Giọng nói thật của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sẽ được phát trên sân khấu "Hoa cúc xanh"
Giọng nói thật của thi sĩ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sẽ được phát trên sân khấu "Hoa cúc xanh"
Hà Tùng Long
Thứ ba, ngày 16/08/2022 13:30 PM (GMT+7)
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 năm nay, gia đình thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ kết hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng ê-kíp Se sẽ chứ sẽ tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch mang tên “Hoa cúc xanh”, diễn ra vào 20h ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
"Hoa cúc xanh" sẽ không đơn thuần là chương trình kỷ niệm!
34 năm, kể từ ngày hai nhà thơ tài hoa Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ ra đi sau tai nạn giao thông thảm khốc ngày 29/8/1988, nhiều độc giả vẫn thổn thức với thơ Xuân Quỳnh. Hàng năm, trong các đề thi học sinh giỏi Văn toàn quốc, toàn tỉnh hoặc thi tốt nghiệp phổ thông trung học, Xuân Quỳnh và thơ của Xuân Quỳnh vẫn xuất hiện như một nguồn cảm hứng bất tận.
Đặc biệt, ngày 6/10/2019, đúng dịp sinh nhật lần thứ 77, chân dung của cố thi sĩ Xuân Quỳnh xuất hiện trên trang chủ Google. Hình ảnh của bà hiện diện trên thế giới và được Google vinh danh như một biểu tượng tiêu biểu của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Bà là người thứ 3 của Việt Nam, sau cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố danh họa Bùi Xuân Phái được trang tìm kiếm lớn nhất thế giới này vinh danh trang trọng.
Thi sĩ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) sinh năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Bà bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Với những đóng góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam, năm 2017, bà được truy tặng giải thưởng Nhà nước và Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà thơ Xuân Quỳnh đã in các tập thơ Tơ tằm - chồi biếc (thơ, in chung, Nhà xuất bản Văn học, 1963); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968); Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974); Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978); Sân ga chiều em đi (thơ, 1984); Tự hát (thơ, 1984); Hoa cỏ may (thơ, 1989); Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994);Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994); Hát với con tàu;Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung)…
Ngoài ra bà còn có nhiều tập thơ, sách viết cho thiếu nhi như: Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi, 1982); Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985); Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi - 1981); Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984); Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi, 1986); Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995); Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)…
Chỉ ngần đó thôi cũng đủ thấy sức sống, tầm ảnh hưởng Xuân Quỳnh và di sản thơ ca của Xuân Quỳnh trong đời sống hiện đại nói chung và đời sống thơ ca nói riêng mãnh liệt tới cỡ nào.
Sự ngợi ca, truyền tụng và yêu thích của người yêu thơ đối với Xuân Quỳnh và thơ ca của bà đã vượt ra khỏi giới hạn lãnh thổ Việt Nam để tiệm cận đến với nhiều tâm hồn yêu thơ ca trên các châu lục. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của thi sĩ Xuân Quỳnh trong dòng chảy văn chương hiện đại.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80, gia đình thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ kết hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng ê-kíp Se sẽ chứ sẽ tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch mang tên "Hoa cúc xanh", diễn ra vào 20h ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo BTC, cái tên "Hoa cúc xanh" được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên "Hoa cúc xanh" của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Nhà báo Lưu Quang Định – TBT báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, đại diện gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ kiêm Trưởng BTC cho biết, mặc dù đây là chương trình nghệ thuật được tổ chức để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của thi sĩ Xuân Quỳnh nhưng sẽ không nặng tính chất kỷ niệm mà sẽ vươn tới tầm của một chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Chương trình sẽ có thơ – nhạc – kịch do những tên tuổi hàng đầu trong giới sáng tạo nghệ thuật cùng chung tay thực hiện.
Theo đó, ê-kíp sáng tạo là những tên tuổi lớn như: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – Tổng đạo diễn; Nhạc sĩ Quốc Trung – Giám đốc Âm nhạc; NSƯT Trần Lực – Đạo diễn Sân khấu; Họa sĩ Hà Nguyên Long – Thiết kế sân khấu. Chương trình cũng quy tụ đông đảo nghệ sĩ tên tuổi tham gia biểu diễn như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Minh Trang, diva Hồng Nhung, ca sĩ Bùi Lan Hương…
Tái hiện một chân dung Xuân Quỳnh đa diện bằng thơ, nhạc, kịch
Chương trình sẽ có bố cục 4 phần: Bầu trời trong quả trứng, Tự hát, Sóng và Hoa cúc xanh. Nếu Tự hát tái hiện chân dung đa diện của Xuân Quỳnh thông qua những sắc màu âm nhạc mới mẻ và những đoạn phim tài liệu ngắn phát giọng nói thật của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh thì Sóng sẽ đem đến chân dung một nữ sĩ "dữ dội và dịu êm" trong tình yêu. Ở đó, thông qua các tiết mục trình diễn thơ của các nghệ sĩ Lê Khanh, Chiều Xuân, Minh Trang, Lan Hương, Đỗ Kỷ… sẽ đem đến cái nhìn rõ nét hơn về những đối thoại vừa gần – vừa xa, vừa dịu dàng - vừa mãnh liệt của hai tâm hồn thi sĩ để thấy được tình yêu của họ lãng mạn tới mức nào.
Riêng phần Hoa cúc xanh là một vở kịch ngắn do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp viết kịch bản và do sân khấu Lucteam của NSƯT Trần Lực dàn dựng. Vở kịch như một sự kết nối ý tưởng từ bài thơ "Hoa cúc xanh" của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để hai tác phẩm tưởng chừng như không liên quan quyện hòa với nhau. Sự quyện hòa này cũng chính là mạch cảm xúc đầy thi vị và lãng mạn của tình yêu Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi ông đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập "Hương cây- Bếp lửa" (1968).
Từ 1978 đến 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Lưu Quý Kỳ. Tiếp sau đó, hơn 50 vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Người tốt nhà số 5, Ngọc Hân công chúa, Linh hồn của đá, Ông vua hóa hổ, Chiếc ô công lý, Ông không phải là bố tôi, Điều không thể mất, Ai là thủ phạm, Chuyện tình bên dòng sông thu, Tin ở hoa hồng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng…
Cùng với sự nghiệp sân khấu, Lưu Quang Vũ cũng là một thi sĩ xuất sắc với giọng điệu thơ mạnh mẽ, nồng nàn, làm say đắm lòng người với các tập thơ: Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), Gửi tới các anh (1998), Di cảo (thơ và nhật ký, 2008), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (thơ tuyển)… Lưu Quang Vũ vinh dự được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Theo tiết lộ của Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, âm nhạc trong đêm thơ – nhạc – kịch sẽ được làm mới bằng những bản phối tinh tế và có nhiều ca khúc được đặt sáng tác riêng cho chương trình. Phần hình ảnh sân khấu cũng sẽ là những mảng màu cũ mới đan xen, trong đó, chất thơ và hiện thực của đời sống biểu hiện trên bối cảnh sân khấu sẽ đưa người xem đến gần hơn với những năm tháng đương thời của thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.
"Đầu tiên, chương trình nghệ thuật lần này sẽ đặt chị Xuân Quỳnh ở vị trí trung tâm, khác với trước đây là đứng bên cạnh anh Lưu Quang Vũ. Thứ hai, chương trình có sự đầu tư bài bản và tính toán rất kỹ để nâng tầm một chương trình mang tính kỷ niệm thành một chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Tiếp nữa, team sáng tạo rất đông và rất mạnh, điều đó đủ thấy tâm huyết của đơn vị tổ chức. Thứ 4 là hoá ra trong team có những người còn kỹ tính gấp 10 lần tôi. Thứ 5 là chương trình có bán vé, dù chỉ ở mức độ thử nghiệm. Thứ 6 là chương trình sẽ phát sóng trên VTV chứ không chỉ biểu diễn ở sân khấu.
Thứ 7 là tôi chưa bao giờ lại hồi hộp sớm đến thế. Trước ngày công diễn đã hồi hộp mãn tính được 4 tháng ròng", Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tóm lược một số nét mới của chương trình.
Theo Nguyễn Hoàng Điệp, hồi mới nhận lời làm Tổng đạo diễn cho chương trình, chị còn lo lắng quá tâm sự với diva Mỹ Linh, diva Linh bảo rằng: "Ừ, khó lắm đấy!". Và càng bắt tay vào thực hiện chương trình nghệ thuật phải xứng tầm với tên tuổi của thi sĩ Xuân Quỳnh như Hoa cúc xanh, chị phải công nhận mình hơi liều và đang đưa mình vào thế đau tim mỗi ngày.
Nói là vậy nhưng đến thời điểm này, Nguyễn Hoàng Điệp đã bắt đầu "thở phào" được một chút. Và nhìn vào các cộng sự trong ê-kíp sáng tạo cũng như dàn nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chị tin chắc chương trình nghệ thuật sẽ là một dấu ấn đầy xúc cảm và khó phai.
Để ghi nhớ những đóng góp xuất sắc của hai tác giả Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, tên ông bà được đặt tên cho nhiều đường phố ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.HCM và mới nhất là Hà Nội …
Năm nay, cũng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của thi sĩ Xuân Quỳnh, gia đình phối hợp với Cty Sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ phối hợp cho ra mắt 3 cuốn sách: "Xuân Quỳnh – nhật ký chiến trường và những bức thư chưa từng công bố", "Hoa cúc xanh thương nhớ" và tập thơ tuyển "Không bao giờ là cuối" (tái bản).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.