Dân Việt

Soạn giả Phượng Linh, một trái tim cháy bỏng với nghệ thuật cải lương, ở ẩn vẫn hướng về nghiệp tổ

Bảo Phong 04/10/2022 13:04 GMT+7
Nói đến thời hoàng kim của cải lương không ai quên được vai trò của các ông bầu gánh hát. Bầu sô cải lương lập gánh hát rồi quy tụ nhiều anh em nghệ sỹ ngược xuôi khắp mọi miền lưu diễn từ thành thị đến nông thôn.

Soạn giả Phượng Linh lui về sống cuộc sống an nhàn, ẩn dật.

Góp mặt trong nghề sân khấu cải lương ở thập niên 60 có soạn giả Phượng Linh, vừa là tác giả của nhiều tuồng cải lương kiếm hiệp vừa là ông bầu sô rất tâm huyết với nghề. Sau thời gian bôn ba với anh đèn sân khấu ông ẩn danh vui thú điền viên tại "Ngọc Điệp điền trang" ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn tỉnh An Giang.

Soạn giả Phượng Linh, một trái tim cháy bỏng với nghệ thuật cải lương, ở ẩn vẫn hướng về nghiệp tổ - Ảnh 2.

Ẩn danh nơi núi rừng nhưng soạn giả Phượng Linh vẫn nhớ về cải lương, nhớ về nghiệp tổ. Ảnh: Bảo Phương

Đam mê bộ môn cải lương từ lúc 19 tuổi Phượng Linh đã trốn nhà lên Sài Gòn viết tuồng và lập bầu. Năm 1961, ông gia nhập vào gánh hát chỉ là người mở đĩa nhựa hát back up mỗi đêm cho đoàn cải lương Kim Chưởng. 

Sau khi chuyển nơi khác, tâm đầu ý hợp cùng với soạn giả Thiếu Hoa và Mộc Tùng ông chấp bút viết vở diễn đầu tay đó là tuồng cải lương "Vườn Lan năm cũ" phóng tác theo phim "Ngày về vĩnh biệt" ở nước Ba Tư…. rồi đến kịch bản "Lối về ngập xác lá rừng" được đoàn cải lương Thủ Đô 2 mua sử dụng, sau đó ông về đoàn Hoa Thủy Tiên của bầu sô Tư Hiếu để viết tiếp vỡ "Trăng thề". 

Soạn giả Phượng Linh, một trái tim cháy bỏng với nghệ thuật cải lương, ở ẩn vẫn hướng về nghiệp tổ - Ảnh 3.

Anh em văn nghệ sỹ họp mặt ca hát bài ca do soạn giả sáng tác. Ảnh: Bảo Phương

Năm 1968, ông mua lại gánh hát từ thế hệ đàn anh Dũng Thanh Lâm rồi xây dựng lại đoàn cải lương Hương Dạ Thảo thu hút nhiều nghệ sỹ tài danh tập tuồng ở đình Quảng Hòa (Sài Gòn- Gia Định) nổi bật có kép nhất Văn Bảnh đạt giải Khôi Nguyên năm 1963, kép trẻ Minh Thành và Minh Vương diễn kép nhì. 

Soạn giả Phượng Linh, một trái tim cháy bỏng với nghệ thuật cải lương, ở ẩn vẫn hướng về nghiệp tổ - Ảnh 4.

Soạn giả Phượng Linh (người bên phải) gặp gỡ đồng nghiệp nhâ n ngày sân khấu cải lương. Ảnh: BP

Đến khi đoàn giải tán vì trận chiến Mậu Thân, soạn giả Phượng Linh lưu lạc về sống nương tựa trong đình Nhơn Hòa, được chủ đoàn hát hồ quảng Thanh Bình- Kim Mai giao tập tuồng cho nghệ sỹ lưu diễn. Vì yêu nghề, năm 1969 ông lập lại đoàn cải lương Sơn Ca hát hò khắp các tỉnh miền Tây. Năm 1973, được phụ trách Ban cổ nhạc Y Sơn ở Đài Truyền hình Cần Thơ thì tên tuổi của soạn giả Phượng Linh được nhiều người biết đến.

Cả đời người hoạt động sân khấu, soạn giả Phượng Linh tên thật là Phạm Văn Sáu quê ở xã Vĩnh Trinh nay là huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ được xem là người có công đặt nền móng cho sự phát triển đoàn hát cải lương Nam Bộ. Ở ông, ngoài phong cách mộc mạc chan hòa bên trong là một trái tim cháy bỏng vì nghệ thuật.

Soạn giả Phượng Linh, một trái tim cháy bỏng với nghệ thuật cải lương, ở ẩn vẫn hướng về nghiệp tổ - Ảnh 5.

Soạn giả Phượng Linh hoài niệm về kịch bản. Ảnh: BP

"Tuồng hay nhờ bầu giỏi" dù gặp bao trắc trở với nghề nhưng soạn giả Phượng Linh biết hội tụ những tinh hoa nghệ thuật tự hào là "Viên ngọc" sáng để sàn diễn cải lương không bị cảnh đìu hiu, mai một. Bao lần vật lộn với cuộc đời sự nghiệp xả thân vì nghệ thuật đã đẩy đưa ông quay về tỉnh An Giang hoạt động, ngày ấy đoàn cải lương Hương Lúa Mới, Châu Long và Tiếng ca miền biên giới mãi vang danh theo thời gian.

Soạn giả Phượng Linh, một trái tim cháy bỏng với nghệ thuật cải lương, ở ẩn vẫn hướng về nghiệp tổ - Ảnh 6.

Soạn giả Phượng Linh trở về mái nhà xưa trò chuyện cùng 2 người anh trong căn nhà cổ sau mấy chục năm xa cách. Ảnh: BP

Năm tháng lui về ẩn danh nơi "Ngọc Điệp điền trang" khi bước phong trần đã chồn chân mõi gối, ông còn nặng lòng vì Tổ nghiệp. Bên rừng sâu núi thẳm Phượng Linh đã trút nỗi lòng tâm sự qua bài tân cổ đêm Soài So và bài ca này được Hội Văn nghệ An Giang chọn làm chủ đề chính để xuất bản tuyển tập vào năm 2004.

Soạn giả Phượng Linh, một trái tim cháy bỏng với nghệ thuật cải lương, ở ẩn vẫn hướng về nghiệp tổ - Ảnh 7.

Soạn giả Phượng Linh trò chuyện cùng bạn bè khi xưa lập nhóm hát cải lương tại quê nhà. Ảnh: BP

Dù chỉ là kỷ niệm nhưng những kịch bản cải lương, những tập bài ca xuất bản nổi tiếng một thời được soạn giả Phượng Linh lưu giữ cẩn thận xem đây là tài sản vô giá. Bên hương rừng gió núi những bài liên ca, những trích đoạn cải lương năm nào vẫn còn đây âm thầm ngân nga ở Phụng Hoàng sơn bởi lòng ái mộ của thính giả. 

Có thể nói, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của soạn giả Phượng Linh đã ghi đậm dấu ấn của người cả đời làm nghệ thuật nặng lòng với tổ nghiệp. Ngày 12 tháng tám âm lịch hằng năm cho dù có đi đâu, về đâu ông cũng không sao quên được ánh đèn sân khấu, một đời ăn cơm Tổ, vật lộn với gánh hát cải lương.