Bốc cá "chạy" bão
Ghi nhận của PV Dân Việt vào sáng sớm 27/9, các tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn xếp hàng tại các cầu cảng của âu thuyền Thọ Quang để chờ bốc cá, bán vội "chạy" bão.
Nhiều tàu cá khi quay về âu thuyền muộn đã phải neo đậu ngoài vịnh Đà Nẵng, đang chờ vào bên trong.
Từ dưới hầm cá leo lên khoang tàu, ngư dân Nguyễn Ngọc Phụng (trú Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết tàu cá của anh vừa cập bờ sau chưa đầy 1 tuần vì bão Noru.
"Theo lịch, tàu sẽ đánh bắt khoảng 15-20 ngày mới quay về bờ, chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt. Thế nhưng nay chúng tôi phải vào bờ sớm để tránh bão", anh Phụng nói.
Theo ngư dân này, việc "chạy" bão của hơn chục thuyền viên trên tàu anh khá vất vả.
"Chúng tôi cập âu thuyền Thọ Quang vào chiều muộn nên phải bốc cá xuyên đêm bán cho thương lái, phải thuê thêm nhiều nhân công bên ngoài vào bốc cá dưới hầm lên mới kịp", anh Phụng nói.
Cũng theo ngư dân Phụng, sau khi bán cá xong, các ngư dân sẽ lên bờ tránh trú bão. Lực lượng chức năng cũng đã vận động và bố trí sẵn chỗ ở. Cũng có ngư dân quê Quảng Ngãi dự tính đón xe về quê vào trưa 27/9.
"Chúng tôi cố gắng bán hết số cá để thu hồi chi phí xăng dầu. Chờ xong bão lại tiếp tục chuyến vươn khơi còn dang dở", anh Phụng nói thêm.
Mướt mồ hôi sau khi bốc xong gần 3 tấn cá, ngư dân Hoàng Văn Hòa (62 tuổi, trú tỉnh Bình Định) vui mừng vì sau 3 tiếng đồng hồ, lượng cá được bốc lên đã bán hết cho các tiểu thương.
"Tàu chúng tôi may mắn đã ra khơi hơn chục ngày, cá cũng gần đầy hầm đông lạnh nên anh em ráng bốc bán cho hết. Nói chung cũng có vài đồng tiền lời… Còn nhiều tàu khác phải quay về sớm nên hao tổn chi phí xăng dầu. Gặp bão thì phải quay về. Tính mạng con người là quan trọng nhất", ông Hòa nói.
Không thể chủ quan trước bão dữ
Trong sáng 27/9, thời tiết tại Đà Nẵng tạnh ráo, tranh thủ trước giờ đón bão, nhiều ngư dân kiểm tra, gia cố lại tàu cá để tránh hư hại "kế sinh nhai".
Ngư dân Trần Em (61 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà,) cùng con trai liên tục nhiều giờ liền chuẩn bị nhiều vật dụng gia cố chiếc tàu cá, vì đây là tài sản lớn nhất của gia đình.
Tàu cá của gia đình ông Em có 6 ngư dân cùng ra khơi ngày 19/9, đến chiều tối 26/9 thì quay về âu thuyền Thọ Quang. Sau khi đã bốc bán xong cá tôm đánh bắt được, ông Em cùng gia đình thường xuyên ra vào kiểm tra, chằng chống tàu.
"Việc neo dây của tàu rất quan trọng, lúc bão đổ bộ âu thuyền nổi sóng có khả năng đánh đứt dây neo, tàu trôi tự do và bị chìm ngay, vô tình gây hư hại cho các tàu neo đậu lân cận. Nghe thông báo bão mạnh lắm nên con trai tôi đi mua thêm lốp xe để gia cố mạn tàu, tránh va đập. Chịu cực khổ một tí nhưng bảo vệ được tài sản lớn của gia đình", ông Em nói.
Có kinh nghiệm hàng chục năm bám biển, những ngư dân như ông Em chi rằng, không thể chủ quan trước bão dữ, nếu cứ cố đánh bắt thu hồi vốn thì cái giá phải trả là mạng sống.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng, có hơn 800 tàu cá néo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kiên quyết không cho người ở lại trên các tàu cá bắt đầu từ 20h ngày 27/9, trường hợp cần thiết tổ chức cưỡng chế.