Chúng tôi đến Bệnh xá quân - dân y kết hợp tại làng Ó Kly, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai vào một ngày đầu thu tháng 9. Cơ sở vật chất của bệnh xá khang trang, sạch sẽ và nơi đây từ lâu đã trở thành một địa chỉ tin cậy của người dân địa phương mỗi khi cần hỗ trợ y tế.
Khi chúng tôi đến, chị Rơ Châm Len đang cùng các cán bộ, nhân viên của Bệnh xá làm công việc bình thường như mọi ngày là chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Bệnh xá là nơi chị gắn bó và dành nhiều tâm huyết trong nhiều năm qua. Nhớ lại những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, chị kể: Công tác khám chữa bệnh lúc đó còn nhiều khó khăn, nhất là công tác vận động bà con khám, chữa bệnh. Cùng với các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục như cúng, bái, chữa bệnh bằng thầy mo, thầy cúng…
Với lòng yêu nghề và mong muốn được phục vụ trên chính nơi mình sinh ra, cùng với việc hiểu được những tập quán lạc hậu của dân tộc mình, chị Rơ Châm Len đã cùng với các đồng nghiệp làm công tác vận động tuyên truyền bà con thay đổi cách sinh hoạt để đảm bảo sức khỏe. Nói về điều này, Trung tá Phạm Văn Bình – Bác sĩ, Bệnh xá trưởng cho biết: "Chị Rơ Châm Len đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con ngay thôn làng biết ăn chín, uống sôi, ăn ở sạch sẽ, đau phải lên bệnh xá khám, xin thuốc uống; biết sinh đẻ có kế hoạch, biết phòng chống dịch bệnh, ngủ phải mắc màn…".
Bên cạnh đó, chị Rơ Châm Len đã cùng với các đồng nghiệp cũng như các tổ chức quần chúng tuyên truyền vận động bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; hướng dẫn bà con trong chăn nuôi, trồng trọt, bỏ tục tảo hôn trong đồng bào dân tộc, đi làm công nhân cà phê, cao su để tăng thu nhập và ổn định cuộc sống; vận động các gia đình cho trẻ đến trường…. Nhờ đó, trình độ nhận thức của bà con trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, không tin vào sự xúi giục của kẻ xấu. Đến nay cuộc sống của bà con đã bớt khó khăn hơn, đã xây được nhà, các cháu trong độ tuổi đến trường được đi học.
Chị Rơ Châm Len sinh ra và lớn lên tại làng Ó Kly – một trong những địa phương nghèo của tỉnh Gia Lai. Dân cư ở đây thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Jrai, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu phụ thuộc nông nghiệp, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, đói ăn thường xuyên.
Là chị cả trong gia đình có bốn chị em, chị Rơ Châm Len nuôi quyết tâm vượt khó, vừa học vừa phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy, chăn nuôi và việc nhà. May mắn là dù khó khăn, bốn chị em Rơ Châm Len đều được gia đình nuôi ăn học hết lớp 12. Năm 2000, chị Rơ Châm Len được tuyển dụng vào làm công nhân chăm sóc cà phê tại Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15. Với tính tình hòa nhã, hoạt bát, có kiến thức trong công tác tuyên truyền vận động, gương mẫu trong công việc, năm 2001 chị được đơn vị lựa chọn cử đi học sơ cấp y tại Bênh viện Quân y 15 để xây dựng nguồn cán bộ tại chỗ. Sau thời gian đi học, chị được phân công công tác tại Bệnh xá quân - dân y.
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo Công ty Bình Dương cho biết: "Trong quá trình công tác, chị Rơ Châm Len luôn phát huy tốt vai trò của người cán bộ quân y trong khám, thu dung, điều trị cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động của Công ty và nhân dân trên địa bàn đơn vị đứng chân. Chị luôn có tinh thần cầu thị, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, được đồng nghiệp và nhân dân trên địa bàn yêu mến".
Với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, năm 2004, chị Rơ Châm Len được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2020, chị được đơn vị cử đi đào tạo y sĩ y học cổ truyền để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ cán bộ, chiến sĩ, người lao động và nhân dân trên địa bàn ngày một tốt hơn.
Ngoài công tác chuyên môn, chị cũng đi đầu trong công tác tăng gia sản xuất. Thu nhập thêm ngoài lương từ vườn cà phê và hồ tiêu của gia đình chị đạt gần 100 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí). Gia đình chị Rơ Châm Len luôn là gia đình tiêu biểu của thôn làng, hai con của chị chăm ngoan, học giỏi.
Nhờ những cố gắng của bản thân, năm nào chị Rơ Châm Len cũng được đơn vị khen thưởng. Chị bảo: "Đó vừa là vinh dự vừa là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn".
* Bài có sự biên tập ở title