Y Ser Bkrông - chàng trai Ê Đê được phong "nghệ nhân trẻ tuổi nhất", vừa tạc tượng giỏi vừa nấu ăn ngon

Duy Hậu Thứ hai, ngày 26/09/2022 13:08 PM (GMT+7)
Đam mê tạc tượng từ nhỏ, Y Ser Bkrông đã trở thành nghệ nhân tạc tượng gỗ nổi tiếng ở Tây nguyên. Y Ser Bkrông còn được biết đến là người giỏi nấu rượu cần, chế biến "chuẩn vị" các món ăn truyền thống của đồng bào Ê Đê.
Bình luận 0

Ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có một nghệ nhân người Ê Đê rất trẻ. Đó là anh Y Ser Bkrông năm nay 37 tuổi. Chàng trai ấy đã dành cả tuổi trẻ để gìn giữ nghệ thuật tạc tượng dân gian của dân tộc mình.

Chàng trai Ê Đê "nặng lòng" với nghệ thuật tạc tượng gỗ của dân tộc - Ảnh 1.

Nghệ nhân Y Ser Bkrông. Ảnh: Duy Hậu.

Mỗi khúc gỗ đều có hồn

Sinh ra trong một gia đình có nghệ nhân tạc tượng nên từ nhỏ Y Ser đã rất thích làm tượng gỗ. Khi còn rất nhỏ, mỗi lần lên rẫy, Y Ser luôn để ý tới những khúc gỗ.

Nếu với đa phần những khúc gỗ chỉ là vật vô tri thì với Y Ser, những cây gỗ ấy lại hết sức sống động. Chàng trai trẻ ấy luôn hình dung thấy những khúc gỗ ấy là hình ảnh sinh hoạt của con người và muôn thú.

Chàng trai Ê Đê "nặng lòng" với nghệ thuật tạc tượng gỗ của dân tộc - Ảnh 2.

Qua bàn tay của Y Ser, mỗi khúc gỗ đều trở nên có hồn. Ảnh: Duy Hậu.

Thế nên, mỗi lần thấy những khúc gỗ bị bỏ đi, Y Ser liền mang về và bắt đầu biến chúng thành những bức tượng. Tỉ mẩn từng chút, mày mò cả chục năm cuối cùng dưới bàn tay của Y Ser, những khúc gỗ đã trở thành những con vật, dáng người... sinh động.

Trong quá trình rèn luyện kỹ năng, Y Ser cũng âm thầm tìm hiểu về tượng nhà mồ- một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên.

Năm 2015, cảm thấy mình đủ "chín" với nghệ thuật tạc tượng gỗ, Y Ser mang tác phẩm mà mình thích nhất tham dự "Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên". Khi ấy, tại hội thi Y Ser là một trong số rất ít những nghệ nhân trẻ. Và thật bất ngờ, ngay lần "thử sức" đầu tiên, Y Ser đã giành được giải nhì tại hội thi.

Tác phẩm "Đôi chân trần" của Y Ser được đánh giá rất cao. Tác phẩm đã khắc họa một cách sống động hình ảnh người đàn ông Ê Đê gầy gò, không màng đến bản thân, lam lũ làm việc để lo cho gia đình, con cái.

Chàng trai Ê Đê "nặng lòng" với nghệ thuật tạc tượng gỗ của dân tộc - Ảnh 3.

Trong không gian phù hợp, các bức tượng gỗ của Y Ser trở nên sinh động. Ảnh: Duy Hậu

Đến năm 2017, anh Y Ser tiếp tục tham gia cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột và tiếp tục đạt giải.

Am hiểu về các phong tục tập quán của đồng bào mình, nên ở mỗi bức tượng được Y Ser tạo ra người xem đều thấy ở đó những hình ảnh sinh động trong lao động, sinh hoạt... của người Ê Đê.

Dường như, mọi khúc gỗ vô tri sau khi qua tay chàng nghệ nhân trẻ Y Ser chúng đều trở nên có hồn. Và ở đó, người xem luôn thấy nghệ nhân đã gửi gắm vào đó một thông điệp.

Đó là nỗi cực nhọc của người nông dân, là tình yêu của người mẹ dành cho con, là tâm tư của một già làng muốn mọi người sung túc ấm no hay ở đó là cảnh sinh hoạt của một đội cồng chiêng khi làng vào hội...

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Xem tượng của Y Ser, chúng ta sẽ thấy ở đó cuộc sống sinh hoạt và cả đời sống tâm linh của người Ê Đê. Chúng ta còn thấy ở đó khát khao cháy bỏng của đồng bào nơi núi rừng.

Không chỉ thế, mỗi tác phẩm của Y Ser đều khiến người xem luôn thích thú, tò mò càng muốn khám phá những nét độc đáo của văn hóa truyền thống của người Ê Đê.

Chàng trai Ê Đê "nặng lòng" với nghệ thuật tạc tượng gỗ của dân tộc - Ảnh 4.

Du khách thích thú với một bức tượng dân gian của Y Ser. Ảnh: Duy Hậu.

Không chỉ tạo ra những tác phẩm truyền thống (chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt tâm linh của người Ê Đê) như tượng nhà mồ, Y Ser tạo ra rất nhiều tác phẩm nghệ thuật từ những khúc gỗ vô hồn. Điều đáng quý đó là, tất cả các tác phẩm của Y Ser đều mang "hồn" của người Ê Đê.

Ban đầu chỉ là thỏa niềm đam mê, giờ đây Y Ser đã có thể sống được bằng nghề tạc tượng. Nhóm tượng dân gian của Y Ser ngày càng được chú ý. Không chỉ các khu du lịch, các quán cà phê mà ngay cả trong nhà, nhiều người đã dùng tượng gỗ để trang trí.

Chàng trai Ê Đê "nặng lòng" với nghệ thuật tạc tượng gỗ của dân tộc - Ảnh 5.

Không chỉ tạc tượng phục vụ cho đời sống tâm linh của người đồng bào Ê Đê, Y Ser còn phát huy nghệ thuật truyền thống, sáng tạo thêm nhiều hình ảnh ghi lại nét đẹp của đồng bào mình. Ảnh: Duy Hậu.

Thế nên, Y Ser ngày càng được nhiều khu du lịch, khu sinh thái trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mời đến tạc tượng trang trí. "Nghề tạc tượng không chỉ giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê văn hóa, giúp tôi có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình mà còn rất quan trọng trong việc phát du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk"- Y Ser nói.

Theo Y Ser, nghề tạc tượng dân gian là nghề "tô điểm" thêm cho cuộc sống. "Nhiều du khách đến các điểm du lịch cộng đồng rất thích thú và muốn tìm hiểu về ý nghĩa của tượng dân gian, qua đó hiểu được văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên"- Y Ser nói thêm.

Mong muốn lan tỏa sâu rộng tình yêu văn hóa dân tộc trong giới trẻ, đặc biệt lưu giữ nghề tạc tượng gỗ, anh Y Ser âm thầm chỉ dạy cho nhiều bạn trẻ trong gia đình, dòng tộc, buôn làng những kỹ thuật cơ bản về tạc tượng. Chỉ cần có người đam mê muốn học tạc tượng, anh Y Ser đều chỉ dạy tận tình.

Không chỉ là nghệ nhân tạc tượng giỏi, anh Y Ser còn thông thạo các nấu rượu cần và chế biến các món ăn truyền thống. Ngôi nhà gia đình anh đang sinh sống đang dần trở thành điểm đến lý thú cho du khách. Ở đó không chỉ có nhà sàn, tượng gỗ dân gian mà còn có cả văn hóa ẩm thực truyền thống và nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Phải là nghệ nhân rất đặc biệt thì mới có thể tạc được tượng gỗ, chứ không phải ai cũng làm được. Việc khôi phục lại nghệ thuật tạc tượng gỗ góp phần làm sinh động thêm đời sống, nét đẹp văn hóa của người Ê Đê và tác dụng tốt cho du lịch".

Quả vậy, trong số gần 12.000 nghệ nhân hiện có của tỉnh Đắk Lắk thì số nghệ nhân biết tạc tượng gỗ chỉ có hơn 300 người. Y Ser là một trong số ít đó và là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của tỉnh Đắk Lắk.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem