Thời sinh viên, tôi ở trọ trong khu tập thể quân đội thuộc phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Gần chỗ tôi trọ có một chợ nhỏ, chỉ cần đi bộ khoảng trăm bước là tới.
Tôi thích mua đồ ở chợ này vì nó có đủ mặt hàng mà tôi cần, lại rất hợp túi tiền sinh viên. Đặc biệt, tôi thích hai quán ăn nhỏ trong chợ, hai quán này đều bán đồ ăn sáng gồm các loại xôi và chè, cháo trai. Món ăn ở hai quán này rất hợp khẩu vị tôi, chè thì ngọt vừa phải, cháo thì không mặn. Và như không hẹn mà gặp, hai người chủ quán đều có giọng nói rất nhẹ nhàng, giọng nói của người Hà Nội gốc.
Tôi nhận ra rằng, những người bán hàng nào "lọt mắt xanh" của tôi thi đều là những người xởi lởi, không ép khách mua thêm, cũng không bán cho tròn tiền. Hai người chủ quán này cũng vậy, thậm chí có lần tôi ăn chè rồi mua thêm xôi vò mang về (mua hộ bạn cùng xóm trọ), cô bán hàng còn can tôi sợ tôi bị no bụng.
Tôi ở trọ được hai năm, chủ nhà trọ không cho thuê trọ nữa mà chuyển sang xây nhà riêng, tôi và mấy bạn cùng nhà trọ phải chuyển đến trọ ở xóm Giữa, cũng ở phường Mai Dịch. Chỗ này xa chợ hơn, nên tôi phải đi chợ bằng xe đạp. Thật tình cờ, một hôm tôi đi ra ngoài ngõ thì nhìn thấy một cô trông quen quen đang quẩy đôi quang gánh đi về phía chợ, thì ra chính là một trong hai cô bán chè mà tôi rất "kết". Hóa ra nhà cô cũng ở gần nhà trọ mới của tôi, chỉ cách có vài nhà.
Trước đây, nhìn cô thì tôi cũng biết là cô khá vất vả. Thân hình cô mảnh mai, mấy năm ăn chè của cô, tôi thấy cô vẫn gầy gầy như vậy, mặt thường vương nét buồn. Bây giờ là "hàng xóm" của cô, tôi mới biết là, nhìn quán của cô nho nhỏ vậy thôi, chứ cô khá bận. Buổi sáng cô ra chợ bán hàng, còn buổi chiều và buổi sáng sớm là cô ở nhà chuẩn bị hàng để mang ra chợ bán.
Rồi tôi cũng hiểu ra tại sao mặt cô hay buồn buồn như vậy. Hồi mới chuyển đến chỗ mới này, đám sinh viên chúng tôi thường bị thức giấc lúc buổi trưa chợp mắt cũng như lúc sáng sớm, hoặc bất kể lúc nào trong ngày bởi tiếng quát hét của một người đàn ông mà tôi nghe giọng thì đoán là cỡ tuổi trung niên. Tôi cố nghe xem câu chuyện như nào nhưng không đoán được.
Về sau, các bạn thành viên cũ của nhà trọ mới giải thích là "ông ấy là thương binh, bị bệnh ở não, nên cứ hay chửi bới như vậy dù vợ, con chẳng có lỗi gì". Một bạn nam trong xóm trọ còn rất hay bị "ông thương binh" chỉ tay vào mặt chửi, có lẽ mặt bạn ấy giống với một người nào đó mà ông không ưa hồi xưa.
Thật buồn là, "ông thương binh" ấy chính là chồng của cô bán chè mà hôm trước tôi nhìn thấy ngoài ngõ. Giữa những tiếng chửi của ông, tôi thấy cô cũng chỉ lên tiếng là "Ông có thôi đi không, tôi khổ quá rồi". Cũng có lúc chú ấy thôi, có lúc chú ấy chửi thêm, thậm chí còn quăng bát đĩa. Rồi cũng không nghe chú chửi nữa, chắc cơn đau đầu qua rồi.
Biết chuyện của cô, tôi vẫn thích ăn xôi, chè của cô, và càng thấy món ăn của cô đáng quý hơn. Cô đã phải vượt lên vất vả của cuộc sống để bán hàng, nuôi hai người con ăn học và chăm sóc ông chồng thương binh. Vậy mà giọng nói của cô luôn nhẹ nhàng, từ tốn. Nhìn đôi tay cô thoăn thoắt đơm xôi, múc chè cho khách mà tôi thấy càng cảm phục cô hơn.
Sau này, tôi chuyển nhà trọ đến phường Quan Hoa ở gần chục năm, cũng ở quận Cầu Giấy nhưng xa cái chợ ấy cả mấy cây số, lại ngược đường, nên tôi không được ăn chè, xôi ở quán yêu thích đó nữa. Gần hai năm trước chuyển chỗ ở vào Nam, tôi tiếc là đã không quay lại chợ ấy trước khi chia tay Hà Nội để xem cô bán xôi, chè còn bán hàng không, để lại có dịp thong thả ngồi ăn xôi, chè như hồi sinh viên nhàn nhã thuở xa xưa.
Giờ đây, ngồi nhớ lại chuyện về cô xôi chè mà tự dưng nước mắt tôi cứ chảy ra trong tiếng mưa không dứt của cơn mưa thường lệ vào buổi chiều tối trong mùa mưa của miền Nam. Tôi cũng thật lạ nhỉ, xa Hà Nội, nhớ Hà Nội, nhưng ấn tượng nhất lại là cô xôi chè người Hà Nội gốc với giọng nói nhẹ nhàng, thanh lịch "chẳng thơm cũng thể hoa nhài…".
Bài viết Cảm động câu chuyện cô bán xôi chè vỉa hè Hà Nội dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.