Theo Tổng cục Thuỷ sản, tổng diện tích nuôi biển (nuôi cá biển, tôm hùm, các loài nhuyễn thể...) của nước ta hiện đạt khoảng 85.000ha, với 9 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển năm 2021 đạt khoảng 730.000 tấn. Đáng chú ý là tiềm năng nuôi biển của nước ta còn rất lớn, Việt Nam có thể phát triển từ 2-3 triệu tấn hải sản nuôi biển, góp phần giảm khai thác tự nhiên.
Mặc dù vậy, mãi tới năm 2010, thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển mới được các cơ quan trong nước bắt tay vào nghiên cứu.
Ông Lê Văn Khôi, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho biết, từ năm 2010 đến nay, thức ăn công nghiệp cho các đối tượng nuôi biển phổ biển như cá chẽm, cá giò, cá song đã được nghiên cứu. Các nghiên cứu tập trung vào nhu cầu dinh dưỡng, phát triển thức ăn công nghiệp cho từng giai đoạn và khả năng sử dụng thức ăn của các đối tượng.
Theo đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã tiến hành nghiên cứu và phát triển thức ăn cho các giai đoạn nuôi thương phẩm cá chim vây vàng và có dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn với công suất 0,5-1 tấn/mẻ/giờ. Công thức thức ăn của Viện hiện đã được thương mại hóa.
Cũng theo con số của Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có hơn 404 cơ sở nhập khẩu và sản xuất thức ăn thủy sản (thức ăn hỗn hợp, thức ăn bổ sung và nguyên liệu sản xuất). Số lượng sản phẩm thức ăn đa dạng, với khoảng 8.000 sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường (3.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 5.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và nguyên liệu thức ăn).
Trong đó, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển phần lớn đến từ các công ty sản xuất thức ăn có vốn đầu tư nước ngoài như C.P, Uni-President, Cargill, De Heus, Skretting... Các doanh nghiệp này hiện đang chiếm hơn 80% thị phần thức ăn cá biển của nước ta.
Một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn cá biển trong nước như Dabaco có thị phần khá nhỏ. Các cơ sở nghiên cứu, viện, trường đại học có năng lực để thực hiện các nghiên cứu về dinh dưỡng và phát triển thức ăn cho cá biển, tuy nhiên hầu hết mới thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm. Việc thiếu thiết bị nghiên cứu dinh dưỡng chuyên sâu, thiếu dây chuyền thử nghiệm sản xuất thức ăn là một trong các rào cản để các đơn vị này có thể phát triển thức ăn công nghiệp có khả năng thương mại.
Điều này dẫn tới thực trạng là bà con ngư dân nuôi biển đang bị thiếu nguồn thức ăn công nghiệp. Phần lớn các trại nuôi biển quy mô vừa và nhỏ phải sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá, tôm hùm..., hoặc dùng thức ăn tự chế.
Đáng nói là việc "lấy cá cho cá ăn" không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh từ cá tạp. Cụ thể, lượng cá tạp dư thừa do cá ăn không hết rất dễ phân hủy, nhanh chóng làm gia tăng các chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước và phát sinh dịch bệnh cho cá, làm chết cá.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thủy sản, lấy cá cho cá ăn không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cá nuôi và có thể dẫn đến khan hiếm nguồn cá tạp tự nhiên; hiệu quả nuôi không cao, chi phí phát sinh lớn do giá thành thay đổi theo mùa.
Chính vì thế, nhiều cơ sở thủy sản nuôi quy mô công nghiệp đã sử dụng thức ăn viên, thức ăn công nghiệp chuyên biệt dành cho từng đối tượng nuôi.
Ông Phạm Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) cho biết, trung tâm hiện đang có 22 lồng tròn nuôi cá thương phẩm, 12 lồng vuông nuôi cá bố mẹ và ương dưỡng cá giống. Mỗi năm, đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng 200-250 tấn cá thương phẩm. Trong quá trình nuôi, trung tâm sử dụng khoảng 450-500 tấn thức ăn công nghiệp.
"Đơn vị đã nghiên cứu công thức thức ăn riêng cho cá, đặt hàng doanh nghiệp gia công để phục vụ nuôi cá. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp giúp tối ưu hóa lượng thức ăn cho từng giai đoạn phát triển của cá; giảm thiểu các rủi ro về ô nhiễm môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh do sử dụng thức ăn…" - ông Phương cho biết.
Thức ăn viên được thiết kế tối ưu dinh dưỡng cho cá nuôi, dễ sử dụng, có nhiều ưu điểm nhưng ông Phương cho biết, người dân vẫn chưa sử dụng nhiều. Nguyên nhân là do tập quán nuôi lâu nay bà con vẫn tận dụng các nguồn thức ăn tươi; bên cạnh đó, giá thức ăn công nghiệp cũng đang cao hơn nhiều so với thức ăn tươi.
Thực tế, tại Khánh Hòa - nơi đang có khoảng 63.400 lồng nuôi tôm hùm; 7.220 lồng nuôi các loài cá biển, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3 cơ sở nuôi cá biển ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, gồm: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao và Công ty Cổ phần nuôi trồng thủy sản Phương Minh.
Còn lại, bà con ngư dân chủ yếu sử dụng các loài cá tạp, giáp xác, nhuyễn thể để làm thức ăn cho tôm hùm, cá biển.
Để góp phần đưa nghề nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững, thời gian qua Công ty TNHH De Heus đã nghiên cứu, cung cấp các giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn của nuôi cá biển, từ cá giống kích cỡ 0,5-20mm đến cá thịt. Điển hình là các sản phẩm thức ăn chuyên biệt dành cho cá mú, cá chẽm, cá chim; thức ăn dành cho cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm. Bên cạnh đó, De Heus đang phát triển thức ăn cho các loài nuôi mới nhiều tiềm năng kinh tế cao như tôm hùm, ốc hương...