Chiều ngày 26/9, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã lần đầu tiên tổ chức Hội thảo Nông dân với khoa học công nghệ chủ đề "Giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp". Tham dự hội thảo có sự góp mặt của đại diện người dân, nhà khoa học, Hội Nông dân các huyện, thành phố của Lâm Đồng và các cơ quan liên quan.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, KHCN đã tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp giúp tạo ra nguyên liệu, sản phẩm có giá trị gia tăng với chi phí thấp hơn. Đồng thời, KHCN giúp cải tiến, tối ưu hóa trong sản xuất, kinh doanh. Công nghệ cũng giải phóng sức lao động, thay thế sức người bằng máy móc, thiết bị, thay đổi quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian làm việc và nâng cao năng suất lao động.
"Thông qua hội thảo, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng rất mong nhận được những ý kiến, trao đổi, đưa ra các giải pháp từ các góc nhìn khác nhau mang tính đột phá và khả thi từ quý vị đại biểu để hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới đạt kết quả cao hơn", bà Nguyễn Thị Tường Vi cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Minh Ngọc – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp thông minh được ngành Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện thời gian qua.
Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt được chọn lọc, lai tạo đưa vào nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Các dự án xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như nhân giống in vitro, công nghệ giống mới, nhà kính, IoT, bảo quản và chế biến sản phẩm, cơ giới hóa... đã được chuyển giao ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, góp phần đưa doanh thu bình quân trên đơn vị diện tích toàn tỉnh năm 2021 đạt 201 triệu đồng/ha. Trong đó doanh thu trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân 430 triệu đồng/ha".
Được biết, hiện nay tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 64 ngàn hecta nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 540 hecta ứng dụng công nghệ thông minh. Một bộ phận nông dân Lâm Đồng đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại trong tổ chức sản xuất, quản lý trang trại, truy xuất nguồn gốc điện tử, ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại sản phẩm, trong vận chuyển, bảo quản nông sản, đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử… qua đó đã giúp nâng cao giá trị nông sản so với sản xuất thông thường.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trần Xuân Tình - Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường Cao Đẳng Nghề Đà Lạt nhận định: "Nền nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp với hình thức chuyên môn hóa cao. Do đó, nguồn nhân lực cũng phải được đào tạo theo hướng chuyên môn hóa theo nội dung công việc cụ thể chứ không đào tạo chung chung.
Chính vì vậy, trong năm học 2017 – 2018; 2018- 2019 Khoa đã đào tạo thành công lớp công nghệ sinh học thí điểm chương trình quốc tế theo chương trình mục tiêu với 18 sinh viên tốt nghiệp có bằng Anh văn B1 Châu Âu và được cấp bằng của học viện Chisholm Autralia đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế và đào tạo theo hướng nguồn nhân lực có chất lượng".
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tường Vi, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn do trình độ của không ít nông dân còn hạn chế. Thời gian của hội viên nông dân bị bó hẹp vì phải lao động sản xuất tại ruộng vườn nên chưa dành thời gian nghiên cứu và chủ động đầu vào thiết bị, vật tư công nghệ cao.
Bên cạnh đó quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên khó để triển khai áp dụng KHCN vào sản xuất, việc ứng dụng, chuyển giao KHCN ở một số địa phương chưa theo kịp yêu cầu thực tế sản xuất... Đặc biệt, đa số người tiêu dùng chưa có thói quen lựa chọn mua nông sản an toàn, chất lượng cao nên nhiều nông dân chưa dám mạnh mẽ đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất...