Sáng 26/9, UBND tỉnh Bình Định vừa tiếp tục có công điện yêu cầu tăng cường tập trung ứng phó bão. Cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông (và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm 2022), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17.
Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26/ 9 bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông, chiều tối 27/9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trong đó có tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, từ ngày 27-28/9, ở khu vực Bình Định có mưa to đến rất to và dông.
Tổng lượng mưa phổ biến ở các huyện (An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, thị xã Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vân Canh) từ 150-300mm, có nơi trên 350mm; các huyện (Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn) từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Tỉnh Bình Định yêu cầu rà soát và triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, kích hoạt phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tránh va đập làm chìm, hư hỏng tại các bến neo đậu, tránh trú. Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, chằng buộc, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn cho người và thu hoạch sớm nhằm giảm thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.
Hướng dẫn cho tàu vận tải biển đang neo đậu tại cảng Quy Nhơn và đi qua khu vực Bình Định khẩn trương di duyển vào vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên để tránh trú bão.
Đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch ở khu vực ven biển, nhất là thành phố Quy Nhơn, các xã ven biển và đảo. Kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các tuyến đường ven biển, cầu Thị Nại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Rà soát phương án sơ tán dân, triển khai sơ tán dân theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, ưu tiên sơ tán tại chỗ đến các nhà kiên cố trong khu vực và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế, bảo đảm an ninh tại các nơi sơ tán đến. Không để cho người dân ở lại trong các nhà đơn sơ, thiếu kiên cố.
Hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng... và các công trình công cộng. Đặc biệt lưu ý đối với công trình cột, tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng, các khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, khu dân cư, thoát nước chống ngập úng đô thị.
Ngoài ra, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo để cấm các phương tiện giao thông đường bộ và người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ. Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các đoạn nước tràn qua đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn xảy ra, lực lượng xung kích phải có mặt tại các nơi xung yếu, bố trí phương tiện, vật tư để ứng phó các sự cố.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng.
Rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng, ngập lụt, chia cắt và các khu vực người dân sống ven núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, để sẵn sàng triển khai thực hiện.