Ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, ngụ quận 7, là con trai của bị can Nguyễn Phương Hằng) vừa gửi đơn đến cơ quan tố tụng ở TP.HCM xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình.
Lý do mà ông Tuấn xin khoan hồng là bà Hằng có những đóng góp cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
"Điều này được thể hiện qua hàng loạt thư cảm ơn, bằng khen, giấy khen, giấy tri ân… của nhiều cơ quan, tổ chức xã hội trao tặng để ghi nhận mẹ tôi và Công ty cổ phần Đại Nam, quỹ Hằng Hữu do mẹ tôi là giám đốc điều hành có đóng góp công sức, ủng hộ, hoạt động nhân đạo" - ông Tuấn viết trong đơn.
Ông Tuấn cũng nêu: "Thông qua luật sư được biết qua các buổi hỏi cung, mẹ tôi đã nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải và cam kết không tái diễn hành vi sai phạm…
Mong các cơ quan tiến hành tố tụng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất cho mẹ tôi và xin được bảo lãnh cho mẹ tôi tại ngoại để điều trị bệnh cho đến khi kết thúc vụ án".
Trước đó, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa gia hạn điều tra lần 3 đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, trụ sở tại Bình Dương) để điều tra bổ sung.
Cụ thể, nội dung mà VKSND TP.HCM đề nghị làm rõ là những người có vai trò đồng phạm với bà Hằng và đồng thời xem xét nhập vụ án liên quan đến bà Hằng mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra, xử lý.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì "tạm giam" là biện pháp cách ly bị can, bị cáo với xã hội trong thời gian nhất định nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi.
Theo đó, với người bị điều tra về các tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng sẽ mặc nhiên không bị tạm giam, trừ các trường hợp bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và trong trường hợp có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cần trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Tạm giam đuợc áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự.
Vì vậy, ngoài mục đích chung là ngăn chặn không để bị can, bị cáo có điều kiện tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, ở mỗi giai đoạn tố tụng nhất định, việc áp dụng biện pháp này còn có mục đích riêng nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng tố tụng của cơ quan áp dụng.
Theo ông Cường, trong quá trình điều tra vụ án ở giai đoạn truy tố, xét xử vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi giải pháp ngăn chặn tạm giam bằng cấm đi khỏi nơi cư trú nếu có căn cứ cho thấy lý do để tạm vào không còn hoặc trường hợp có người bảo lĩnh theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự: "Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh".
Quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành cho hay, bảo lĩnh được thực hiện dưới hai hình thức: cơ quan, tổ chức bảo lĩnh và cá nhân bảo lĩnh.
Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, trong vụ án này nếu trong quá trình điều tra vụ án hoặc trong giai đoạn truy tố, xét xử mà cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ cho thấy bà Nguyễn Phương Hằng không có dấu hiệu bỏ trốn, tin rằng bà này không tiếp tục phạm tội…, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nêu trên.
"Trường hợp lý do để tạm giam không còn, căn cứ vào đơn xin bảo lĩnh tại ngoại, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét để chấp nhận theo quy định pháp luật.
Còn trường hợp người thân có đơn xin bảo lãnh tại ngoại nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án chưa đủ căn cứ để thay đổi biện pháp ngăn chặn, sẽ không chấp nhận đơn yêu cầu của người thân bị can Nguyễn Phương Hằng" – ông Cường bình luận.