Ký ức Hà Nội: Cảm xúc đặc biệt trong lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình

Minh Tuệ (Bắc Ninh) Thứ sáu, ngày 23/09/2022 11:18 AM (GMT+7)
Hà Nội không còn nhiều di tích lịch sử cổ kính do chiến tranh tàn phá, tuy nhiên có những đặc sản du lịch rất hiếm và không thể tìm thấy ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam ta. Thứ mà tôi muốn nói đó là lễ chào cờ ở Quảng trường Ba Đình, nơi có Lăng Bác Hồ kính yêu.
Bình luận 0

Tôi có cô bạn ở Huế, cứ mong ước một lần được ra Hà Nội để thăm quan nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm" mà chưa thực hiện được. Đặc biệt cô ấy muốn được mục sở thị lễ kéo cờ và hạ cờ thiêng liêng mà bản thân mới chỉ được xem qua mạng do người dân chia sẻ. 

Khi tôi kể rằng cảm thấy rất xúc động khi đứng trước nghi lễ trang nghiêm này thì bạn tôi cũng đồng cảm và thích thú. 

Đó là một lễ chào cờ mà những người có mặt trực tiếp đều cảm nhận được niềm tự hào và thiêng liêng. Dường như mỗi chúng ta càng thêm yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào mình hơn khi đứng trước nghi lễ đặc biệt này. 

Ký ức Hà Nội: Cảm xúc đặc biệt trước lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình - Ảnh 1.

Đội tiêu binh diễu hành qua Lăng Bác chuẩn bị thực hiện lễ thượng cờ. Ảnh: Hoàng Thành.

Ngày hai buổi sáng và tối, những chiến sỹ trong bộ lễ phục màu trắng lại duyệt binh trong bản nhạc quen thuộc của khúc ca: Tiến bước dưới quân kỳ và Bác đang cùng chúng cháu hành quân. 

Lúc đó, trong không khí đặc biệt ấy, chúng ta nhớ về Bác, nhớ về một thời chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước oai hùng. 

Buổi tối hàng ngày, lúc 21 giờ cũng là nghi thức như thế để kết thúc một ngày – một ngày hòa bình để chúng ta trân trọng hơn những gì đang có ngày hôm nay. Thời gian này là lúc người dân đi bộ và tập thể dục khá đông ở khu vực quảng trường, nhiều du khách cũng dạo chơi ở đây sau một ngày đi khắp 36 phố phường của Thủ đô. 

Cứ thành một thói quen mà không ai bảo ai, khi tiếng nhạc cất lên, những bước chân duyệt binh từ bên trong đi ra tiến về cột cờ thì mọi người lại dừng bước. Họ đứng nghiêm trang như tưởng nhớ về vị lãnh tụ vĩ đại, tưởng nhớ về những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho màu cờ đỏ thắm. 

Có những người đang đi trên đường Hoàng Văn Thụ cũng lái xe chậm lại để cảm nhận một phần của "hồn thiêng sông núi". Một số người lái xe máy còn dừng lại bên lề đường và hướng về cột cờ trong vài phút để chào Quốc kỳ. Dường như tâm hồn mỗi người trở nên tĩnh tại hơn sau một ngày xô bồ với cuộc sống.

Nếu đến Hà Nội vào mùa thu và đi dạo ở Quảng trường Ba Đình rồi xem lễ thượng cờ trong buổi sớm mát mẻ thì rất tuyệt. Không khí ở đây rất trong lành với mùi hoa sữa và cỏ ngọt thoảng hương thơm nhè nhẹ. Xong rồi mọi người có thể tỏa ra đi vào Lăng viếng Bác hoặc đến các điểm di tích ở gần xung quanh đó.

Ký ức Hà Nội: Cảm xúc đặc biệt trước lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình - Ảnh 3.

Đội hình thực hiện lễ thượng cờ gồm 37 đồng chí. Dẫn đầu là Quân kỳ quyết thắng, sau đó là 34 đồng chí tiêu binh tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Hoàng Thành.

Khi tôi đi vào miền Trung và khu vực Nam Trung Bộ, tôi hay hỏi những người dân địa phương thì được biết là nhiều người mong ước được ra Hà Nội và vào Lăng viếng Bác. Trẻ em và người già là thích nhất vì trong suy nghĩ của họ thì Hà Nội là miền đất tươi đẹp. 

Lúc đó tôi chỉ ước sao người dân ở những nơi xa xôi có thêm nhiều tiền, có nhiều điều kiện để vượt một quãng đường dài ra thăm Thủ đô. Tôi đoán là họ cũng sẽ tràn ngập sung sướng và tự hào khi được đứng giữa Quảng trường Ba Đình và chứng kiến lễ chào cờ ấn tượng này.

Hà Nội cứ như thế, có những điều rất nhẹ nhàng mà sâu lắng, bình dị mà lại thiết tha. Phải ở trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng như nghi lễ chào cờ ở quảng trường Ba Đình mới cảm nhận hết những xúc cảm đặc biệt ấy.

Bài viết Cảm xúc đặc biệt trước lễ chào cờ ở Quảng trường Ba Đình dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem