Dân Việt

Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị khẩn trương chuyển sang nghề cá có trách nhiệm

Nguyên Vỹ 29/09/2022 13:21 GMT+7
Nếu Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ đỏ IUU với nghề cá Việt Nam, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD. Đời sống của hơn 4 triệu lao động bị ảnh hưởng và tác động mạnh đến các ngành khác.

Hậu quả nặng nề nếu EC rút thẻ đỏ IUU

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cảnh báo như thế tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM, ngày 29/9.

Theo Vasep, từ năm 2011 - 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU tăng từ 6 tỷ USD lên gần 9 tỷ USD.

Trong đó,  xuất khẩu sang EU đóng góp 1 - 1,4 tỷ USD mỗi năm; chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đi các thị trường.

Sau cảnh báo thẻ vàng IUU từ năm 2017, xuất khẩu thuỷ sản khai thác giảm liên tục trong vòng 4 năm. Cụ thể, giảm 6% năm thứ nhất; 5% năm thứ 2; 10% năm thứ 3 và 16% năm thứ 4.

Thủ tướng phê duyệt đề án chống khai thác IUU

Ngày 14/9, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá VN theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mục tiêu tổng thể trên, Bộ NN-PTNT đặt ra những mục tiêu đến năm 2025 sẽ gỡ được “thẻ vàng” EC.

Các loại cá biển (cá ngừ, cá kiếm, cá nhám...) bị tác động nhiều nhất. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm: Ý, Tây Bai Nha, Đức và Pháp.

Giai đoạn 2017 - 2019, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép của thẻ vàng IUU và dịch Covid-19.

Năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm đều tăng trở lại nhờ tác động của hiệp định EVFTA. Đồng thời, dịch Covid-19 làm tăng giá xuất khẩu, tăng nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng, trừ cá tra.

Hiệp hội Vasep đánh giá, nếu EC rút thẻ đỏ IUU với nghề cá Việt Nam, lệnh cấm thương mại sẽ được áp dụng hoàn toàn đối với các sản phẩm thủy sản khai thác.

Các loại cá biển (cá ngừ, cá kiếm, cá nhám...) bị tác động nhiều nhất từ thẻ vàng IUU. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các loại cá biển (cá ngừ, cá kiếm, cá nhám...) bị tác động nhiều nhất từ thẻ vàng IUU. Ảnh: Nguyên Vỹ

Kể cả sản phẩm khai thác của các tàu của các quốc gia khác nhưng khai thác trong vùng biển nước bị thẻ đỏ IUU cũng bị cấm xuất vào EU.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vasep cho biết, năm 2022, ước tính xuất khẩu thuỷ sản sang EU đạt trên 1,4 tỷ USD.

Nếu thẻ đỏ IUU xảy ra từ 2023, thiệt hại xuất khẩu riêng sang thị trường EU có thể lên tới 518 triệu USD.

Ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiên tại. Điều này sẽ làm giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.     

Xây dựng lại nghề cá không IUU

Theo Tổng Cục Thủy sản, thị trường EU vốn yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất đối với sản phẩm nhập khẩu. Và EU cũng đưa ra mức giá tốt cho sản phẩm nhập khẩu.

Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải liên tục đổi mới và phát triển hệ thống sản xuất của họ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, nếu ngành mất đi thị trường tiêu chuẩn cao thì cũng cũng mất động lực để nâng cấp chuỗi giá trị của mình.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ vằn ở ngư trường Bình Định. Ảnh: T.L

Ngư dân đánh bắt cá ngừ vằn ở ngư trường Bình Định. Ảnh: T.L

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 16 - 18 tỷ USD năm 2030. Điều này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bình quân 7 - 9% trong 10 năm tới.

Khi bị thẻ đỏ IUU, ngành sẽ rất khó duy trì sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu thủy sản trong những năm tới.

Ở góc độ hiệp hội ngành nghề, bà Sắc phân tích, thẻ đỏ IUU sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm thủy sản nói chung Việt Nam.

Các thị trượng khác như Mỹ, Nhật Bản cũng có thể làm theo Quy định IUU của EU, sẽ hạn chế hoặc ngừng nhập thủy sản từ Việt Nam.

Đồng thời, giá thủy sản xuất khẩu sang các thị trường cũng sẽ giảm do các nhà nhập khẩu ép, hạ giá hoặc do phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.

Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm uy tín của không chỉ sản phẩm hải sản khai thác mà còn cả sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam.

Khi đó, nền kinh tế thủy sản suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4 triệu lao động Việt Nam. Việc này sẽ tác động mạnh đến các ngành khác do thay đổi cơ cấu lao động của ngành thủy sản.

"Đã đến lúc phải chuyển hướng tư duy, xây dựng lại nghề cá không IUU với cả thế giới chứ không riêng gì với EU", bà Sắc đề nghị.  

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phung Đức Tiến đề nghị khẩn trương chuyển đổi nghề cá nhân dân sang nghề có trách nhiệm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phung Đức Tiến đề nghị khẩn trương chuyển đổi nghề cá nhân dân sang nghề có trách nhiệm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phung Đức Tiến cho rằng, từ nghề cá nhân dân chuyển sang nghề có trách nhiệm là bước đi đúng và không thể chậm trễ được nữa. Nghề cá Việt Nam bị đặt trong tình trạng cảnh báo và nỗ lực khắc phục đã 5 năm rồi.

Theo Thứ trưởng Tiến, độ mở của nền kinh đã rất sâu rộng. Việt Nam đủ bản lĩnh để bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong đó nghề cá cũng phải phát triển nhanh nhưng bền vững. Từ nay đến 2030, tổng sản lượng phải đạt 9,8 triệu tấn; trong sản lượng khai thác là 2,8 triệu tấn, nuôi trồng 7 triệu tấn. Xuất khẩu đạt 14 - 16 tỷ USD.

Nếu không gỡ được thẻ vàng IUU, không những ngành thủy sản bị ảnh hưởng mà vị thế đất nước Việt Nam trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng.

Nguy cơ cảnh báo "thẻ đỏ" nếu không có giải pháp quyết liệt

IUU là vấn đề không chỉ cấp Bộ ngành mà Đảng và Nhà nước rất lưu tâm suốt thời gian qua. Thời hạn chuẩn bị cho việc kiểm tra của EC đã rất gấp.

Hiện nay, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định còn diễn ra phổ biến, phức tạp trên các vùng biển; nghiêm trọng hơn là việc tàu cá VN vẫn vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt ở vùng biển ven bờ, số lượng tàu cá và cường lực khai thác lớn, ngư dân sử dụng phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi có xu hướng gia tăng, nhưng chưa có đủ lực lượng chuyên trách để thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học, chống khai thác IUU. Cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy bản Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của VN vẫn chưa được tháo gỡ, nguy cơ “cảnh báo” thẻ đỏ là rất lớn nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.

"Tất cả các ngành, các địa phương phải đồng tâm hiệp lực, thực hiện với trách nhiệm cao nhất để đợt kiểm tra đạt kết quả khả quan", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.