Dân Việt

NATO nói gì về các cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng của Ukraine để gia nhập Nga?

Phương Đăng (theo AA) 23/09/2022 16:15 GMT+7
Liên minh quân sự NATO đã lên án những nỗ lực của Nga để sáp nhập các khu vực ở Ukraine đồng thời kêu gọi Moscow chấm dứt chiến tranh trong bối cảnh 2 tỉnh vùng Donbass, tỉnh Zaporozhe và Kherson hôm nay bắt đầu bỏ phiếu trưng cầu dân ý gia nhập Nga.
NATO lên án các cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập Nga ở Ukraine, kêu gọi chấm dứt chiến tranh - Ảnh 1.

4 khu vực ở Ukraine hôm nay 23/9 bắt đầu tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga. Ảnh AA

Theo hãng tin AA, NATO cáo buộc các cuộc trưng cầu dân ý do các chính quyền địa phương được Nga hậu thuẫn tổ chức tại các khu vực của Ukraine là “giả mạo" đồng thời nhấn mạnh sẽ không công nhận hành vi “sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp” này.

Trong một tuyên bố, cơ quan ra quyết định cao nhất của NATO, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, đã lên án ở mức độ "mạnh mẽ nhất có thể” về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập Nga ở 4 khu vực của Ukraine.

Theo Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, các cuộc trưng cầu dân ý tại các khu vực Donetsk, Lugansk (2 tỉnh hình thành nên vùng Donbass), Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine "không có tính hợp pháp và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc". Các khu vực trên đang bắt đầu tổ chức bỏ phiếu về việc gia nhập Nga từ ngày 23 đến ngày 27/9.

Trước đó, các đồng minh NATO đã bác bỏ việc công nhận kết quả bỏ phiếu và “sự sáp nhập bất hợp pháp" lãnh thổ Ukraine và kêu gọi các nước khác cũng “bác bỏ những nỗ lực của Nga để sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Các cuộc trưng cầu dân ý cũng đã bị các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Liên minh châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) lên án.

OSCE, cơ quan giám sát các cuộc bầu cử cho biết, kết quả trưng cầu dân ý sẽ không có lực lượng pháp lý vì chúng không tuân thủ luật pháp Ukraine hoặc các tiêu chuẩn quốc tế và các khu vực không an toàn. Cuộc trưng cầu dân ý không có các nhà quan sát độc lập tham gia và phần lớn người dân sống trong khu vực đã di tản trước và trong suốt chiến tranh.

Ngoài ra, NATO cam kết ủng hộ độc lập và chủ quyền của Ukraine đồng thời hứa sẽ hỗ trợ Kiev về mặt chính trị lẫn vật chất.

Thúc giục Nga chấm dứt xung đột bắt đầu vào cuối tháng 2, NATO gọi việc huy động một phần của Moscow là “sự leo thang hơn nữa cuộc chiến chống lại Ukraine” và bác bỏ “luận điệu hạt nhân vô trách nhiệm” của Moscow.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/9 đã thông báo lệnh "động viên một phần" ở Nga, động viên 300.000 quân dự bị nhập ngũ và có khả năng được triển khai tới Ukraine. Ông cũng thề sẽ sử dụng "mọi phương tiện", bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga trong trường hợp bị đe dọa.