Tấm lòng người cựu chiến binh

Thứ hai, ngày 26/09/2022 10:49 AM (GMT+7)
Mặc dù tuổi đã cao, trong người mang không ít thương tật vì hậu quả của bom đạn chiến tranh nhưng bằng nghị lực phi thường, cựu chiến binh (CCB), thương binh 4/4 Phùng Minh Út, ngụ xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Bình luận 0

Ông là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, bởi ông không chỉ là CCB làm kinh tế giỏi mà còn được nhiều người biết đến vì tích cực tham gia công tác từ thiện ở địa phương.

Căn nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng vắng thuộc ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng luôn tấp nập người ra vào. Từ đầu bờ ruộng, tiếng gọi: "Ông Út Tài Lẹt ở nhà không?" cứ vang lên ("tài lẹt" trong ngôn ngữ miền Tây thường dùng để chỉ những người hay lo việc người khác). Một cụ ông đang chăm sóc vuông tôm gần đó giải thích: "Các mạnh thường quân và những hội viên trong hội từ thiện của xã tìm ông Út để chuẩn bị đợt trao quà tặng học sinh nghèo nhân dịp đầu năm học mới. Cô có đóng góp gì, cứ việc vào gặp ông là sẽ nhanh đến địa chỉ cần giúp đỡ thôi".

Đang lúi húi bên những bao gạo và đồ dùng học tập chuẩn bị mang đi tặng bà con và các em học sinh nghèo, thấy chúng tôi bước vào, ông Út khoác vội cái áo cũ sờn rồi rót trà mời khách. "Đợt này, vận động được một ít gạo với tập sách cho bà con và các cháu học sinh nghèo nên phải tranh thủ thời gian cho kịp. Cực nhưng vui lắm. Nếu cô không sợ cực thì đi theo chúng tôi một chuyến cho vui", ông Út ngỏ ý.

Tấm lòng người cựu chiến binh - Ảnh 1.

Cựu chiến binh, thương binh Phùng Minh Út (bên trái) vui mừng khi gặp lại đồng đội.

"Dạ, cháu cũng muốn đi cùng". Tôi vội trả lời bởi không dễ gì có được cơ hội.

Sau hơn một giờ di chuyển, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong 33 xã của tỉnh Sóc Trăng vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã "An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ". Xe vừa dừng lại, thấy ông Út đến, nhiều người dân ra chào, tay bắt mặt mừng như đón người thân ruột thịt đi xa mới về.

Dẫn tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Tạo (81 tuổi), cũng là điểm phát gạo, ông Út cho biết, đây là một trong những người dân ở địa phương đã giúp bộ đội rất nhiều, từ chuyện cơm nước đến dò la tin tức, nắm tình hình địch, hỗ trợ bộ đội đánh đồn bốt.

"Những ngày kháng chiến, cuộc sống của bộ đội thiếu thốn trăm bề, may nhờ có bà con, nhất là các mẹ, các chị ở đây hỗ trợ nên mình yên tâm chiến đấu. Tôi vẫn nhớ có lúc hũ gạo trong nhà sắp hết nhưng các mẹ, các chị vẫn vét hết những hạt gạo cuối cùng để nấu cơm cho bộ đội ăn. Nói thật, nếu không có bà con, chưa chắc mình còn sống được đến hôm nay. Vì vậy, về lại chiến trường xưa, thấy nhiều gia đình từng nuôi dưỡng, chở che mình vẫn còn khó khăn, vất vả, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm chia sẻ với họ", CCB Phùng Minh Út bày tỏ.

"Nặng nợ" với những người đã chở che, đùm bọc mình trong thời kỳ kháng chiến, cộng thêm "chất xúc tác" từ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương, từ đó, ông Út chính thức gắn bó với "cái nghiệp bao đồng". Theo lời ông Út, thời điểm năm 2016, khi còn công tác ở Hội CCB của xã Gia Hòa 2, ông đề nghị với Đảng ủy, UBND xã cho phép thành lập hội từ thiện để giúp đỡ bà con nghèo với tên gọi "Hội từ thiện CCB" do ông là hội trưởng.

Để hội từ thiện đi vào hoạt động, ông Út là người đầu tiên tự nguyện đóng góp, vận động người thân trong gia đình, bạn bè ủng hộ kinh phí gây quỹ. Khi có kinh phí, ông và các thành viên trong hội đã tiến hành khảo sát, xây nhà tình nghĩa tặng các đồng đội, nhà tình thương tặng những người nghèo khó, hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật, ốm đau... "Mình là người lính, sống đến hôm nay là nhờ có sự bảo bọc, chở che của nhân dân, không có dân thì làm gì còn sống để trở về, vì vậy, khi mình đã có cuộc sống ổn định, phải làm gì đó để báo đáp lại công ơn của nhân dân.

Chính vì thế, Hội từ thiện CCB của chúng tôi xác định làm từ thiện nên gia đình nào, người nào gặp khó khăn là mình giúp. Ai thiếu cái gì mình tạo điều kiện cho cái đó. Chỉ cần bà con báo tin đang gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ là chúng tôi có mặt ngay để hỗ trợ, không để bà con phải chờ đợi. Lo được cho bà con là hạnh phúc của CCB chúng tôi", ông Út tâm sự.

Ban đầu, các thành viên trong hội tự bỏ tiền túi ra để giúp đỡ. Càng đi, các thành viên hội càng thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, vậy nên ngoài đóng góp của hội viên, các thành viên trong hội còn tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp nhằm lan tỏa yêu thương giúp đỡ người nghèo. Số hội viên của hội lúc đầu chỉ vài người, nay đã lên tới 18 người. Có người sau khi được hội hỗ trợ xây nhà tình thương đã tự nguyện gia nhập hội để chung tay giúp đỡ những trường hợp khác.

"Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì hội nhận được lòng tin của bà con nhân dân và lãnh đạo địa phương. Đó là động lực giúp anh em quên đi những vất vả trong quá trình đi vận động, quên đi những lời ra tiếng vào của vài người có tư tưởng ngờ vực việc làm từ thiện của hội", giọng ông Út bỗng chùng xuống. Rồi ông dẫn chứng lời Bác Hồ: "Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu vật chất, mạnh tinh thần".

"Nếu mình không "liêm" thì không thể trong sạch; nếu không "chính" thì không thể làm được việc tốt, điều thiện, không thể phòng và chống được việc xấu, điều ác. Khi mình đi vận động, cũng có vài người cho rằng, họ chỉ muốn đi giúp đỡ trực tiếp, chứ qua hội thì biết có đến tay người dân hay không. Lúc đó, mình chỉ biết cười trừ cho qua chuyện. Ai cũng có quyền suy nghĩ theo cách của mình mà, đâu trách họ được. Miễn sao mình "liêm", "chính" thì sẽ không hổ thẹn với lương tâm, với bà con", ông Út bày tỏ.

Qua 6 năm hoạt động, Hội từ thiện CCB đã vận động xây dựng được 39 căn nhà, mỗi căn trị giá từ 40 đến 80 triệu đồng; trao hàng trăm triệu đồng hỗ trợ hơn 500 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị nhiễm chất độc da cam. Bên cạnh đó, hội còn vận động hàng trăm bao xi măng, sắt thép, tiền để xây dựng 2 cây cầu, mỗi cây trị giá 100 triệu đồng; sửa sang lại cầu, đường nông thôn, giúp người dân địa phương đi lại thuận tiện hơn...

Nhận xét về việc làm thiện nguyện của CCB Phùng Minh Út, ông Lê Văn An, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2 cho biết: "Phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, CCB Phùng Minh Út và các thành viên Hội từ thiện CCB đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, được Đảng bộ và nhân dân rất trân trọng. Việc làm của chú Út đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong nhân dân, tình làng nghĩa xóm lan tỏa nồng ấm trong cộng đồng dân cư. Đây là một trong những gương sáng để cán bộ, đảng viên của xã noi theo".

Tấm lòng người cựu chiến binh - Ảnh 3.

Cựu chiến binh, thương binh Phùng Minh Út không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế mà còn có nhiều đóng góp cho công tác thiện nguyện.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Năm 1970, ông tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm giao liên ở địa phương. Sau đó, ông Út gia nhập bộ đội chủ lực của tỉnh Sóc Trăng và chuyển lên công tác tại Tiểu đoàn Trinh sát của Quân khu 9, sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Kết thúc chiến tranh, ông Út rời quân ngũ với chứng nhận thương binh hạng 4/4.

Tuy sức khỏe kém vì nhiễm chất độc hóa học nhưng với ý chí và nghị lực Bộ đội Cụ Hồ, ông Út đã cùng gia đình khai phá 2ha đất, rồi tích cực tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến do địa phương tổ chức. Đến nay, ông Út đã thành công với mô hình tôm-lúa, phát triển trồng trọt và cung cấp con giống cho các hộ nuôi tôm. Việc sản xuất, kinh doanh có năm được, năm thất, nhưng gia đình ông luôn chi dùng tiết kiệm, dành dụm vốn để tái sản xuất. Ông còn nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong xã. Hằng năm, ông Út trích lợi nhuận từ nuôi tôm, trồng trọt để làm công tác xã hội.

Ông Út cho biết, đây là cách để ông góp phần nhỏ bé của mình cho những gia đình liệt sĩ, đồng chí, đồng đội năm xưa hiện là thương binh, bệnh binh còn nghèo khó... Với những đóng góp của mình, năm 2019, CCB Phùng Minh Út là một trong 12 gương điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Ban Tuyên giáo Trung ương chọn tham gia Chương trình giao lưu "Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng" tại Hà Nội và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

* Bài có sự biên tập ở title

THÚY AN (Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem