Dân Việt

Việt Nam – Mông Cổ ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp

P.V 15/09/2022 16:57 GMT+7
Trong chuyển thăm và làm việc tại Mông Cổ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã ký Bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun.

Ngày 14/9/2022 tại Ulan Bato, dẫn đầu Đoàn công tác liên Bộ của Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật sang Mông Cổ tổ chức kỳ họp UBLCP lần thứ 18, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã thăm làm việc và ký Bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun.

Việt Nam – Mông Cổ ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp với Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun. Ảnh: P.V

Hợp tác nông nghiệp có vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực đang đối phó thách thức về an ninh lương thực. 

Việt Nam và Mông Cổ đều có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể bổ sung cho nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau. 

Các mặt hàng nông lâm thủy sản của hai bên mang tính bổ trợ, không cạnh tranh lẫn nhau. Việt Nam có thế mạnh về lúa gạo, cây công nghiệp, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và trái cây nhiệt đới. Trong khi Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi và các sản phẩm từ chăn nuôi. 

Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ cho biết, năm 2022, Mông Cổ có tổng đàn 67,3 triệu gia súc và 24 triệu con non. Lượng gia súc có thể khai thác thương mại hàng năm là trên 20 triệu con. 

Ngoài thịt, hàng năm Mông Cổ đạt sản lượng 10.000 tấn len cashmere dê, 37.000 tấn len cừu, hơn 1,3 triệu tấm da bò và ngựa. Chăn nuôi của Mông Cổ sử dụng phương thức chăn thả truyền thống có bản chất tự nhiên là hữu cơ. Do đó, sản phẩm thịt của Mông Cổ rất đặc biệt. 

Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun kỳ vọng hợp tác nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam Mông Cổ sẽ được tăng cường trong thời gian tới.

Việt Nam – Mông Cổ ký bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp - Ảnh 2.

Việt Nam và Mông Cổ đều có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực mà hai bên có thể bổ sung cho nhau, tận dụng được thế mạnh của nhau. Ảnh: P.V

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Thế giới ngày nay đầy biến động do đại dịch Covid-19, xung đột giữa các nước và các bất ổn tiềm ẩn khác, quan hệ giữa các nước cần cách tiếp cận mới. Trong đó các nước đều cần đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường. Với mối quan hệ truyền thống hữu nghị 68 năm giữa Việt Nam và Mông Cổ, hai nước cần làm nhiều hơn nữa để hợp tác kinh tế phát triển tương xứng".

Nông nghiệp Việt Nam và Mông Cổ còn rất nhiều tiềm năng để khai thác thế mạnh và thị trường của mỗi nước. 

Tháp tùng đoàn công tác của Bộ trưởng có lãnh đạo hai đơn vị chuyên ngành là Cục Chăn nuôi và Cục Thú y để trao đổi với Mông Cổ về việc hợp tác và tháo gỡ các rào cản và tạo điều kiện cho các sản phẩm chăn nuôi của Mông Cổ. 

Để thúc đẩy thương mại nói chung và nông nghiệp nói riêng, hai bên cần tháo gỡ rào cản lớn nhất là vận tải và logistics. Về vấn đề này hai bên đã bàn trong khuôn khổ Ủy ban liên chính phủ và các cơ chế song phương khác để tìm kiếm giải pháp khai thông con đường nông sản, giống như con đường tơ lụa đã hình thành cách đây 2000 năm.

Trong chuyến thăm làm việc của đoàn công tác liên Bộ Việt Nam với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Khayangaa Bolorchuluun đã ký Bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. 

Bản ghi nhớ đầu tiên được kỳ vọng để hợp tác nông nghiệp giữa hai bên thăng hoa trong thời gian tới.