Làng trong phố ở Hà Nam có chùa đẹp, chợ làng biến thành chợ tỉnh, vô số đặc sản, sản vật vùng, miền

Thứ hai, ngày 26/09/2022 05:08 AM (GMT+7)
Tiền thân của TP Phủ Lý (Hà Nam) nay là xã Châu Cầu xưa. Xã Châu Cầu xưa gồm có 4 làng hợp thành: Bảo Thôn, Châu Cầu, Quy Lưu và Tân Khai. Tên các làng xưa không còn, giờ chỉ còn tên Châu Cầu và Quy Lưu được đặt cho 2 con đường trong thành phố.
Bình luận 0

Các phố xưa giờ thuộc các phường Lương Khánh Thiện, Minh Khai, Hai Bà Trưng - đều là những phố chính nằm trong nội thành và sầm uất nhất của TP Phủ Lý hiện nay.

Trong những cái tên không còn, Bảo Thôn gợi cho nhiều người những nỗi niềm hoài niệm.

Bảo Thôn xưa là làng thuần nông, ông Vũ Văn Được là người sinh ra, lớn lên và gắn bó với đất Bảo Thôn hơn 70 năm qua nhớ lại: Trong tuổi thơ của tôi, làng Bảo Thôn xưa ngăn cách hẳn với các làng khác bởi ruộng nước bao quanh, trông xa như một hòn đảo nổi. 

Xưa làng Bảo Thôn có độc nhất con đường chạy dọc làng được lát gạch đỏ và nhiều ngõ tỏa vào các xóm. Ngoài cấy lúa, dân làng có nghề trồng rau cung cấp cho nhân dân phố thị. Trên những thửa đất cao, người dân trồng nhiều loại rau: Rau muống, bầu, bí, mướp, đậu đỗ, khoai lang… 

Rau muống Bảo Thôn nổi tiếng ngọt mát, non mềm. Vào mùa đông xuân những thửa đất này lại mát mắt với su hào, bắp cải và các loại rau đông khác. 

Dân làng còn có nguồn lợi về thả cá ở hồ Bầu. Hồ Bầu thực chất là một cái vực lớn, do nhiều năm về trước liên tiếp xảy ra vỡ đê sông Hồng, sông Châu nước lụt đổ về xoáy trũng thành một hồ nước hình dáng giống quả bầu nên dân làng gọi là hồ Bầu, Ngôi chùa cổ ngay đầu làng thờ Pháp Vân cũng được gọi tên nôm là chùa Bầu. 

Ngày nhỏ tôi hay phụ giúp gia đình hái rau ra đầu làng bán. Dần dà thành chợ và càng ngày càng họp đông vui hơn. Hương lý trong làng thấy chợ họp chiếm cả lối đi, lấn cả đường vào chùa nên quy định dân làng chỉ được họp chợ một tháng 6 phiên vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Sau chợ lớn phải chuyển ra bãi sông Đáy bên cạnh quốc lộ 1, đối chiếu thẳng với cổng làng.

Làng trong phố ở Hà Nam có chùa đẹp, chợ làng biến thành chợ tỉnh, vô số đặc sản, sản vật vùng, miền - Ảnh 2.

Chùa Bầu - niềm tự hào của người dân Bảo Thôn, xã Châu Cầu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Chợ Bầu từ chợ của làng Bảo Thôn biến thành chợ tỉnh, nổi tiếng xa gần. Chợ luôn đón những sản vật từ các địa phương mang đến, trong tỉnh có bún làng Tái; bánh đa làng Chều; bánh chưng, đậu phụ làng Đầm; cua, ốc, lươn Bình Lục; trai, hến Phù Vân; cá chợ Sông; chuối ngự, hồng không hạt, dưa nếp Lý Nhân; vôi Sở Kiện cùng đa dạng các loại gia cầm, gia súc. 

Ngoài tỉnh có cá biển Thái Bình; chiếu cói Phát Diệm, Kim Sơn (Ninh Bình); vải tơ Nam Định; lụa Hà Đông; nhãn, vải Hưng Yên; nước mắm Nghệ An; củi Hòa Bình; chè khô Thái Nguyên; cau tươi Thanh Hóa; củ nâu, mộc nhĩ, nấm hương, măng rừng, mật ong… của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Được nhớ lại, bên cạnh chợ Bầu, đoạn xuôi về cầu Châu Sơn và đất của Khánh sạn Tiến Lộc hiện nay là nơi đỗ của các thuyền bè buôn luồng, tre, nứa, than củi. 

Bến này cố định hàng nhiều năm nên dân làng gọi là phố Hàng Bè, Hàng Than. Điều đặc biệt của chợ Bầu là muốn mua gì thì đều có thể tìm mua ở chợ. Các hàng ăn trong chợ có đặc sản đất đồng chiêm là cháo hến, cháo cua, cháo lươn… 

Không chỉ là chợ dân sinh, nơi đây còn là chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho khách bán buôn đi các tỉnh, thành khác. Chợ Bầu sầm uất nên đoạn đường bên dưới ga tàu dần dần hình thành phố Bảo Thôn. Dân làng ra đây chủ yếu bày hàng bán nước chè tươi, vối, kẹo vừng, bánh lá… cho khách đi chợ nghỉ chân. Chợ Bầu xưa còn được đưa vào các câu ca giao duyên lưu truyền trong dân gian. 

Đáp ứng yêu cầu quy hoạch của TP Phủ Lý, chợ Bầu nay không còn, làng Bảo Thôn xưa nay là Đường Nguyễn Viết Xuân, công viên Nguyễn Khuyến thuộc Phường Hai Bà Trưng. Những gì còn lưu giữ của Bảo Thôn xưa là chùa Bầu và đình Bảo Thôn. Hai di tích này hiện nay đều được xây dựng mới là địa chỉ tâm linh, vừa là niềm tự hào của người dân Bảo Thôn xưa.

Ngoài những vật thể còn hiện hữu thì trong lòng dân phố ngày nay, làng Bảo Thôn xưa vẫn còn in đậm dấu ấn bởi vì những thăng trầm của Phủ Lý qua thời gian và phát triển đi lên như ngày nay đều có sự đóng góp của dân làng Bảo Thôn xưa cũng như nay.

Chu Bình (Báo Hà Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem