Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Lào Cai là tỷ phú trồng đào cảnh, đào thế bán Tết
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Lào Cai là tỷ phú trồng thứ cây cảnh báo hiệu mùa xuân tới
Thanh Ngân-Phạm Hoài
Thứ bảy, ngày 24/09/2022 18:45 PM (GMT+7)
Dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong nghề trồng cây đào thế, đào cảnh báo hiệu mùa xuân tới đã đưa người nông dân Trần Xuân Hoàn, ở thôn Thái Vô (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai phất lên thành tỷ phú. Ông được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Bén duyên với trồng đào cảnh ông Trần Xuân Hoàn đến từ thôn Thái Vô, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Người mà chúng tôi nhắc đến là ông Trần Xuân Hoàn, ở thôn Thái Vô (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Thứ cây mà ông Hoàn trồng là đào cảnh. Ông Hoàn phất lên thành tỷ phú cũng nhờ trồng loại cây cảnh được nhiều người ưa thích này.
"Bén duyên" với đào cảnh trên đất Lào Cai nhờ… chó cắn
Qua câu chuyện với ông Hoàn, được biết: Ông Hoàn là một trong những người đầu tiên trồng đào cảnh ở tỉnh Lào Cai. Trước khi "bén duyên" với cây đào cảnh, gia đình ông Hoàn chủ yếu trồng lúa, ngô và làm nương mía trên đồi. Thời bấy giờ, cuộc sống của gia đình ông khá khó khăn.
Trồng lúa, ngô, mía quần quật quanh năm suốt tháng mà kinh tế gia đình ông mãi không khấm khá lên được. Ông Hoàn nhiều đêm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Câu chuyện ông Hoàn "bén duyên" với cây đào cảnh cũng khá tình cờ.
"Một ngày cuối năm 1997, sau khi bị chó cắn, tôi lên thành phố Lào Cai để tiêm phòng dại. Tình cờ tôi gặp một người đi bán đào cảnh rong ở thành phố Lào Cai. Hỏi ra mới biết, những cây đào cảnh với nhiều hình dáng độc lạ, bắt mắt đó được vận chuyển từ dưới xuôi lên bán. Vẻ đẹp của những cây đào cảnh độc lạ đó đã cuốn hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ý tưởng trồng và kinh doanh đào cảnh trong tôi nảy sinh từ đó" – ông Hoàn nhớ lại.
Nghĩ là làm, sau khi trở về từ thành phố Lào Cai, ông Hoàn bàn với vợ về phát triển kinh tế gia đình từ cây đào cảnh. Được vợ tán thành, ông Hoàn bắt đầu hành trình biến ý tưởng trồng đào cảnh thành hiện thực. Ông vào rừng tìm kiếm và nhổ một số cây đào nhỏ về trồng ở vườn nhà.
"Thời gian đầu trồng và ghép đào cảnh, tôi gặp không ít khó khăn. Ở Lào Cai khi đó chưa có ai làm đào cảnh nên tôi cứ loay hoay, lọ mọ tự tìm cách ghép đào. Năm đầu tôi dùng cả thuốc để ghép đào, song bị hỏng hết. Sang năm thứ 2 tôi ghép tự nhiên, không dùng thuốc, nhiều cây sinh trưởng tốt, song lại không nở hoa. Từ tháng 10 âm lịch đến tết nguyên đán, ngày nào tôi cũng đun nước nóng để tưới đào, nhưng cũng không ăn thua, số cây ra hoa rất ít" – ông Hoàn kể lại.
Nhận thấy giống bích đào cổ địa phương khó chăm sóc, cuối năm 2000, ông Hoàn lên thành phố Lào Cai nhặt những mẩu gẫy từ những cây đào cảnh chuyển từ dưới xuôi lên, về ghép vào những cây đào rừng. Năm 2001, ông Hoàn mới bắt đầu thành công trong việc trồng, ghép đào cảnh. Thời điểm này, trong vườn nhà ông Hoàn mới chỉ có vài chục cây đào cảnh. Bước sang năm 2004, ông Hoàn chuyển hẳn sang trồng, ghép giống đào mới. Đó là bích đào.
Thành tỷ phú nông nghiệp ở Lào Cai từ trồng đào cảnh
Từ chỗ không có chút kiến thức nào về đào cảnh, sau vài năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Hoàn đã hoàn toàn nắm bắt được kỹ thuật trồng, ghép loại cây này. Khi đã "năm nằm lòng" kỹ thuật ghép đào cảnh, ông Hoàn lên huyện Si Ma Cai để mua cây giống về trồng và nhân rộng diện tích. Bên cạnh đó, ông Hoàn tiếp tục mua gom những cây đào rừng về làm nền để ghép với giống đào mới.
Vừa trồng, ghép, chăm sóc vừa bán ra thị trường, cứ có tiền là ông Hoàn lại đầu tư nhân rộng vườn đào của gia đình. Chẳng mấy chốc, diện tích trồng lúa, ngô, mía của gia đình ông trước đây, dần phủ kín màu xanh của đào cảnh.
Khu trồng đào cảnh của gia đình ông Hoàn nằm phía sau nhà. Đó là khu vườn khá rộng, với hàng nghìn cây đào to, nhỏ khác nhau, đang độ sinh trưởng, phát triển tươi tốt. Dưới bàn tay khéo léo của ông Hoàn, hàng nghìn cây đào được chăm sóc, uốn nắn, tạo hình, với nhiều thế độc lạ, bắt mắt. Trong vườn nhà ông Hoàn có không ít những gốc đào to như cột nhà, ai thấy cũng mê.
Chỉ vào những gốc đào to như cột nhà, ông Hoàn vui vẻ cho biết: Tôi mua những gốc đào này của người dân các vùng lân cận, sau đó đưa về trồng và ghép, uốn, tạo hình rồi bán ra thị trường. Với những cây đào to thì sau khi mua về trồng có thể ghép được ngay. Tuy nhiên, vì cây to nên việc ghép, tạo hình đòi hỏi kỳ công hơn. Bù lại khi bán ra thị trường sẽ được giá cao gấp nhiều lần so với cây nhỏ".
Chia sẻ với Dân Việt về kỹ thuật trồng, ghép, chăm sóc đào cảnh, ông Hoàn cho hay: Đầu năm, tôi mua cây giống nhỏ li ti về trồng thành luống và chăm sóc. Đến tháng 11, tôi tiến hành cắt ngọn, sau đó cắt cành ghép từ cây khác để ghép vào cây giống hay còn gọi là cây phôi. Sau khi ghép chừng 1 tháng, tôi đánh ra trồng ở vườn. Kỹ thuật ghép cũng rất đơn giản. Cành ghép được cắt từ cây phát triển khỏe mạnh, không sâu bệnh. Khi ghép chỉ cần dùng giấy bóng bọc lại để giữ nước, hạn chế khô cành. Sau khi ghép cần phải tưới nước thường xuyên để cho cây phát triển nuôi mắt ghép.
Theo ông Hoàn, thời điểm ghép thích hợp nhất là tháng 12 âm lịch. Khi đánh từ luống ra trồng ở vườn cần phải bón lót bằng phân chuồng và thường xuyên tưới nước. Đến khi cây phát triển mạnh thì mới cho chúng "ăn" phân lân và phân đạm. Tùy từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây đào cảnh, mà ông Hoàn có chế độ chăm sóc, bón phân phù hợp. Ngoài cho ăn đủ dinh dưỡng, ông Hoàn còn thường xuyên làm cỏ và cắt tỉa cho cây đào phát triển tốt. Khi phát hiện sâu bệnh hại, ông Hoàn kịp thời phun thuốc diệt trừ, không để sâu bệnh lan ra diện rộng.
"Việc chăm sóc đào cảnh đòi hỏi phải tỉ mỉ, nhất là đối với cây phôi trồng năm đầu tiên. Đây cũng là thời điểm vất vả nhất. Người trồng đào cảnh muốn cây phát triển theo ý mình thì phải kỳ công uốn nắn, tạo hình, mới cho ra đời những thế cây độc lạ. Tôi thường dùng dây nhôm để uốn cành, tạo thế" – ông Hoàn tiết lộ.
Chăm sóc, cho ăn đủ dinh dưỡng, vườn đào cảnh của ông Hoàn luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Vào thời điểm cuối năm, tùy vào thời tiết mà ông Hoàn quyết định tuốt lá để cây đào tập trung phát triển nụ và nở hoa.
Với hơn 2ha trồng đào cảnh, ông Hoàn mỗi năm bán ra thị trường khoảng 1000 cây. Tùy theo cây đào to hay nhỏ mà ông Hoàn bán với giá khác nhau. Ông Hoàn bán đào cảnh ra thị trường với giá dao động từ 400.000 – 1.000.000 đồng/cây. Đối với hàng đào gốc, ông Hoàn bán với giá dao động từ 3 – 10 triệu đồng/gốc. Mỗi năm, ông Hoàn lãi từ 500 – 700 triệu đồng từ bán đào cảnh ra thị trường. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông Hoàn còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương.
Năm 2018, ông Hoàn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có mô hình sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, ông Hoàn còn được UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2020.
Ông Trần Xuân Hoàn là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Chung khảo Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào tháng 10/2022 nhân Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022); kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.