Hàng ngàn nông hộ trồng cà phê trong tỉnh Lâm Đồng đang vui mừng, phấn khởi khi giá cà phê nhân tăng cao, có thời điểm vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg.
Hiện, cà phê đang bước vào giai đoạn nuôi trái, người trồng cà phê đang tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng với kỳ vọng vào một niên vụ được mùa, được giá.
Tính đến ngày 12/9, mức giá cà phê nhân cao nhất theo khảo sát là 48.400 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê nhân được ghi nhận ở mức 47.800 đồng/kg. Giá cà phê tăng cao trong gần 1 tháng qua khiến người trồng cà phê phấn khởi.
Tuy nhiên, chỉ một số ít nông dân có điều kiện mới có thể trữ cà phê đến lúc này, còn các doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn của tỉnh Lâm Đồng cũng không thực hiện việc trữ hàng nhiều. Trong khi đó, phải đến thời điểm ngày 1/10, niên vụ cà phê năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mới chính thức bắt đầu.
Ông Đoàn Mạnh Trình - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình cho biết, giá cà phê nhân tăng cao kỷ lục, nhưng điều này chưa thực sự mang lại nhiều lợi ích cho người trồng cà phê lẫn các doanh nghiệp. Lý do là bởi hiện tại, niên vụ cà phê 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã kết thúc, nguồn hàng cà phê còn tồn kho trong dân, các đại lý và doanh nghiệp gần như không còn.
Đơn cử như tại Công ty Tám Trình, sau khi mua cà phê đầu vào, doanh nghiệp sẽ tiến hành khâu bảo quản rồi sơ chế để xuất hàng ngay cho các đối tác. Thông thường, quy trình này chỉ kéo dài từ 5 - 7 ngày. Việc trữ nguồn hàng cà phê với số lượng lớn là gần như không thể.
Theo ông Đoàn Mạnh Trình, trong năm 2022, công ty đã chế biến và xuất ra thị trường hơn 9.000 tấn cà phê nhân các loại. Trong đó, khoảng 7.000 tấn cà phê được phân khúc tầm trung, còn lại là 2.000 tấn cà phê nhân cao cấp. Mặc dù là doanh nghiệp có quy mô hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê với số lượng lớn, nhưng công ty hầu như không thực hiện việc tích trữ nguồn hàng.
Lý giải về điều này, ông Trình cho hay: “Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cà phê trong tỉnh Lâm Đồng đều có nguồn lực còn hạn chế, nhất là về dòng vốn. Trong khi đó, việc tích trữ cà phê đòi hỏi nguồn vốn lớn và nguy cơ rủi ro rất cao nếu giá cà phê biến động theo chiều hướng giảm. Do đó, giải pháp tối ưu mà doanh nghiệp lựa chọn là việc kinh doanh nhằm quay vòng dòng vốn nhanh”.
Trong khi đó, ghi nhận tại một số nông hộ trồng cà phê, hầu hết người dân cũng đã bán xong cà phê tại thời điểm cách đây nhiều tháng. Thời điểm này, chỉ có một vài đại lý chuyên thu mua cà phê là còn nguồn hàng, tuy nhiên số lượng rất hạn chế.
Chị Lê Thị Thu - đại diện một đại lý thu mua cà phê tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho hay: “Đến thời điểm này, ai còn cà phê để bán thì chứng tỏ người đó có điều kiện, thời gian qua chưa cần tiền nên có thể trữ được trong một thời gian dài. Còn đa số người dân đã bán hết từ cuối năm trước với giá 42.000 - 43.000 đồng/kg, ráng lắm thì tới mức 44.000 đồng/kg. Riêng đối với đại lý, hiện cũng chỉ còn vài tấn cà phê nhân loại cao cấp, chuyên phục vụ cho các đơn vị rang xay trong nước”.
Theo ghi nhận, mặc dù niên vụ cà phê tỉnh Lâm Đồng chưa bắt đầu, tuy nhiên nắm bắt được tâm lý sợ cà phê rớt giá của nông dân, một số đại lý đã bắt đầu “tung chiêu” chốt giá với nông dân với giá thấp hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Nông dân nào muốn bán “non” thì ký hợp đồng, chấp nhận bán giá thấp hơn giá tại thời điểm chốt. Mặc khác, các doanh nghiệp chế biến cà phê trong tỉnh cũng bày tỏ lo ngại việc người dân tranh thủ thu hoạch cà phê lúc quả còn xanh để bán cho được giá.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện giá cà phê Robusta đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh chi phí sản xuất tăng cao, giá cà phê tăng mạnh còn có nguyên nhân từ nguồn cung cà phê trên thị trường quốc tế đang khan hiếm.
Bởi các nước có diện tích cà phê lớn như Brazil, Indonesia, sản lượng không đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, nguồn cung nội địa Việt Nam cũng chưa vào vụ thu hoạch nên không còn hàng Robusta để giao dịch. Đây là lúc thị trường cà phê thế giới đang bước vào giai đoạn hụt hàng trong thời gian ngắn hạn.
Dự báo, trong các tháng 10, 11 và 12, giá cà phê nhân trên thị trường thế giới sẽ vẫn ở mức cao. Đây cũng là thời gian niên vụ cà phê của Việt Nam bắt đầu. Do đó, người trồng cà phê trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung có quyền kỳ vọng vào một vụ mùa cà phê được mùa, được giá để bù lại chi phí sản xuất tăng cao.
Giải pháp tối ưu của nông dân hiện nay là tập trung chăm sóc cây cà phê để nâng cao năng suất lẫn chất lượng. Mặt khác, chú trọng đến việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín. Quả cà phê hái chín, hạt sẽ nặng hơn so với hái khi quả cà phê còn xanh.
Chỉ riêng việc này, người trồng cà phê được lợi từ 15 - 20% sản lượng. Chưa kể đến lợi nhuận khi sản phẩm khẳng định được chất lượng và chiếm lĩnh thị trường. Nhất là khi sản xuất cà phê theo hướng chế biến sâu, việc thu hái đảm bảo tỷ lệ quả chín sẽ giúp địa phương và các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cà phê Lâm Đồng ngày càng vươn xa hơn.