Tham dự và chủ trì buổi họp báo có ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam; đại diện Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các ngành, đoàn thể; đại diện Hội Nông dân và Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 của tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, TP.Hà Nội cùng gần 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) được giao thực hiện.
Theo Ban Tổ chức, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2022 cùng các chuỗi sự kiện bên lề sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/10 với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong đó, các sự kiện chính là: Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; Nông dân Việt Nam xuất sắc tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội, thăm tòa nhà Quốc hội và Hoàng thành Thăng Long; Gala 10 năm chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam: Một thập kỷ xanh.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức sẽ ra mắt cuốn Đặc san 10 năm Tự hào Nông dân Việt Nam; chương trình giao lưu với Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Bắc Giang trong 10 năm qua; đưa nông dân đi tham quan, học tập tại Israel (dự kiến vào đầu năm 2023).
Trước đó, trong khuôn khổ của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2022, Ban Tổ chức đã tiến hành họp bình chọn và công nhận 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, tổ chức thành công Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp.
Phát biểu tại buổi Họp báo sáng nay, ông Phạm Tiến Nam cho biết: Tiếp nối thành công của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 9 lần trước, năm 2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Chương trình Bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022".
Việc bình chọn và đề cử "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" được Hội đồng bình chọn sơ khảo của 63 tỉnh, thành phố do Hội Nông dân phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện từ tháng đầu tháng 11 năm 2021 đến tháng 6/2022. Cùng với các đề cử từ các chuyên gia nông nghiệp, nông thôn; các nhà báo trong lĩnh vực nông nghiệp, đến đầu tháng 6, Ban Tổ chức đã nhận được 249 hồ sơ đề cử danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau khi phân loại, chọn lọc cẩn trọng hồ sơ, các thành viên Hội đồng Bình chọn chung khảo Trung ương đã chấm điểm và tìm ra được 100 hồ sơ đạt điểm số cao nhất xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022.
Đây là những hội viên, nông dân có thành tích tiêu biểu nhất trong 3 phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân Việt Nam gồm: "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; "Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh" và "Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh"...
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, 100 nông dân Việt Nam xuất sắc được bình chọn năm nay đều là những nông dân năng động, sáng tạo, có ý chí vượt khó làm giàu và sống có trách nhiệm, nghĩa tình với cộng đồng.
Trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 có 81 người là nam, 19 người là nữ; có 15 người là dân tộc thiểu số. Người nhỏ tuổi nhất là anh Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1991) ở Phú Thọ với mô hình chế biến lâm sản, sản xuất đũa tre xuất khẩu; người lớn tuổi nhất là ông Lê Văn Sáu (sinh năm 1944) ở Hậu Giang với mô hình trồng cây ăn trái (sầu riêng).
Phân loại theo lĩnh vực có 32 nông dân thuộc lĩnh vực trồng trọt; 25 nông dân thuộc lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 10 nông dân có thành tích nổi bật trong liên kết sản xuất, hợp tác xã; 8 nông dân có thành tích trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh Tổ quốc; 25 nông dân được vinh danh trong lĩnh vực phát minh sáng kiến, chuyển đổi số và khởi nghiệp.
Nông dân có doanh thu cao nhất trong số 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 là anh Trần Văn Thắng (Đan Phượng, Hà Nội) với 65 tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi bò.
Đặc biệt, họ là những nông dân có đóng góp thiết thực, tiêu biểu trong Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Những đóng góp này mang tính dẫn dắt trong quá trình hồi phục đáng phấn khởi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi và kiểm soát ở Việt Nam.
Nhiều người trong số họ đã tìm tòi, sáng tạo và đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản… Nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhưng đồng thời lại là người có uy tín trong cộng đồng, có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên đất liền và trên biển…
"Một trong những điểm mới và đáng biểu dương, khen ngợi đối với "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022" là tìm mọi cách vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, tranh thủ được các chương trình hỗ trợ của nhà nước, mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào từng khâu sản xuất, tham gia hình thành chuỗi giá trị sản phẩm ở những ngành hàng Việt Nam có thế mạnh, ưu thế cạnh tranh như thuỷ sản, sản xuất rau, củ, quả thực phẩm; lúa gạo; sản xuất trái cây… Điều này cũng khẳng định, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang đi đúng hướng" - ông Phạm Tiến Nam khẳng định.
Đại diện Ban Tổ chức, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay cho biết: "Thay mặt đơn vị thường trực làm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, nhân buổi họp báo, tôi xin gửi lời cám ơn các đối tác, đơn vị đồng hành, các ban của Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công chương trình trong thời gian qua. Đồng thời, xin gửi lời cám ơn đến các nhà tài trợ như Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Agribank đã đồng hành cùng chương trình trong suốt 10 năm qua".
Theo nhà báo Lưu Quang Định, chương trình năm nay có gần 10 hoạt động chính. Trong đó, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 7 chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" đã được tổ chức ngày 13/9 mới đây.
Từ nay đến 13-14/10 sẽ có hàng loạt sự kiện diễn ra, ví dụ như Gala 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam: Một thập kỷ xanh; ra mắt cuốn đặc san 10 năm Tự hào Nông dân Việt Nam, dày 338 trang ghi lại hành trình 10 năm của Tự hào Nông dân Việt Nam với 698 nông dân đã được tôn vinh.
Ông Lưu Quang Định cũng tiết lộ, trên bàn tiệc tại đêm Gala sẽ có những món ngon, những đặc sản là sản phẩm OCOP của các nông dân Việt Nam xuất sắc.
Cũng trong khuôn khổ chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, Ban tổ chức còn xây dựng kế hoạch đưa nông dân đi tham quan các mô hình nông nghiệp thông minh tại Israel (dự kiến vào đầu năm 2023), nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, ứng dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới hiện nay của nhiều nông dân được đưa ra tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII.
Theo Ban Tổ Chức, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ gặp gỡ đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Tại buổi họp báo, Nhà báo Việt Hà – Báo điện tử Đảng Cộng sản hỏi: Xin Ban Tổ chức cho biết trong 10 năm qua, tổng số Nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh là bao nhiêu? Trong đó có bao nhiêu Nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh 2 lần?
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Theo thống kê của Ban Tổ chức, trong 10 năm qua có 698 nông dân Việt Nam xuất sắc được tôn vinh. Theo thể lệ quy định của chương trình, cứ sau 3 năm, nông dân Việt Nam xuất sắc nào giữ vững thành tích, có nhiều đóng góp cho xã hội, đất nước sẽ được đề cử tôn vinh lần 2.
Tại Gala 10 Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 13/10 tới đây, Ban Tổ chức sẽ mời một số nông dân tiêu biểu nhất trong suốt 10 năm, trong đó có một số nông dân xuất sắc được tôn vinh 2 lần. Đây là những nông dân rất xuất sắc, trải qua nhiều khó khăn, thách thức, dịch Covid – 19 bùng phát, những người Nông dân Việt Nam xuất sắc vẫn duy trì thành tích, nhanh nhạy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thanh – Báo Hải Quan nêu câu hỏi: Thời gian tới, Ban Tổ chức có những kế hoạch, giải pháp gì để hỗ trợ nông dân kết nối, liên kết tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay?
Về câu hỏi này, ông Phạm Tiến Nam nói: Đây là một câu hỏi rất hay của nhà báo về những hoạt động, định hướng, giải pháp để hỗ trợ các Nông dân Việt Nam xuất sắc sau 10 năm. Vừa qua, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2021. Một trong những điểm mới đáng mừng trong 5 năm qua là các cấp tỉnh thành hội đã thành lập rất nhiều câu lạc bộ nông dân tỷ phú. Có rất nhiều nông dân xuất sắc tham gia vào câu lạc bộ đó. Tới đây, Ban Tổ chức cũng sẽ tổ chức giao lưu, gặp mặt nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Bắc Giang nhân kỷ niệm 10 năm chương trình.
Đặc biệt, Báo NTNN đã đề nghị thành lập Câu lạc bộ Nông dân Việt Nam xuất sắc trong 10 năm. Thông qua CLB, nông dân Việt Nam xuất sắc có thêm nhiều dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau, có thêm cơ hội đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Ý tưởng này phù hợp với chủ trương, định hướng, phong trào của Trung ương Hội, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Bổ sung thêm câu hỏi của nhà báo Việt Hà, ông Lưu Quang Định cho biết: Tiêu chí bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 mở rộng so với 9 năm trước. Tức là, Ban Tổ chức mở ra thêm 3 kênh bình chọn đó là: Kênh chuyên gia (chúng tôi cộng tác với một nhóm chuyên gia nông nghiệp khoảng 20 người), kênh các nhà báo chuyên viết về nông dân và kênh bình chọn từ độc giả báo Dân Việt.
Đơn cử như trường hợp nông dân Đặng Dương Minh Hoàng, đây là nông dân được giới thiệu từ một số cơ quan báo đài phía Nam đã giới thiệu nông dân Minh Hoàng. Và qua nhiều vòng chấm điểm, nông dân Đặng Dương Minh Hoàng chính thức được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Nhà báo Chu Minh Khôi - phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam hỏi: Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bước sang năm thứ 10, Ban tổ chức có những kỷ niệm nào ấn tượng nhất về các nông dân được tôn vinh và nông dân ấn tượng và vì điều gì?
Về câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Tôi có rất nhiều ấn tượng với những nông dân được tôn vinh, có những người phải bán hết tài sản để có vốn sản xuất kinh doanh. Có những người có bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ quay về làm nông nghiệp và họ rất thành công. Nhưng tôi rất ấn tượng nhất với nông dân Phạm Ngọc Thạch ở Lâm Đồng.
Ông Sơn kể: Trước đó tôi có dịp gặp anh Thạch, buổi đầu ngồi uống nước với nhau, anh cho biết cách đây 15 năm, khi còn làm trong 1 doanh nghiệp, tuần nào anh cũng ngồi uống cà phê đếm xe chở nông sản. Bình quân mỗi ngày có 15 xe tải chở nông sản và anh ước mơ mỗi ngày có 1 xe chở đến để bán, nhẩm tính 1 tháng sẽ thu 400 triệu đồng. Sau 1 tuần nghiên cứu, anh Thạch quyết định bỏ doanh nghiệp về Lâm Đồng mua đất đai để làm trang trại.
"Từ một người chưa hề có kiến thức trong nông nghiệp, sau 15 năm anh Thạch đã xây dựng được chuỗi cửa hàng nông sản sạch. Hiện nay, anh đã có hàng trăm gian hàng nông sản đặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, anh Thạch còn xây dựng vùng nguyên liệu sạch và đặc biệt tạo công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân với mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng" - ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt cho biết ông có kỷ niệm sâu sắc với nông dân Võ Quang Huy ở Long An, với mô hình trồng chuối xuất khẩu. Ông Huy được mệnh danh là người có nhiều đất nhất miền Tây, với 3.000ha đất. Mặc dù trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của Covid-19, nhưng mô hình trồng chuối xuất khẩu của ông "Út Huy" vẫn duy trì ổn định, thậm chí tăng trưởng.
Một nông dân nữa ông Định rất ấn tượng, đó là anh Nguyễn Đăng Cường ở Bắc Ninh. Khi được tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc, anh Cường chỉ có 2ha, chủ yếu nuôi vịt trời. Sau đó mô hình của anh Cường đã được nhiều người biết đến, nhiều đoàn đến thăm quan, học hỏi. Hiện nay, mô hình của anh Cường có tổng diện tích 40ha gồm nuôi vịt trời, trồng dưa và sản xuất phân bón hữu cơ...
"Bên cạnh niềm vui được tôn vinh, thì cũng có những câu chuyện buồn, đó là trường hợp nông dân Tô Hiến Thành ở Bắc Giang. Anh Thành rất giỏi nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất. Tại Diễn đàn nông dân Quốc gia năm đó, sau khi chia sẻ việc thiếu vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra và chỉ định cho nông dân vay vốn. Sau đó anh Thành làm ăn rất tốt. Đáng tiếc là không lâu sau, trang trại nuôi lợn của anh Thành bị dịch bệnh tấn công, thiệt hại nặng nề. Hiện, anh Thành không theo nghề nuôi lợn nữa và đang loay hoay bắt đầu lại từ đầu" - ông Lưu Quang Định kể.
Tiếp theo câu chuyện, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, ông rất ấn tượng với nông dân xuất sắc Nguyễn Văn Hồng (Hà Nam). Theo đó, năm 2019, anh Hồng được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc và được tiếp kiến Phó Chủ tịch nước. Vừa rồi tôi có gặp lại anh Hồng tại Hội nghị Tổng kết Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và tôi rất vui mừng khi biết anh đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Chúng tôi có dịp xuống thăm mô hình, anh Hồng cho biết, sau tôn vinh, anh rất phấn khởi và đã đẩy mạnh quy mô sản xuất. Đến thời điểm này, trang trại đã có 500 lợn nái và 5.000 lợn thịt, doanh thu 60 tỷ đồng/năm. Điều rất phấn khởi là từ 2019 đến 2022, mô hình chăn nuôi lợn của anh Hồng vẫn duy trì ổn định, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi hoành hành nhưng trang trại của anh vẫn an toàn.
"Gặp tôi, anh Hồng chia sẻ, hiện trang trại của em không ngại dịch tả lợn châu Phi và để minh chứng, anh dẫn chúng tôi vào tận chuồng, trong khi ở những trại khác "kín cổng cao tưởng", không cho người ngoài vào bên trong. Điều làm tôi ấn tượng hơn cả, mặc dù không được học hành đầy đủ, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng sau khi được tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc, năm 2021 anh Hồng đã đăng ký thi vào đại học.
Chia sẻ với tôi, anh Hồng nói: Em không học hành gì và khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng và để xứng đáng với danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc em đăng ký thi đại học" - ông Nam chia sẻ.
Trả lời câu hỏi tiếp theo của Nhà báo Chu Minh Khôi: Nhiều năm qua, Chương trình đào tạo nông dân được triển khai rất lớn, tuy nhiên chất lượng đào tạo chưa cao. Tôi thường thấy đào tạo cho nông dân chủ yếu do cán bộ khuyến nông hay các nhà khoa học. Vậy Hội Nông dân Việt Nam có đưa nông dân xuất sắc vào Chương trình đào tạo cho những nông dân khác không?
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN cho biết, hiện nay tất cả Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đều có các trường đạo tạo cho nông dân, dạy nghề cho nông dân. Trong đó, cũng đã đưa nông dân đi nước ngoài học tập nhiều mô hình tiên tiến. Thậm chí có những Chương trình nông dân dạy nông dân. Hội Nông dân Việt Nam đang quan tâm và hướng đến xây dựng nông dân từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trở thành Câu lạc bộ nông dân giỏi để chia sẻ những kinh nghiệp trong sản xuất với những nông dân khác.
Thông qua Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam và Diễn đàn nông dân Quốc gia, đã có rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm. Theo đó, Quỹ Khởi nghiệp Xanh đang đề xuất với Hội Nông dân Việt Nam về ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Nông dân trẻ năm 2023 và đề xuất tổ chức Diễn đàn nông dân trẻ Thế giới ở Việt Nam.
Liên quan câu hỏi này, Nhà báo Lưu Quang Định thông tin thêm: Trong chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, còn có chương trình đưa đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc đi tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài. Điển hình, chúng tôi đã đưa nông dân đi thăm quan, học tập ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
"Sau đó được biết ở các nước họ đều có bài viết giới thiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc của chúng ta và họ rất thích thú. Họ rất ngạc nhiên và thán phục bởi Việt Nam với môi trường, điều kiện, thể chế khác nhau nhưng lại có những nông dân rất giỏi, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm" - ông Định nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí: Điều gì đã thu hút doanh nghiệp đồng hành liên tục suốt 10 năm liền với Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, ông Phan Quốc Nam - Phó Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Trong quá trình đồng hành cùng nông dân khắp mọi miền đất nước, Phân bón Bình Điền đã thực hiện rất nhiều chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn khoa học công nghệ cho nhà nông. Trong đó, nhiều hoạt động tư vấn, phổ biến quy trình sản xuất tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu của Bình Điền đã góp phần giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất lên tầm cao mới, ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.
Ông Nam cho biết thêm: Thời gian qua khi giá đầu vào sản xuất tăng cao, trong đó một số nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón tăng rất cao, tới hơn 150%, thậm chí có nguyên liệu tăng tới hơn 200%, khiến giá phân bón thành phẩm trong nước tăng nhanh, gây khó khăn cho sản xuất của bà con. Tuy nhiên, phía Bình Điền chỉ tăng giá một số sản phẩm lên 19-20%. Chủ trương của Bình Điền là không tăng giá quá cao, chia sẻ bớt chi phí để giúp nông dân đảm bảo nguồn cung phân bón khi vào thời vụ.
Ông Cù Anh Tuấn - Phó Trưởng ban truyền thông Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) cũng cho biết: Ngân hàng NN&PTNT là ngân hàng thương mại nhà nước duy nhất, dù 3 lần đổi tên song cũng "không thoát" khỏi nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong đó, Agribank đã dành 70% thị phần vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, người lưởng lợi trực tiếp là nông dân. Trong 7 chương trình tín dụng được ngân hàng Nhà nước giao phó thì có những chương trình lớn, trọng điểm liên quan đến "tam nông", là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
"Với bà con nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, từ năm 1999 Agribank đã kí kết Nghị quyết liên tịch nhằm giúp bà con có nguồn vốn, với cách tiếp cận vốn nhanh nhất. Qua đây, Agribank cũng cảm ơn Hội Nông dân Việt Nam và các cấp hội đã phối hợp thành lập các Tổ hội nông dân vay vốn rất thành công. Nhờ các Tổ hội này, người nông dân được hưởng cả 2 lĩnh vực: Hiệu quả về mặt kinh tế, tình làng nghĩa xóm được nhân lên. Thông qua tổ hội, phong trào nông dân cùng giúp nhau làm giàu ở các địa phương rất phát triển" - ông Cù Anh Tuấn thông tin.
Cũng theo ông Tuấn, nhu cầu về vốn vay không còn quá nóng trong những năm gần đây, thủ tục vay vốn cũng không còn nhiều khó khăn, đặc biệt là từ khi Agribank thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa những dịch vụ ngân hàng đến gần bà con hơn, thông qua các chi nhánh, điểm giao dịch, các tổ hội, doanh số cho vay vốn hàng năm đều rất lớn. Đặc biệt, về nợ xấu có phát sinh nhưng không đáng kể, chủ yếu do bà con gặp phải cảnh mất mùa, mất giá, nhưng sau đó bà con vẫn tiếp tục duy trì nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng.