Đề cập tới câu chuyện chậm trễ tăng lương công chức, viên chức, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đây có thể là một trong nguyên nhân khiến nhiều công chức, viên chức muốn nghỉ việc.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư hoặc ngược lại là việc bình thường. Quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc là quyền hiến định của công dân, phải tôn trọng và bảo đảm quyền quan trọng đó.
Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp sớm điều chỉnh tiền lương cho công chức viên chức, thì khả năng “chảy máu chất xám” trong khu vực công sẽ diễn ra nhiều hơn.
“Có nhiều nguyên nhân khiến công chức, viên chức nghỉ việc, dịch chuyển công việc. Có thể do môi trường làm việc ở khu vực tư đã cởi mở hơn, bình đẳng hơn. Khu vực tư cũng có nhiều khuyến khích đãi ngộ hơn. Một điểm quan trọng đó là do thu nhập thấp, nên nhiều người muốn nghỉ việc", ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cũng cho rằng, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, mong muốn lực lượng công chức, viên chức của chúng ta nên hiểu và thông cảm, cùng chia sẻ chung khó khăn với đất nước.
Ông cũng hy vọng, tới đầu năm 2023, vấn đề tăng lương công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ thành hiện thực.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không thể nói lời "thông cảm" hay là “chia sẻ” đơn thuần được nữa vì đơn giản "có thực mới vực được đạo". Lương không đủ sống, không đủ nuôi con thì chẳng công chức, viên chức nào có thể nói hay, nói tốt được. Và như vậy, họ rời bỏ vị trí việc làm là đương nhiên.
Là người có nhiều năm nghiên cứu, có những đóng góp tâm huyết cho vấn đề cải cách tiền lương, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng đã tới lúc cần phải quyết liệt thực hiện giải pháp tăng lương cho công chức, viên chức.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Hương cho rằng, bản chất lương công chức viên chức là nguồn lực để đầu tư phát triển khu vực công. Nguồn nhân lực của khu vực công khác với nguồn nhân lực bình thường, vì nó là lực đẩy chi phối tất cả các quyết định, sự thành bại của khu vực công, cũng như sự phát triển của quốc gia.
"Hiện nay lương khu vực công - tư đang có sự bất cập. Lương khu vực tư đang chạy nhanh hơn khu vực công, điều này cho thấy những bất cập trong việc quản lý. Thử hỏi lương một ông công chức, viên chức có 10 triệu đồng làm sao có thể lãnh đạo, chỉ đạo quản lý 1 ông doanh nghiệp tháng lương 100 triệu đồng".
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐTBXH)
"Bởi vậy tiền lương ở khu vực công cần phải là sự kết tinh các giá trị tinh hoa, cần được bồi dưỡng, chế độ tiền lương công chức, viên chức cần được đãi ngộ thích đáng".bà Hương nhấn mạnh.
Bà Hương cũng dẫn ra ví dụ: Hàn Quốc đưa ra 4 nguyên tắc trả lương ở khu vực công. Theo đó, đầu tiên, việc trả lương phải để lao động làm khu vực công cảm thấy tự hào bởi họ chính là người đẩy nền kinh tế. Thứ 2 là phải để họ thấy, họ được trả lương xứng đáng với công xức họ bỏ ra. Thứ 3 là phải làm trong sạch môi trường làm việc và việc trả lương đúng năng lực. Thứ 4 phải có sự phân cấp trong việc trả lương.
Để tăng lương công chức, viên chức ở Việt Nam, theo bà Hương cũng cần phải giải quyết 5 vấn đề sau:
Thứ nhất là xác định nguyên tắc tăng lương. Cần khẳng định rõ, lương công chức, viên chức không phải là chi phí mà bảo mất hay là không mất. Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng nguyên tắc để tăng lương rất đơn giản. "Ví dụ tăng lương phải tính trên Tổng cầu và thường GDP tăng 10% lần thì lương tăng 1 lần. GDP tăng bao nhiêu phần trăm thì anh trích ra bấy nhiêu phần trăm để tăng lương", bà Hương nói.
Theo bà Hương quan điểm 'không có nguồn' để cải cách tiền lương là không đúng. "Chúng ta không thiếu nguồn để tăng lương. Lương là bộ phận của GDP, GDP tăng được thì lương cũng tăng được", bà Hương khẳng định.
Thứ 2, để cải cách tiền lương cần phải xác định rõ vị trí của công chức, viên chức. Ví dụ như khu vực hành chính sự nghiệp giáo dục; y tế...) thì không thể gọi là công chức, viên chức được vì sự nghiệp nó có thị trường, có đầu ra, có sản phẩm. Nó có thể tự điều tiết, cân đối... vì thế nhóm này cần phải tách ra. Như vậy chỉ còn mỗi nhóm khu vực công làm công việc hành chính. Việc phân tách cụ thể sẽ làm tinh giản, gọn nhẹ bộ máy. Điều này sẽ góp phần giảm áp lực khi tăng lương cho công chức, viên chức.
Thứ 3, khi tiến hành cải cách tiền lương, tăng lương công chức, viên chức cần xác định rõ vị trí việc làm. Vị trí việc làm đã rõ ràng thì cứ thế trả lương. Bên cạnh đó cần phải thực hiện các cải cách có tính chất kỹ thuật trong khu vực này. Ví dụ như: Xác định lại vị trí việc làm; xác định tiêu chuẩn công chức... tạo ra được kết nối thông thương giữa khu vực nhà nước và khu vực trong nhà nước.
Thứ 4, thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương công chức, viên chức thì cần tiến hành phân cấp trong quản lý. Không thể để một ông vụ trưởng quản lý ở TP. HCM lại lương bằng một ông vụ trưởng ở Yên Bái, Lai Châu... Vấn đề quản lý lương hãy phân cấp về cho các tỉnh, thành phố, để họ quản lý. Nếu thành phố có khả năng, nguồn lực, thành phố sẽ trả thêm để khuyến khích động viên công chức, viên chức làm việc. Nên làm như lương tối thiểu vùng đang áp dụng cho khối doanh nghiệp tư nhân hiện giờ. Chỉ đưa ra mức sàn tối thiểu, còn lương cơ chế thỏa thuận, làm nhiều ăn nhiều, làm ít hưởng ít. Tinh thần thực hiện cải cách tiền lương là "Không sợ làm không đúng, không sợ chia không đều".
Thứ 5, khi tiến hành cải cách tiền lương trong khu vực công, cần chú ý tới việc tạo ra được kết nối thông thương giữa khu vực nhà nước và khu vực trong nhà nước.
"Có nghĩa là quy hoạch một ông vụ trưởng không phải là cứ quy hoạch những người từ dưới lên. Có thể ưu tiên người có kinh nghiệm, thâm niên nhưng vẫn phải phổ biến công việc, thực hiện thi tuyển cả khu vực tư. Ở Nhật hàng năm, tháng 2 là người ta thi tuyển vào khu vực công chức như thi Đại học. Những người trúng tuyển được quyền lựa chọn vào làm công chức ở các vị trí mà mình mong muốn", bà Hương viện dẫn.
Hiện nay Việt Nam chưa tạo ra được sự thông thương trong các thị trường, các thị trường của mình chủ yếu vẫn là đóng băng. "Chúng ta cải cách, nhất thể hóa chức danh, một người làm vài vị trí, nhưng thực chất khó tìm ra được công chức giỏi", bà Hương nói.
Phải khẳng định lại một lần nữa về quan điểm thực hiện cải cách tiền lương. Vấn đề tiền lương của công chức, viên chức không phải là vấn đề vĩ mô. Nó chỉ là tiền lương của một doanh nghiệp, giống như tiền lương của khối tư nhân, của một DN FDI thôi... nhưng vì chủ sử dụng là Nhà nước mà Nhà nước của chúng ta hiện nay đang cùng lúc đảm nhận 2 vai trò (vừa chủ sử dụng, nhưng cũng vừa là người quản lý) vì thế đôi khi các quyết định cũng rất khó khăn.
"Nhưng phải có nhận thức đúng, phải đặt mục tiêu trả lương vừa có tính chất giá trị, vừa có tính chất danh dự, vừa có tính chất đầu tư cho khu vực này. Có vậy mới đảm bảo nguồn lực để tái đầu tư phát triển đất nước", bà Lan Hương chia sẻ.