Thực hiện khung nội dung chương trình Quyết định số 27/QĐ-TTg và Quyết định số 45/QĐ-TTg, sau 10 năm thực hiện, Chương trình KHCN đã thực hiện 15 đề tài nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình NTM; 26 đề tài nghiên cứu cơ chế, chính sách; 45 đề tài nghiên cứu giải pháp KHCN và 66 đề tài, dự án xây dựng mô hình NTM ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Toàn cảnh Toạ đàm Phát huy vai trò của KHCN trong xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, Chương trình KHCN đã điều chỉnh nội dung nghiên cứu theo nhu cầu mới của xây dựng nông thôn mới bền vững.
GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm chương trình KHCN cho biết, đến nay Chương trình KHCN phục vụ NTM đã được hầu hết các tổ chức KHCN lớn của cả nước tham gia. Trong đó có 02 Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Khoa học Xã hội, 2 trường Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; thu hút 36 doanh nghiệp, HTX và nông dân trên cả nước trực tiếp tham gia.
Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM cũng đã triển khai được nhiều nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm. Trong đó, phải kể đến các mảng nghiên cứu tiêu biểu, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, kết nối hài hòa nông thôn - đô thị;
Hay thúc đẩy cơ cấu lại ngành, liên kết chuỗi bền vững; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phát triển đời sống văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan và không gian sống tốt ở nông thôn…
Mô hình sản xuất dưa lưới CNC tại huyện Nam Đàn
Cũng theo GS. TS Nguyễn Tuấn Anh, chương trình KHCN giai đoạn II còn tập trung nghiên cứu những vấn đề mới trong xây dựng NTM bền vững như: dịch chuyển lao động, tạo việc làm tại chỗ; phát triển kinh tế tập thể; sản phẩm OCOP; nông nghiệp số, xây dựng NTM thông minh; làng nông thuận thiên; NTM ven đô…
Đến nay, với hơn 200 quy trình và giải pháp công nghệ, 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị được chuyển giao, Chương trình KHCN thể hiện được những tác động thiết thực đến kết quả xây dựng NTM thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Là đơn vị trực tiếp hưởng thụ từ các dự án của chương trình, Hồ Sỹ Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) chia sẻ: Việc ứng dụng KHCN vào chương trình xây dựng NTM tại Nam Đàn đã có nhiều kết quả nổi trội như: mô hình rau dưa lưới tại xã Kim Liên có hiệu quả, mô hình gà trọi, mô hình hồng; sen… Nam Đàn cũng đã có những sản phẩm OCOP về lĩnh vực du lịch từ đó góp phần thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn, đời sống người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội thảo các đại biểu đã chỉ ra cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Theo GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, vấn đề trọng tâm then chốt, nan giải, đột xuất của xây dựng NTM giai đoạn vừa qua vẫn chưa huy động được nhiều đề tài nghiên cứu, như: chính sách đất đai, lao động; chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội NTM … Một số kết quả nghiên cứu, chuyển giao cũng chưa tạo được tác động như mong muốn, còn hạn chế về quy mô và hiệu quả kinh tế - xã hội…
KHCN trong nông nghiệp đã đóng góp trên 35% giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch xuống xấp xỉ 10%.
Phát biểu tại toạ đàm, Bà Vi Thanh Hoài- Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn Hoá thì cho rằng, giai đoạn vừa qua vấn đề mang tính chất liên ngành chưa được áp dụng chặt chẽ vì vậy trong giai đoạn tới cần khắc phục để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án.
"Đặc biệt, cần xác định xây dựng nông thôn mới phải gắn với bảo tồn văn hóa địa phương; vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn cũng cần phải có những đề tài nghiên cứu sâu để nâng cao ý thức người dân hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường" bà Hoài nhấn mạnh.
Ngoài ra một số vấn đề về hồ sơ hành chính; phạm vi nghiên cứu còn hạn hẹp; chưa có tính lan toả; việc đánh giá hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân còn chưa thật sát với thực tiễn…. cũng được các đại biểu thẳng thắn chỉ ra tại Toạ đàm.
Tại toạ đàm một số bài học kinh nghiệm cũng đã được trao đổi, thảo luận rất sôi nổi: cần có cơ chế liên kết liên ngành với nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề vì NTM là đa lĩnh vực; cần lồng ghép hoạt động, tiếp nhận kết quả nghiên cứu các chương trình khác; cần gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu lý luận với ứng dụng thực tiễn trên các địa bàn cụ thể; gắn việc triển khai các đề tài, dự án với với cộng đồng nông thôn. Đặc biệt, cần ưu tiên xây dựng, nhân rộng các mô hình, lấy nhu cầu thực tiễn làm thước đo hiệu quả của đề tài, dự án.
Mô hình trồng cây chanh đào áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên vùng đất đồi huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ảnh: Thu Thủy
Từ các ý kiến trao đổi, thảo luận tại toạ đàm, Ông Ngô Trường Sơn, Chánh VP Điều phối NTM Trung ương cho biết, chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM sẽ tập trung vào 3 mục tiêu đó là:
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giải pháp tổng hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn…
Và Xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực.
"Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình cũng sẽ tập trung vào các nội dung, Nghiên cứu hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách; giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; Xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp KHCNđể phát triển kinh tế, xã hội; Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM" Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết thêm.