Con yêu mẹ
- Con yêu mẹ bằng ông trời
Rộng lắm không bao giờ hết
- Thế thì làm sao con biết
Là trời ở những đâu đâu
Trời rất rộng lại rất cao
Mẹ mong bao giờ con tới!
- Con yêu mẹ bằng Hà Nội
Để nhớ mẹ con tìm đi
Từ phố này đến phố kia
Là con gặp ngay được mẹ.
- Hà Nội còn là rộng quá
Các đường như nhện giăng tơ
Nào những phố này phố kia
Gặp mẹ làm sao gặp hết.
- Con yêu mẹ bằng trường học
Suốt ngày con ở đấy thôi
Lúc con học, lúc con chơi
Là con cũng đều có mẹ.
- Nhưng tối con về nhà ngủ
Thế là con lại xa trường
Còn mẹ ở lại một mình
Thì mẹ nhớ con lắm đấy.
Tính mẹ cứ là hay nhớ
Lúc nào cũng muốn bên con
Giá có cái gì gần hơn
Con yêu mẹ bằng cái đó.
- À mẹ ơi có con dế
Luôn trong bao diêm con đây
Mở ra là con thấy ngay
Con yêu mẹ bằng con dế.
Một chiều tôi nghe qua đài phát thanh một giọng trẻ thơ đọc bài thơ này sao xúc động và thấm thía. Bài thơ làm lời thỏ thẻ của con và lời thủ thỉ của mẹ trò chuyện cùng nhau. Con yêu mẹ bằng cái gì? - đấy là nội dung câu chuyện. Người mẹ trong tình yêu của đứa con được ví bằng ông trời, rồi bằng Hà Nội, bằng trường học, để cuối cùng là "con yêu mẹ bằng con dế". Từ trước đọc bài thơ này của Xuân Quỳnh, tôi cũng như nhiều người thích thú với sự ngộ nghĩnh con trẻ được phát hiện tinh tế qua tấm lòng mẹ yêu con của nữ nhà thơ. Xúc động gây nên vì thế. Mãi đến hôm nay, tôi giật mình trước câu kết của bài thơ và cảm thấy thấm thía ý nghĩa của nó về một phương diện khác của tài năng Xuân Quỳnh.
Trẻ em là gì nhỉ xét về mặt tư duy? Nó là hình bóng nhân loại thuở ban sơ muốn đồng hóa mình với các đối tượng ngoài mình lớn hơn mình để khẳng định cái mình có và mình muốn chăng? Hay nó là bản sao của người lớn, thích bắt chước, học theo người lớn trong cách so sánh vĩ mô để khẳng định những ưu thế và phẩm chất của mình so với đồng loại? Có lẽ, tư duy trẻ em có cả hai mặt ấy.
Câu mở đầu bài thơ "Con yêu mẹ" có thể xem như một nét đặc trưng của tâm lý trẻ thơ (nhưng có chắc gì chỉ riêng cho con trẻ?) muốn chứng tỏ mức độ tột cùng của một cái gì đấy khi cần phải so sánh. Tôi ngờ là tính chất đặc trưng này không phải vốn có ở trẻ em mà là do nhiễm phải một kiểu tư duy của thế giới người lớn. Và tôi nghĩ là Xuân Quỳnh cũng có mối ngờ đó. Trẻ con là trẻ con chứ! Thế giới trẻ con có cách tư duy đặc thù riêng của chúng khiến chúng nhìn mọi vật xung quanh một cách cụ thể, cảm tính và nên thơ. "Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo" – Xuân Diệu đã nêu một ý rất đúng với người làm nghệ thuật văn chương. "Con yêu mẹ bằng con dế" mới chính là tình cảm thực của con yêu mẹ, bởi vì chỉ lúc này con mới yêu bằng sự so sánh trẻ con thực thụ của con.
Yêu bằng ông trời, bằng Hà Nội, bằng trường học đều là sự vay mượn, sự sao chép cách biểu hiện tình cảm lấy phạm trù độ lớn, độ đông làm chuẩn. Còn yêu bằng con dế là tình cảm thuộc phạm trù độ thân, độ gần trong cách hình dung tuổi nhỏ. Con dế - biểu vật của tình con yêu mẹ trong bài thơ này của Xuân Quỳnh – cao hơn cả ông trời, rộng hơn cả Hà Nội, đông hơn cả trường học, bởi nó "luôn trong bao diêm con đây, mở ra là con thấy ngay".
Ý lộ của bài thơ ai cũng dễ thấy: đứa con yêu mẹ, muốn lấy muôn vật từ lớn đến nhỏ, từ xa đến gần để so sánh tỏ bày tình cảm của mình. Nhưng cái ý ngầm này như không phải dành riêng cho thiếu nhi: người ta sao cứ hay tư duy ví von với những cái cao vời, xa thẳm, lớn lao, đồ sộ mà quên rằng con người có thể ngang bằng với những đồ vật, con vật rất đỗi đơn giản, bình thường. Vật hàng ngày quanh ta, bên ta, gần gũi thân thiết với ta. Con dế là kết quả bài học tình cảm mà đứa con nhận được thông qua quá trình vận động tư duy theo lời dẫn dắt, khéo léo tự nhiên của người mẹ. "Giá có cái gì gần hơn, Con yêu mẹ bằng cái đó" - đứa trẻ trở về cách nghĩ của chính nó và người lớn giật mình vì đã quên mất cách nghĩ đó. Tôi chợt nhớ một bài thơ của E. Evtushenko viết về Mayakovsky: trong khi những kẻ hâm mộ nhà thơ tâng bốc, tụng ca ông là thiên tài là vĩ đại, thì bà mẹ nhà thơ chỉ lặng lẽ ngồi ước mong lại được ôm cái đầu húi cua lởm chởm của con mình vào lòng. Điều bình thường mà lớn lao ấy là phát hiện của một tư duy thơ đích thực.
Và như vậy, "con dế" của Xuân Quỳnh đã chạm đến được cái lớn của những thi hào xưa nay thường không chịu gò ép tình cảm của mình trong cái khuôn tư duy quen thuộc từ đất lên trời mà bứt phá tự do từ trời trở về đất. Lấy thí dụ trong thơ tình yêu Shakespeare trong một bài sonnet đã khước từ mọi mỹ từ hào nhoáng, cao siêu ca tụng người yêu để chỉ nói về nàng những lời bình thường, chân chất nhất. Cũng nói về người yêu, nàng Matin, Pablo Neruda đã ví nàng với bùn đất, lau sậy... Còn Xuân Quỳnh trao tặng cho người bạn đời trái tim mình không phải như bằng vàng, như mặt trời mà đơn giản thật sự "là máu thịt, đời thường ai chẳng có". Có gì đâu, bình thường quá, "nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi" thì mấy ai đã nói được và nói nên thơ da diết và trĩu nặng đến thế.
Hà Nội 8/1989