đầu ra cũng không thuận lợi dù đã cam kết là rau sạch.

"Mô hình trồng rau thủy canh lúc này còn mới mẻ, người dùng còn e ngại. Nhiều người nghĩ rằng rau trồng bằng nước thì chắc là chỉ dùng toàn hóa chất", anh Tuấn kể.

Các thành viên đang sơ chế, đóng gói rau sạch ở HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các thành viên đang sơ chế, đóng gói rau sạch ở HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2018, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Trường (thuộc quận 9 khi đó) đã giới thiệu với anh về mô hình HTX nông nghiệp.

Qua tìm hiểu, anh Tuấn nhận thấy, mô hình HTX giúp phát huy tốt việc đào tạo nhân viên, quản lý nhân sự, và quảng bá tốt sản phẩm. HTX cũng giúp cho đơn vị kinh tế có điều kiện tham gia tốt hơn các hội nghị, triển lãm để từ đó giải quyết đầu ra nông sản.

So với loại hình doanh nghiệp, mô hình HTX có tính cộng đồng rất cao. Từ tên gọi HTX cho đến sản phẩm xuất phát từ HTX, tất cả, tạo ra sự gần gũi với người tiêu dùng.

Các sản phẩm chủ lực của HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các sản phẩm chủ lực của HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đặc biệt, mô hình HTX đang được nhà nước quan tâm, đạo điều kiện, vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa xây dựng được sản phẩm thế mạnh của địa phương.

"Từ tháng 3/2019, các thành viên đã đồng ý và chính thức chuyển đổi Công ty Tuấn Ngọc thành HTX Tuấn Ngọc", anh Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc kể lại.

Thực tế cho thấy, bước đi táo bạo khi chuyển đổi mô hình hoạt động đã giúp HTX có những bước phát triển đáng kể.

Thu nhập của các thành viên HTX Tuấn Ngọc đạt trung bình từ 70-100 triệu đồng/năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thu nhập của các thành viên HTX Tuấn Ngọc đạt trung bình từ 70-100 triệu đồng/năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ 1.000m2 rồi lên 4.000m2, đến nay, HTX Tuấn Ngọc đã sở hữu diện tích canh tác 10.500m2. HTX Tuấn Ngọc có hơn 30 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại trụ sở và các vườn trồng.

HTX hiện có 8 thành viên. Thu nhập của các thành viên đạt trung bình từ 70-100 triệu đồng/năm. Doanh thu trung bình mỗi năm của HTX Tuấn Ngọc lên đến 6 tỷ đồng.

Công nghệ trồng rau xà lách vùng nóng

NNCNC và phải liên tục cải tiến là con đường mà HTX Tuấn Ngọc vẫn kiên định từ khi thành lập đến nay. Tất cả các loại rau ở HTX Tuấn Ngọc đều được trồng trên hệ thống thủy canh cải tiến, để tiết kiệm chi phí sản xuất, và nâng cao giá trị trên 1 diện tích canh tác.

Ngoài các loại rau thông thường, HTX Tuấn Ngọc đã trồng thành công, và đang mở rộng hình trồng rau xà lách thủy tinh, thường chỉ trồng được ở các tỉnh như Lâm Đồng.

Rau xà lách vùng nóng được trồng thành công ở HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Rau xà lách vùng nóng được trồng thành công ở HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Tuấn cho biết, TP.HCM là vùng khí hậu nắng nóng. Xà lách thủy tinh trồng ở TP.HCM còn gọi là công nghệ trồng xà lách vùng nóng.

Điều mà HTX tâm đắc là rau xà lách vùng nóng ở TP.HCM có năng suất, chất lượng tương đương các tỉnh có khí hậu ôn đới. "Mô hình trồng rau xà lách vùng nóng có ý nghĩa lớn khi giảm thiểu sự lệ thuộc của TP.HCM vào nguồn rau từ các tỉnh ôn đới", anh Tuấn nói.

Rau xà lách vùng nóng được HTX Tuấn Ngọc trồng trong nhà kính, ứng dụng công nghệ tự động hóa, trên hệ thống thủy canh. Khác với thủy canh hồi lưu, hệ thống thủy canh ở HTX Tuấn Ngọc đã được cải tiến nhiều.

Hệ thống thủy canh cải tiến giúp HTX Tuấn Ngọc tiết kiệm chi phí điện, nước và nhân công. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hệ thống thủy canh cải tiến giúp HTX Tuấn Ngọc tiết kiệm chi phí điện, nước và nhân công. Ảnh: Nguyên Vỹ

Anh Tuấn nhẩm tính, trước đây, chi phí tiền điện cho 1.000m2 thủy canh từ 2,7-3,2 triệu đồng/tháng; nay giảm xuống còn khoảng 500.000 đồng/tháng. Tương tự, tiền nước từ 1,7-2 triệu đồng/tháng giảm xuống còn khoảng 450.000 đồng/tháng.

