Từng vất vả đi buôn bằng xe đạp, chị nông dân ở Yên Bái trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc
Tại xưởng chế biến quế của gia đình chị Trần Thị Huân (thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), hàng hóa chất đầy kho, công nhân làm luôn tay, ngoài cửa bà con bán lẻ liên tục chở hàng đến. Chị Huân cùng chồng không ngơi chân ngơi tay, vừa cân hàng vừa hướng dẫn công nhân lựa chọn, sắp xếp hàng hóa.
Chị Huân chia sẻ, trước kia vợ chồng chị rất nghèo, trồng chè nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Thấy cây quế có giá trị cao nên 2 vợ chồng chị quyết định trồng quế. Ban đầu, để lấy ngắn nuôi dài, anh chị trồng quế xen canh sắn cho đến khi cây quế khép tán.
Sau 25 năm trồng, đến nay gia đình chị Huân có khoảng 4ha quế đang cho thu hoạch, đáp ứng một phần nguyên liệu cho xưởng của gia đình.
Theo chị Huân, ban đầu, chị phải đi xe đạp đến từng ngõ, từng thôn để thu mua quế. Nhiều khi phải đi thu mua và mang bán ở những nơi cách xa đến 20km. Sau này khấm khá hơn, chị chuyển sang thu mua bằng xe máy.
"Sau mua xe ô tô, gia đình tôi chuyển sang thu mua số lượng nhiều hơn. Ban đầu có 1 ô tô, đến nay đã có 4 ô tô để chuyên chở, thu mua quế cho người dân, thu mua hết cho người dân từ nhỏ lẻ và mua lại từ các đại lý lớn," chị Huân kể.
Nhờ thu nhập từ cây quế, đến nay gia đình chị Huân đã xây dựng được 2 xưởng sản xuất, chế biến quế, mua sắm được nhiều trang thiết bị máy móc và 4 ô tô tải lớn để vận chuyển hàng hóa. Cũng từ nguồn thu nhập ấy, gia đình chị Huân xây được ngôi nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng.
Bình quân mỗi tháng, gia đình chị Huân sản xuất, chế biến khoảng 100 tấn từ vỏ cành quế các loại. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm.
Không chỉ thu mua quế, chị Huân còn tận dụng thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển mô hình chế biến các sản phẩm từ cây quế. Mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như máy băm cành, máy đập cành quế, máy thái cành quế... Các sản phẩm sản xuất đều đạt tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước.
Từ sự cố gắng, dám nghĩ, dám làm khi mạnh dạn đầu tư sản xuất theo quy mô lớn, tìm kiếm và nắm bắt cơ hội về thị trường để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, đến nay, gia đình chị Huân đã vươn lên làm giàu.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, chị Huân còn tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và các lao động địa phương, với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, chị Huân còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư như: Ủng hộ trên 10 triệu đồng vào xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, góp sức và phương tiện ô tô của gia đình tham gia hỗ trợ làm đường và tuyến điện chiếu sáng của khu dân cư.
Bà Đỗ Thị Sen (trú tại thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Tôi làm tại cơ sở của cô Huân lâu rồi, 3, 4 năm nay rồi năm nào cũng làm. Cô Huân mở công ty ra tạo công ăn việc làm cho bà con chúng tôi có thêm việc làm. Lương tháng đạt 6 triệu nếu đi làm đều, hai vợ chồng chị Huân sống rất có uy tín với bà con nông dân."
Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh cho biết: "Hội viên Trần Thị Huân trong những năm qua luôn nêu gương, đi đầu trong các phong trào thi đua cho các hội viên khác noi theo. Bên cạnh đó, chị Huân còn tạo công ăn, việc làm cho hội viên trên địa bàn xã, giúp các hội viên có thêm thu nhập và kiến thức. Với những kết quả đạt được, hội viên Trần Thị Huân xứng đáng là hội viên nông dân xuất sắc."
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Chu Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết, trong những năm qua, phong trào phát triển kinh tế được người dân nhiệt tình tham gia. Trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đã có nhiều mô hình, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho hội viên hội nông dân và lao động tại địa phương.
"Tiêu biểu trong các hội viên nông dân của xã có chị Huân là hội viên tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền sẽ tiếp tục quan tâm, khuyến khích để các mô hình phát triển," Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết thêm.