Sau 2 lần xin trì hoãn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét bởi AASCS.
Tại báo cáo kiểm toán này, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về hai khoản mục liên quan đến khoản ủy thác đầu tư giữa Tân Tạo và Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến.
Cụ thể, kiểm toán cho rằng khoản tiền 314 tỷ đồng được Tân Tạo ghi nhận vào mục "đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" theo hình thức ủy thác cho bà Đặng Thị Hoàng Yến là chưa phù hợp với quy định của Chế độ kế toàn doanh nghiệp. Lý do, chưa có đầy đủ bằng chứng và chưa được bên nhận vốn đầu tư xác nhận.
Thứ hai, khoản chi ủy thác đầu tư cho bà Đặng Thị Hoàng Yến phát sinh trong 6 tháng đầu năm nay được chi bằng tiền mặt 223 tỷ đồng nên kiểm toán không đủ cơ sở kiểm chứng nghiệp vụ này.
Theo báo cáo ban đầu, Tân Tạo tạm ứng cho bà Yến 1.936 tỷ đồng để tham gia dự án ở Mỹ. Đây là khoản phát sinh đột biến, bởi những quý trước công ty cũng chi cho mục đích tương tự nhưng số tiền chỉ vài chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 5/8/2022, Tân Tạo đã đính chính số liệu này trên báo cáo tài chính với lý do "hạch toán sai".
Sau đính chính, Tân Tạo chi còn ghi nhận khoản thu khác từ Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến với số tiền trên 633 tỷ đồng. Số tiền hơn 633 tỷ đồng này được thực hiện với mục đích "hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua vào ngày 29/4/2022.
Như vậy, trong báo cáo sau soát xét, khoản 633 tỷ đồng trên đã không còn xuất hiện. Thay vào đó, trong các giao dịch liên quan, báo cáo này cho thấy bà Đặng Thị Hoàng Yến đã nhận "tạm ứng 45 tỷ đồng" và nhận "uỷ thác đầu tư 223 tỷ đồng" từ ITA.
Trong văn bản giải trình ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, Phó Tổng giám đốc Tân Tạo Nguyễn Thanh Phong cho biết "đây là khoản ủy thác đầu tư vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ cho các nhân bà Đặng Thị Hoàng Yến theo các biên bản và nghị quyết Đại hội Đồng cổ đông từ 2019-2021" với số tiền là 314 tỷ đồng (số dư tại ngày 31/12/2021 là hơn 91 tỷ đồng hạch toán ở khoản mục Phải thu khác) được Công ty ghi nhận vào khoản mục Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Việc bên nhận vốn đầu tư chưa xác nhận đã nhận tiền và lý do Tân Tạo thực hiện chi bằng tiền mặt như đề cập ở trên không được ông Phong nhắc đến trong văn bản giải trình.
Báo cáo tài chính bán niên sau soát xét của Tân Tạo so với báo cáo tự lập trước đó của doanh nghiệp cũng có nhiều điều chỉnh.
Chẳng hạn, lợi nhuận trước và sau thuế cũng giảm 3 – 4% so với báo cáo tự lập trước đó của doanh nghiệp.
Giá trị đầu tư tài chính dài hạn doanh nghiệp này tự công bố là 3.018 tỷ đồng nhưng báo có sau soát xét lên tới 3.644 tỷ đồng.
Ngược lại, khoản phải thu ngắn hạn mà công ty công bố là 2.609 tỷ đồng thì kiểm toán cho rằng chỉ khoảng 2.200 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của Tân Tạo đạt 13.473 tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 230 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập lần đầu.
Trước thềm công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến bất ngờ gửi "Đơn kêu cứu" đến các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các ĐBQH.
Theo nội dung, ITA lấy danh nghĩa cổ đông công ty, cho rằng đang có "âm mưu và hành động phá hoại, bức tử, thâu tóm Công ty Tân Tạo, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, quyền lợi của các nhà đầu tư, các cổ đông và đặc biệt ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và môi trường đầu tư của Việt Nam'.
Cũng theo lãnh đạo ITA, việc cơ quan thuế thanh tra đột xuất doanh nghiệp là việc bình thường, xử lý kết quả sau thanh tra như thế nào thì phụ thuộc kết quả thanh tra và quy định pháp luật. Tuy nhiên Tổng cục Thuế ngay từ đầu chỉ đạo chuyển công an nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thể hiện tính không khách quan khi định hướng thanh tra.
ITA cho rằng, Tổng cục Thuế phải chịu trách nhiệm khi đưa thông tin nhạy cảm ảnh hưởng cổ phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng hàng chục nghìn cổ đông ITA.
Trước đó, ITA bị Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam từ chối kiểm toán, nên công ty phải tìm đối tác mới, đồng thời xin gia hạn nộp báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2022.