Dân Việt

Ký ức Hà Nội: Nhớ dáng mẹ hao gầy, in bước chân trên phố xá Hà Nội

Nguyễn Thắm 25/09/2022 20:38 GMT+7
Hà Nội in dấu chân của mẹ, những nhọc nhằn của bố. Mẹ gầy hao trong tấm áo phong sương rong ruổi khắp đường phố xa hoa thênh thang lộng gió.

Sau bao năm xa cách, cơ duyên tham gia lớp tập huấn công tác Mặt trận đã giúp tôi có cơ hội từ Sài Gòn trở lại Thủ đô yêu dấu vào một chiều mùa thu thật đẹp. Nơi ấy in dấu những kỷ niệm vui buồn trong quá khứ mà bấy lâu nay trong cuộc sống tất bật, bộn bề đã khiến tôi chôn chặt ở miền ký ức sâu thẳm nào đó trong lòng mình. 

Để hôm nay, khi một mình thong dong phiêu lãng trên con đường thênh thang, ngắm bầu trời vào thu trong vắt hiền hoà, mây bàng bạc bay ngang đầu, chiếc lá vàng nhuốm màu thu sang sẽ sàng xoay mình trong gió heo may, bao kỷ niệm xưa cũ lại ùa về. 

Ôi! thời thanh xuân tươi đẹp tôi đã đi qua, nhưng song song đó chính là nỗi nhọc nhằn mưu sinh của mẹ.

Hà Nội - nơi ấy chính là khởi nguồn của những ước mơ, hoài bão đến những chân trời mới, đến tương lai nhiều gam màu sắc tươi sáng hơn của một con bé mới lớn đậm chất quê mùa. 

Nơi ấy in dấu chân của mẹ, những nhọc nhằn của bố. Mẹ gầy hao trong tấm áo phong sương rong ruổi khắp đường phố xa hoa thênh thang lộng gió, đến những con hẻm sâu hut hút, xanh xao của những người lao động nghèo.

Ký ức Hà Nội: Vấn vương tơ lòng khi nghĩ Thủ Đô - Ảnh 1.

Tác giả trong một lần công tác tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thắm.

Giọng mẹ trầm ấm ngân nga rao hàng rong từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm tàn khi phố xá đã trở lại cảnh yên bình, nghỉ ngơi trong ánh đèn khuya hiu hắt.

Thân mẹ gầy liêu xiêu, gánh hàng nặng trĩu trên đôi vai nặng nhọc đi qua những cơn mưa mùa hè chợt đến và chợt đi vội vã. Quang gánh đã mòn theo năm tháng, lúc nào cũng kẽo kẹt trong đêm đông lạnh đến thấu sương. 

Đôi chân mẹ phát cước trong đôi dép tổ ong màu xanh đã bạc thếch màu theo thời gian, đế dẹp đã mòn, khi dấu chân mẹ đã in hằn trên biết bao con phố Hà Nội thân thương.

Tôi lang thang một mình trên những con phố Khâm Thiêm chiều nay để tìm lại chút dư vị của ngày xưa cũ. Tuy dòng thời gian đã khiến cho những con đường ấy khoác lên mình một diện mạo mới, nhưng tôi vẫn thấy thân thương, thân thuộc đến lạ. Tôi như tìm lại được cố nhân trong lòng mình trong miền ký ức sâu thẳm mà cứ ngỡ như đã lạc mất nhau từ lâu. 

Giờ đây đâu rồi hàng cây bàng cổ thụ vượt dòng thời gian đứng ngạo nghễ, vươn mình lên cao với những tán lá đan xen vào nhau toả ra bóng mát tươi xanh. Còn đâu dấu xưa oai hùng một thời rực rỡ. 

Nước mắt tôi nhoè theo bóng lưng người phụ nữ đang thắp hương ngào ngạt dưới gốc bàng mồ côi đang côi cút trong làn gió heo may. 

Tôi còn nhớ như in chuyến đi đầu tiên rời lũy tre làng của con bé đen nhẻm đen nhèm, nhuốm màu mưa nắng trên cánh đồng quê lần đầu được ra phố. Đối với tất cả những đứa trẻ ở quê, được ra thủ đô- đó sự kiện vô cùng trọng đại. Thời ấy, làm gì có chuyến xe lịch sự như bây giờ. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến từ Nam Định lên Hà Nội. 

Người nhà quê mỗi khi ra phố lúc nào xách theo lỉnh kỉng những món đồ đậm chất quê, từ bó rau khoai lang, con cá riếc đồng đã được phơi khô cẩn thận, đến những con gà mái bị chói chân kêu quang quác trong cái lồng tre, con chó ăng ẳng ăn vạ phản đối chủ khi bắt nó ở trong cái làn chật chội. 

Xuống bến xe Mỹ Đình, mẹ con tôi đều lơ ngơ trước sự vồn vã, xô bồ, chen chúc nhau ở bến xe thị thành. Mẹ tôi thở dài bảo, người nhà quê bất đắc dĩ lên thành phố bởi hai lý do chính: "một là lên phố để mưu sinh, bươn chải vì gia đình, hai là lên phố vì bệnh nặng cần phải chữa trị". 

Thật vậy, ở bên xe dễ bắt gặp những hình ảnh những người lao động nghèo lam lũ, với những chiếc túi du lịch cũ mèn đã sứt chỉ, người ta xách nó một cách siêu vẹo như muốn đổ về một bên. Có những cụ già, những người bệnh nặng di chuyển khó nhọc, khuân mặt của người thân đi theo cũng bơ phờ vì say xe.

Lần thứ hai tôi trở lại Hà Nội cũng chính là lần đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình.Tôi đi thi đại học. Mẹ tôi quyết tâm đưa tôi đi thi và đánh cược một lần với số phận. Lần này mẹ con tôi đi ra Hà Nội không còn lơ ngơ như lần đầu. Một cảm giác thân thuộc, thân quen, tưởng chừng như phố mở rộng lòng mình ra để chào đón mẹ con tôi trở lại. 

Mùa hè năm ấy, phượng nở rực một góc phố, như ngọn lửa tiếp lên niềm đam mê cháy bỏng cho các sỹ tử đến từ vùng quê nghèo, ở những tỉnh lẻ khắp vùng đồng bằng sông Hồng, cả miền núi phía bắc, và thật ngưỡng mộ các ông bố, bà mẹ của miền Trung đầy nắng và gió, đã vượt hàng ngàn cây số để cùng con đi thi với mong muốn cuộc đời sau này của con sẽ bớt đi những nhọc nhằn.

Hà Nội trong tôi là những kỷ niệm không phai mờ hình ảnh của mẹ. Đâu chỉ là mẹ tôi mà biết bao ông bố, bà mẹ của những sỹ tử khác, ngồi kiên định dưới cái năng chang chang, hồi hộp chờ đợi con trong phòng thi, vừa ngồi đợi vừa cầu nguyện cho con mình thi suôn sẻ, ánh mắt chỉ hướng về một phía cổng phòng thi. 

Ký ức Hà Nội: Vấn vương tơ lòng khi nghĩ Thủ Đô - Ảnh 3.

Các tuyến phố Hà Nội phủ bóng cây xanh. Ảnh: Nguyễn Thắm.

Dù áo của mẹ, của bố có thẫm đẫm mồ hôi nào có hề gì, chỉ cần nhìn thấy con đi ra khuôn mặt rạng rỡ là vui rồi. Lúc tôi bước ra khỏi phòng thi, thấy khuôn mẹ bừng bừng như say nắng, chiếc áo của mẹ đã ướt sũng vì mồ hôi, mẹ tôi vẫn cười rạng rỡ chạy lại gần lấy chiếc khăn mùi xoa lau khuôn mặt cho con. Lúc đó tôi đã rưng rưng khóc vì thương mẹ vô ngần.

Ngày tôi khăn gói rời quê lên thành phố để học, cũng là ngày mẹ tôi tạm chia tay với cánh đồng lúa mênh mang thân thuộc, bãi nương với đủ những luống rau xanh mướt ở bờ đê, những chuyến chợ huyện vào sớm mai cùng các bà, các dì. 

Mẹ dặn bố và các chị kỹ lưỡng rồi cùng tôi khăn gói ra Thủ đô và hoà nhịp với cuộc sống mưu sinh trong chốn thị thành lao xao với gánh hàng rong ruổi khắp muôn nơi. Bốn năm tôi sống ở thành phố này, cũng là bốn năm mẹ tôi bươn chải vất vả với phố xá thênh thang, nhưng đôi khi lòng người chật hẹp.

Hà Nội, đâu khó để bắt gặp hình ảnh ông bố, bà mẹ nghèo ở những tỉnh lẻ cố gắng bám trụ thành phố này, phơi mình trong cái nắng gắt gao của những mùa hè oi ả, tắm mình trong những cơn mưa dông mịt mùng vào những mùa đông lạnh giá trên những toà nhà cao trọc trời, để đổi lấy những đồng tiền dày cộm những mồ hôi và nước mắt nuôi con ăn học thành người.

Rồi ngày tháng trôi về xưa cũ, những ngày sống ở Hà Nội đã là dĩ vãng xa xôi. Nhưng hành trang tôi mang theo luôn có dấu vết của ký ức tươi đẹp gắn với thành phố này. Nơi tôi đã dành tình yêu thương bất tận, nơi ấy là tuổi trẻ là thanh xuân, nơi ấy là một thời gian mẹ tôi nhọc nhằn mưu sinh vì tôi. 

Tôi yêu Hà Nội và trân trọng quãng thời gian ấy…mỗi lần trái gió trở trời, vai mẹ đau, chân mẹ mỏi…mẹ lại nhớ về một thời gắn bó với phố xá đông vui.

Bài viết Nhớ dáng mẹ hao gầy, in bước chân trên phố xá Hà Nội dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.