"Tính tổng cộng, mỗi tháng chỉ tốn 1triệu đồng tiền điện, tiền nước; giảm khoảng 5 lần so với hệ thống thủy canh hồi lưu thông thường", anh Tuấn nói.

Trên diện tích 1.000m2, nông trại xà lách vùng nóng có khả năng cung cấp từ 90-110 kg/ngày. Rau xà lách vùng nóng của HTX Tuấn Ngọc đang cung cấp vào hệ thống siêu thị trung và cao cấp, cùng các cửa hàng chuyên phục vụ nhu cầu rau sạch khắp TP.HCM.

Sản phẩm của HTX Tuấn Ngọc đang cung cấp vào hệ thống siêu thị và các cửa rau sạch khắp TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sản phẩm của HTX Tuấn Ngọc đang cung cấp vào hệ thống siêu thị và các cửa hàng rau sạch khắp TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Kinh doanh mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Khi những giọt nước vừa thấm đủ trên các luống rau, hệ thống phun sương trong nhà kính tự động ngắt. Anh Tuấn giải thích, chính là IOT cảm biến đang kiểm soát mọi việc.

Không chỉ tự động đóng mở hệ thống phun sương, việc đóng mở mái che để điều tiết ánh sáng cũng tự động. Tất cả được đo chính xác theo nhu cầu của cây rau và diễn biến thời tiết. Việc này giúp giảm đáng kể chi phí nhân công theo dõi.

 "Nhiều người đến HTX Tuấn Ngọc cứ nhầm tưởng là hệ thống thủy canh của Israel, nhưng đâu biết rằng chính người Israel đến HTX Tuấn Ngọc để học hỏi mô hình", anh Tuấn nói.

Theo lời anh giải thích, điểm mạnh của Israel là công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Nhất là ứng dụng trên cây cà chua vì đất nước này khô hạn. Công nghệ thủy canh đạt chuẩn là của Nhật và EU.

Du khách tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Du khách tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở HTX Tuấn Ngọc. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Tuấn Ngọc đang có nhu cầu truyền thông công nghệ thủy canh của mình hướng tới phạm vi liên vùng và quốc tế. Vì truyền thông quốc tế thường đặt vấn đề: Bạn có bán mô hình công nghệ hay không? Đây là cơ sở để HTX Tuấn Ngọc phát triển lên mảng kinh doanh khác, chuyên nghiệp hơn: Kinh doanh mô hình.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, đến từ tỉnh Trà Vinh, vốn là chuyên viên tư vấn kinh tế nông nghiệp cho các tổ chức phi Chính phủ. Quan sát trực tiếp, bà Nga nhận thấy nhiều điều có thể học tập được từ HTX Tuấn Ngọc, để chia sẻ cho các địa phương mà bà sẽ đến công tác trong thời gian tới.

Theo bà Nga, các đơn vị kinh tế khi phát triển đủ mạnh còn tạo ra sản phẩm kinh doanh khác là kinh doanh mô hình. Ngoài sản phẩm truyền thống là các loại rau, mô hình này còn có sản phẩm công nghệ để trồng rau và phương thức bán rau.

"Mô hình ở HTX Tuấn Ngọc khá bài bản. Tuy nhiên, HTX Tuấn Ngọc cần tăng cường nguồn lực, tiến tới kinh doanh mô hình công nghệ, tăng thêm nguồn thu, phục vụ tốt hơn cho lợi ích cộng đồng như mục tiêu HTX đề ra", bà Nga nói.  

Không chỉ sản phẩm rau sạch, HTX Tuấn Ngọc đang hướng tới sản phẩm công nghệ làm rau sạch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Không chỉ sản phẩm rau sạch, HTX Tuấn Ngọc đang hướng tới sản phẩm công nghệ làm rau sạch. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng ý quan điểm này, anh Tuấn chia sẻ, không chỉ sản phẩm rau sạch, HTX Tuấn Ngọc đang hướng tới sản phẩm công nghệ làm rau sạch. Hiện đã có một số đơn vị đặt hàng, kể cả khách hàng từ Israel và Nhật Bản. Tuy nhiên, HTX không định hướng phát triển tràn lan. Các bước đi của HTX chậm mà chắc.

HTX muốn hoàn thiện mô hình chuyển giao công nghệ trồng xà lách vùng nóng cho tỉnh Long An trước. Sau đó, HTX Tuấn Ngọc mới tiếp tục chuyển giao cho các vùng có điều kiện khí hậu tương đương TP.HCM.

HTX đã dành riêng phân khúc thị trường phía Nam TP.HCM cho thành viên liên kết ở Long An. Trước mắt, HTX Tuấn Ngọc bao tiêu 50% sản phẩm cho thành viên. Phần còn lại, thành viên tự tìm kiếm thị trường.

"Các thành viên liên kết sẽ tự thân vận động, cùng nỗ lực vì mục tiêu chung thay vì trông đợi hết vào HTX. Cùng với công nghệ chuyển giao, cách làm này sẽ giúp hình thành chuỗi liên kết bền vững, HTX sẽ phát triển lớn mạnh hơn", anh Tuấn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem