Huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là huyện nông nghiệp, đất đai phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa nếp, đây được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có cây chanh, cây mai vàng cũng đang phát triển mạnh mẽ, nhiều tiềm năng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.
Ứng dụng công nghệ cao, lắp đặt hệ thống tưới nước trên cây mai vàng ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Chương trình Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Qua đó, huyện tập trung khảo sát, đưa vào quy hoạch các vùng dự án phù hợp với điều kiện đất đai và phát triển của các loại cây trồng. Cụ thể, đối với cây lúa nếp thực hiện với diện tích 500ha tại ấp 4, xã Long Thuận. Đối với cây chanh thực hiện với diện tích 200ha tại ấp 3, xã Tân Thành. Đối với cây mai vàng thực hiện với diện tích 5ha tại ấp 2 và 3, xã Long Thạnh.
Xác định chương trình trọng điểm trong ngành Nông nghiệp, UBND xã Long Thạnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung ứng dụng chủ yếu trên cây mai vàng; phân công cán bộ chuyên môn phối hợp Hội Nông dân xã thành lập tổ hoa kiểng và chọn hộ để thực hiện mô hình.
Thấy được lợi nhuận từ cây mai vàng mang lại, một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng mai.
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Long Thạnh - Nguyễn Văn Bảy cho biết: Thấy được nhu cầu của người dân, năm 2015, UBND xã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện mở 1 lớp dạy nghề trồng và chăm sóc mai vàng cho 35 hộ dân trên địa bàn. Năm 2020, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ nghề nghiệp Hoa kiểng với 17 thành viên, diện tích trồng khoảng 15ha do ông Trần Duyên làm Tổ trưởng.
Định kỳ ngày 15 hàng tháng, các thành viên trong tổ sinh hoạt 1 lần để trao đổi kinh nghiệm và mời các nghệ nhân của xã Mỹ Lạc và Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) tham gia sinh hoạt để hướng dẫn các thành viên việc chăm sóc và tạo dáng cho cây mai. Từ đó, phong trào trồng mai vàng ngày càng phát triển, từ diện tích nhỏ, lẻ ban đầu, chủ yếu trong khuôn viên nhà ở, đến nay diện tích trồng mai đã phát triển trên 70ha.
Do giá trị cây mai vàng cao, mỗi cây có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nên việc chăm sóc rất được người dân quan tâm. Việc bón phân, tạo hình cây mai được chú trọng, một số hộ dân còn thuê các nghệ nhân ở nơi khác đến để chăm sóc và tạo hình cho vườn mai vàng.
Bên cạnh đó, do địa phương tiếp giáp xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, nơi có làng nghề trồng mai, nên người dân thường xuyên qua học hỏi kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc mai. Được sự quan tâm và chỉ đạo của cấp trên, vào đầu năm 2021, UBND xã Long Thạnh phối hợp Phòng NNPTNT huyện chọn Tổ hợp tác Mai vàng ấp 2 để thực hiện mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong trồng cây mai vàng với diện tích thực hiện 3,5ha, có 7 hộ tham gia. Bước đầu đạt những kết quả phấn khởi, cây đã được gần 2 năm tuổi, phát triển tốt và có tạo hình đẹp, được người dân trong khu vực đánh giá cao.
Bên cạnh đó, để xây dựng mô hình sản xuất mai phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Thủ Thừa xây dựng mô hình lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến và phân bón hữu cơ trên cây mai; đồng thời, áp dụng hệ thống bù áp giúp cân bằng lượng nước tưới ở tất cả vị trí. Huyện thành lập 2 tổ kinh tế hợp tác gồm 4 hộ với diện tích 1,2ha trồng trên 20.000 gốc mai và hỗ trợ đầu tư 2 hệ thống tưới tiên tiến tự động với chức năng bù áp có tổng kinh phí 160 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 80 triệu đồng.
Trưởng phòng NNPTNT huyện Thủ Thừa - Lê Anh Tuấn thông tin: Thực hiện Nghị quyết Huyện ủy về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phòng NNPTNT từng bước tổ chức các mô hình điểm, trình diễn, tạo điều kiện cho người dân học hỏi, nhân rộng ra trên địa bàn huyện, để giúp người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Từ tổ kinh tế hợp tác xây dựng hệ thống tưới nước tự động áp dụng công nghệ mới bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất liên kết chặt chẽ gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình đột phá đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC mà Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Thủ Thừa đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đã tạo một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức người dân từ việc canh tác theo phương thức truyền thống, sử dụng lượng giống nhiều trong gieo sạ, phân bón và thuốc hóa học sang canh tác theo hướng an toàn; tạo lòng tin, giúp người dân mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân...