Đây là thứ cây "gây nghiện" lành mạnh ở chốn quê, hãm một ấm tích rót ra chan chứa tình làng nghĩa xóm

Trần Lan Thứ sáu, ngày 07/10/2022 13:36 PM (GMT+7)
Người làng tôi đã có tập quán, thú vui uống nước chè xanh và đã nghiện nước chè xanh từ thủa xa xưa. Tôi lớn lên đã thấy nhiều người trong làng nghiện nước chè xanh, từ cụ già cho đến thanh niên, từ đàn ông cho đến đàn bà ai cũng uống được nước chè xanh cả.
Bình luận 0

Không chỉ làng tôi nghiện nước chè xanh mà khắp vùng này đều có người nghiện nước chè. Cứ mỗi phiên chợ làng, nhiều người từ làng nơi khác đem chè xanh đến chợ bán. Những bó chè xanh tốt ngang người, chè được xếp thành hàng hai bên cổng chợ.

Bát nước chè xanh, gợi nhớ tình làng nghĩa xóm - Ảnh 1.

Người dân thu hoạch chè xanh thường bẻ ngang, để giữ cho cây chè phát triển tốt. Ảnh: PV

Chè xanh còn được làm quà biếu, món quà tuy nhỏ nhưng gửi gắm vào đó một mối tình cảm sâu nặng.

 Chè xanh bẻ từ vườn nhà, rửa sạch vò nhỏ cho vào ấm nhôm hay ấm sứ, nước đun sôi đổ một ít tráng qua rót ra và đổ đi. Nước sôi được đổ vào, đậy kín nắp chừng khoảng mười phút ta đã có một ấm nước chè xanh thơm nồng.

 Nước om chè xanh, được lấy từ nước giếng làng trong vắt, hoặc nước mưa từ bể cạn. Củi nấu nước thật khô (tốt nhất củi rào tre, vừa cháy to lại vừa không có mùi khói).

Chọn chè nấu nước cũng rất quan trọng, người thích uống vị đắng chát nhiều thì chọn những nhánh chè già, cùi chè đã có "vỏ ran", lá hơi ngả màu vàng, tay bẻ gấp lá chè lại nghe tiếng vỡ giòn rau ráu. Còn người thích uống có vị ngọt nhiều hơn vị đắng chát thì chọn những nhánh chè non, lá to dày, cùi chè đang còn xanh để dùng.

Chè xanh ưa đất trên các đồi sỏi, ráo nước rọi nắng. Muốn chè ngon phải tìm loại giống cây chè lá to, dày sống khỏe chịu hạn tốt.

Nhà tôi có một mảnh trồng chè độ nửa sào. Những cây chè xanh có từ đời ông cố để lại. Thân cây to bằng cổ tay người lớn. Đất đai phù hợp, chế độ chăm sóc tốt. Những nhánh chè xanh xum xuê, khi còn non lá và cùi xanh mỡ màng, càng về già lá chè dày lại, có màu xanh đậm, cùi chè chuyển sang màu nâu sẫm.

Bát nước chè xanh, gợi nhớ tình làng nghĩa xóm - Ảnh 2.

Chè ngon hay không cũng phụ thuộc nhiều vào chất đất và cách chăm sóc vườn chè. Ảnh: PV

 Đến mùa xuân, cây chè xanh ra hoa trắng xóa cả vườn, hoa chè xanh có cánh trắng như hoa cây dầu sở, tựu như bông hoa trà nhưng cánh nhỏ hơn. Hoa chè xanh có mùi thơm tinh khiết, kín đáo chứ không ngào ngạt như hoa bưởi hoặc hoa xoan.

Bát nước chè xanh, gợi nhớ tình làng nghĩa xóm - Ảnh 3.

Chè xanh được nhân giống từ hạt và cành. Tuy nhiên, nhân giống từ cành giữ được đặc tính tốt của giống, chè sinh trưởng đồng đều, dễ thu hoạch và chăm sóc, năng suất cao. Ảnh: PV

Mùa chè xanh ra hoa ngoài ong bướm rộn ràng đi lấy mật, một loài chim nhỏ có cái mỏ thật dài và đôi chân nhỏ xíu. Khi hút mật chúng không đậu vào cành cây mà chúng cho cái mỏ dài vào nhụy hoa rồi vỗ cánh lấy thăng bằng đứng yên một chỗ để hút mật.

Mật hoa chè xanh rất hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi. Cứ mỗi độ chè xanh ra hoa chúng tôi lại rủ nhau đi lên vườn chè hái hoa hút mật.

Cứ mỗi buổi sáng, tôi lại lên vườn chè xanh chọn những cành vừa đủ độ già bẻ một nắm nhỏ xuống rửa sạch. Nước sôi đã đun sẵn, pha một ấm nước chè vàng óng thơm phức. Chè được om bằng nước giếng khơi có màu vàng như màu mật ong thơm dịu.

 Tôi nhớ ngày xưa, nấu nước chè xanh trong một cái xoong nhôm to, mẹ bảo tôi đi một vòng xung quanh mời các chú, các bác đến uống nước. 

Những chiếc bát sứ Hải Dương to được rửa sạch, lau chùi cẩn thận sắp trên cái mâm to bằng gỗ. Nước được múc ra bằng cái gáo làm bằng trái dừa già khô, bát nước chè xanh nóng hổi.

Bát nước chè xanh, gợi nhớ tình làng nghĩa xóm - Ảnh 4.

Om nước chè bằng ấm sứ đậm hương vị thơm ngon. Ảnh: PV

Ngày đó tập trung uống nước vào buổi tối, vừa uống nước vừa nghe tin tức thời sự từ cái đài bán dẫn chạy bằng pin. Khi trong nhà có sẵn nồi khoai lang hay mấy bắp ngô hoặc một ít lạc luộc nóng hổi kèm theo bát cà pháo muối đầy ú, khoai lang ăn với những quả cà giòn tan kèm theo những tiếng cười sảng khoái, bao nhiêu vất vả sau một ngày lao động bay theo ngọn khói thuốc lào tan biến vào không gian xa thẳm.

 Hồi đó, ít gia đình nào nấu nước chè tự uống một mình. Om xong ấm nước chè, chủ nhà đều đi mời những gia đình xung quanh đến uống nước, chuyện trò, lâu dần trở thành một thói quen.

Nước chè mới nấu xong vừa thổi vừa uống mới cảm nhận được hết vị ngon của nó, ta có thể uống một bát, hai bát hay ba bát mà vẫn cảm thấy bình thường. Khi đói bụng hay làm việc mệt mỏi người ta càng uống càng thấy tỉnh táo và khoan khoái hẳn ra.

Hồi còn bao cấp, mỗi khi đi làm tập thể đội sản xuất cử hẳn một lao động nấu nước chè xanh rồi gánh ra tận nơi cho bà con uống. Bát nước chè xanh được chuyền tay nhau, chuyện trò vui vẻ, tiếng cười sảng khoái trong giờ giải lao để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con thủa ấy.

Bát nước chè xanh, cây nhà lá vườn sẽ là cầu nối cho sự đoàn kết êm ấm tình làng nghĩa xóm, khi khó khăn hoạn nạn, san sẻ giúp đỡ lẫn nhau.

Đến sau tiết sương giáng, khoảng tháng 9 (Al), bà con lại thu hái hạt chè để bán cho những người làm giống. Những vườn chè xanh mướt, những ấm nước chè vẫn còn được giữ lại, phát triển trong đời sống sinh hoạt của nhân dân làng tôi.

Bát nước chè xanh, gợi nhớ tình làng nghĩa xóm - Ảnh 5.

Những vườn chè xanh mướt, ngày nay đang được người dân chăm sóc, giữ lại hương vị đầm đạ người dân quê Việt Nam. Ảnh: PV

Ngày nay kinh tế phát triển, nhà nhà kín cổng cao tường. Lớp trẻ đi làm ăn xa có người định cư nơi khác. Làng xóm thưa hẳn, thú vui ngồi uống nước chè xanh, chuyện trò cũng ít dần. 

Thú vui uống nước chè xanh đã trở thành một nét văn hóa chung của làng quê miền Trung đầy nắng và gió Lào bỏng rát.

Mùi thơm của chè, vị ngọt, chát đọng lại đầu lưỡi cho dù ai đã sống xa quê mãi mãi không phai mờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem