Thứ thực vật dân Sóc Trăng coi "như giặc" chứa tới 9.000 hạt/cây, đối phó rất khó, chỉ lo mọc thành "rừng"

Thứ năm, ngày 15/09/2022 07:28 AM (GMT+7)
Cây mai dương còn gọi là cây mắt mèo, trinh nữ nâu… là loài thực vật thuộc chi trinh nữ (cây mắc cỡ), có nguồn gốc xuất phát từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Cây mai dương có thể mọc cao đến trên 2m và phát triển mạnh ở mọi vùng đất (thích hợp nhất ở vùng ẩm ướt và vùng đất pha cát).
Bình luận 0

Thân và lá cây mai dương có nhiều gai nhọn, cứng dẫn từ gốc đến ngọn, quả có nhiều lông mịn và gây ngứa rất mạnh. Sau 6 tháng (từ lúc mọc mầm), cây mai dương sẽ ra hoa, kết trái (chứa đến 9.000 hạt ở cây trưởng thành) và khuếch tán rộng trong không khí. 

Do có khả năng sinh trưởng và phát triển rất mạnh nên cây mai dương có nhiều khả năng hủy hoại các loài thực vật nơi chúng đang sinh sôi...

Nhiều năm trước, cây mai dương đã xuất hiện rải rác nơi vùng đất cát của TX. Vĩnh Châu, vùng Phú Mỹ, Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú), An Ninh, Phú Tâm (huyện Châu Thành) và một số ít của vùng ven TP. Sóc Trăng. 

Nhưng do các vùng đất rẫy canh tác thường xuyên nên cây mai dương không có điều kiện sinh sôi, phát triển. Tuy nhiên những năm gần đây, tình hình xâm lấn của cây mai dương có chiều hướng đáng lo ngại.

Anh Trần Bảy (Phường 10, TP. Sóc Trăng) cho biết: “Lúc đầu cũng ít ai để ý nhưng sau này thấy nó độc quá nên nhiều người họ chặt bỏ hết. Nhưng hột của nó vẫn sống rất mạnh và phượt lên rất mau, chỉ hơn một tháng nó đã cao chừng 5, 6 tấc rồi và chúng xâm lấn cực mạnh”.

Thứ thực vật dân Sóc Trăng coi "như giặc" chứa tới 9.000 hạt/cây, đối phó rất khó, chỉ lo mọc thành "rừng" - Ảnh 2.

Tại một khu đất trống ở đường Sương Nguyệt Anh, Phường 2, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), chỉ một vài cây nhỏ lẻ nhưng chỉ vài tháng sau, cây mai dương đã vượt cao lên hơn 2m và chung quanh nó đã sinh sôi những cây con dày đặc. Ảnh: THIÊN LÝ

Tại một khu dân cư thuộc Phường 7 (TP. Sóc Trăng) trên nhiều khu đất trống chưa xây dựng là điều kiện thuận lợi cho cây mai dương tha hồ sinh sôi, phát triển. 

Chú Tám Đức - một cư dân nơi đây cho biết: "Trước khi dịch Covid-19 bùng phát thì trên những khu đất này chỉ mới có lèo tèo vài cây mắc mèo (cây mai dương) này thôi. Nhưng chỉ hơn một năm thì nó đã trở thành “rừng mắc mèo”. Tốc độ phát triển của nó thật kinh khủng…”.

Anh Hai Bình - một người chuyên nghề vườn, đã từng “đối đầu” với cây mai dương cho biết: “Đây là loại cây rất khó phá, bởi toàn thân chúng gai góc lởm chởm nên không thể đốn hạ như những loại cây khác. 

Một điều rất khó nữa là trái cây mai dương được bao bọc lớp lông tơ gây ngứa khủng khiếp. Người bị ngứa càng gãi thì càng ngứa... Nên muốn diệt nó chỉ còn nước là dùng các phương tiện cơ giới mới có thể áp sát chúng được”.

Ở các khu vực Sóc Vồ (Phường 7, TP. Sóc Trăng) và dọc theo kinh 30/4 thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã xuất hiện nhan nhản từng cụm mai dương. Tuy còn khá manh nha “hứa hẹn” không sớm muộn chúng sẽ biến thành “vườn”, thành “rừng” trong nay mai.

Hiện nay, ở những khu vực cây mai dương đã và đang phát triển thì hầu hết bà con nơi đây còn hiểu biết rất mù mờ và thậm chí coi thường sự tác hại của cây mai dương. 

Do đó, đã đến lúc các ngành hữu quan cùng chính quyền địa phương cần phải hết sức chú trọng tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm ngăn chặn một cách hữu hiệu về sự phát triển của loại cây độc hại này.

Thiên Lý (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem