Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V: Sản xuất theo chuỗi mới ứng dụng tối đa KHCN
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V: Sản xuất theo chuỗi mới ứng dụng tối đa KHCN
Anh Thơ (thực hiện)
Thứ hai, ngày 12/10/2020 06:45 AM (GMT+7)
Ngày mai, 13/10, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V với chủ đề: “Vốn - công nghệ trong liên kết 6 nhà” sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến (ảnh) về kết quả ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Những năm qua, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong mang lại những thay đổi mang tính cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nông sản Việt chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác ứng dụng, phát triển KHCN trong nông nghiệp thời gian qua?
- Vai trò, vị trí của KHCN đã được khẳng định, quyết định đến sự thành công của tất cả các ngành, lĩnh vực, không chỉ trong nông nghiệp. Chính vì vậy, trong nhiều văn kiện của Đảng đã khẳng định, cùng với giáo dục, KHCN phải là quốc sách hàng đầu. Luật Khoa học công nghệ 2013 đã tạo ra môi trường pháp lý cho khoa học phát triển.
Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 5 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, nhà khoa học, viện nghiên cứu và 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020 sẽ thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức liên kết 6 nhà trong chuỗi sản xuất giá trị nông sản, vai trò của dòng vốn đầu tư và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hiệu quả mối liên kết 6 nhà nhằm đưa nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền nông nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo đang phát triển, KHCN đóng vai trò rất quan trọng. Sự đảo lộn vị trí của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) phụ thuộc vào hàm lượng KHCN đơn vị đó áp dụng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong nhiều năm qua, lãnh đạo Bộ NNPTNT thường xuyên quan tâm đến đầu tư KHCN, thời gian từ nghiên cứu đến chuyển giao tiến bộ không còn lâu như các năm trước.
Các thành tựu KHCN trong lĩnh vực giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, canh tác được triển khai nghiên cứu một cách đồng bộ. Các giải pháp KHCN trong quá trình thu hoạch cũng được triển khai để giảm thất thoát sau thu hoạch.
Có thể khẳng định, KHCN trong nông nghiệp đã đóng góp trên 35% giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch xuống trên dưới 10%. Đây là nỗ lực rất lớn, cho thấy KHCN đã có vị trí, vai trò quan trọng, những kết quả đạt được cũng rất khả quan.
Việc nông sản Việt Nam đã vươn tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm 2020 đạt 30,5 tỷ USD trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là minh chứng cho vai trò của KHCN.
Điều đáng ghi nhận là, những tiến bộ KHCN trên thế giới đều được Việt Nam cập nhật, phải khẳng định tiến bộ KHCN trên thế giới phát triển như vũ bão, nếu không cập nhật được sẽ tụt hậu, sức cạnh tranh của năng suất lao động không đảm bảo.
Cũng có một thực tế là, hiện nay, các DN, nông dân ứng dụng KHCN gặp không ít rào cản về vốn, đất đai. Theo Thứ trưởng, đâu là rào cản lớn nhất?
- Phải khẳng định, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả rất nổi bật, căn cơ nhưng xét một cách tổng thể, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì vậy, việc áp dụng KHCN sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đó là chưa kể, công tác chế biến, vận chuyển chưa đáp ứng được yêu cầu để nâng cao giá trị sản phẩm. Đó là một trong những rào cản để DN, nông dân ứng dụng KHCN.
Một rào cản nữa đang khiến việc áp dụng KHCN của DN và nông dân gặp khó khăn là thiếu nguồn vốn đầu tư. Có một thực tế, DN nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ nên tốc độ đổi mới công nghệ rất chậm.
Một việc nữa chúng ta phải thấy rằng, để có vùng nguyên liệu đồng bộ, đất đai rộng lớn thì cần tập trung đất đai, trong khi đó, ruộng đất canh tác của nông dân vẫn còn manh mún, với hơn 8,9 triệu thửa ruộng. Đây cũng là vấn đề trong áp dụng cơ giới hóa, sinh học hóa.
Nếu sản xuất đồng bộ cùng giống, cùng quy trình canh tác thì mới tạo ra vùng nguyên liệu đáp ứng được yêu cầu, sản phẩm đồng đều về kích thước thì sẽ tạo điều kiện cho chế biến.
Có thể thấy, để thúc đẩy áp dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp thì việc đẩy mạnh liên kết giữa DN và nông dân là một đòi hỏi tất yếu. Điều này sẽ góp phần hóa giải những khó khăn về vốn, đất đai. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là như vậy, sản xuất theo chuỗi liên kết đang là một đòi hỏi tất yếu. Một mình nông dân không thể ứng dụng KHCN chỉ trên mảnh ruộng bé nhỏ của gia đình, DN cũng không thể có vùng nguyên liệu đủ lớn để áp dụng KHCN vào sản xuất nếu nông dân không đồng thuận.
Chỉ có DN lớn, đưa hàm lượng KHCN cao vào sản xuất thì mới tạo ra động lực đổi mới cho sản xuất nông nghiệp. Đây chính là hạt nhân liên kết thành chuỗi giá trị.
Nhiều mô hình hay từ phát hiện của nông dân
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT có giải pháp gì để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, thưa Thứ trưởng?
- Trong nhiều năm qua, Bộ NNPTNT luôn dành nhiều quan tâm đến lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tới đây, không chỉ các chương trình của Bộ, các đề tài cấp Nhà nước mà các địa phương cũng nên ưu tiên thực hiện các đề tài nghiên cứu. Theo quy định, các địa phương dành 20% ngân sách đầu tư cho KHCN nhưng thực tế việc các địa phương đề xuất đề tài còn hạn chế.
Nếu chúng ta triển khai đồng bộ trên tất cả các khía cạnh, từ chính sách hỗ trợ đến việc tháo gỡ những rào cản thì sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam không chỉ trên thị trường thế giới mà còn phục vụ thị trường nội địa với 100 triệu dân.
Năm 2020 là năm thứ 8 T.Ư Hội NDVN giao Báo NTNN/Dân Việt tổ chức chuỗi chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, trong đó điểm nhấn là đêm tôn vinh 63 nông dân xuất sắc đại diện cho 63 tỉnh, thành. Đây đều là những nông dân có thành tích ấn tượng trong sản xuất kinh doanh, có hàm lượng ứng dụng KHCN cao. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những nhân tố này?
- Bác Hồ từng nói, KHCN phải từ thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và phục vụ cho cuộc sống. Nhiều năm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ đã tổ chức tôn vinh những nhà khoa học nông dân, những người có các sáng chế bắt nguồn từ chính thực tiễn sản xuất.
Tôi cho rằng, đây là nguồn lực rất quan trọng của KHCN. Nhiều mô hình sản xuất máy, công nghệ giống, chăn nuôi, thú y,… đều xuất phát từ những phát hiện của nông dân. Vì vậy, đây là lực lượng quan trọng để phát triển KHCN.
Do vậy, tôi đánh giá cao việc Báo NTNN/Dân Việt tổ chức chuỗi chương trình Tự hào nông dân Việt Nam. Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực để đẩy nhanh ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất, động lực của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.