Mức giá cá thương phẩm bán ra tại các khu vực nuôi trong tỉnh đã tăng tương đương hoặc hơn trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Cá được giá, người dân các vùng nuôi trong toàn tỉnh đang hồ hởi tái đàn.
Anh Chảo Dần Nhàn ở thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên của thôn, anh đã có gần chục năm kinh nghiệm nuôi giống cá nước lạnh.
Từ nuôi thử nghiệm vài trăm con, năm cao điểm, anh nuôi gần vạn con. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ khó khăn, giá cá bán thấp, không đảm bảo các chi phí chăn nuôi nên 2 năm qua, 4 bể cá hồi với diện tích gần 800 m2 mặt nước của gia đình anh hầu như để không.
Gần đây, cá được giá, anh lên kế hoạch tái đàn. Anh Nhàn hồ hởi: Dịch bệnh được khống chế, chắc chắn giá cá sẽ không rớt thê thảm như mấy năm vừa rồi do nhu cầu của thị trường địa phương và các tỉnh lân cận rất lớn. Tôi đang chuẩn bị để vài ngày tới bắt 1 - 2 vạn con cá hồi về nuôi.
2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa, dẫn đến một loạt dịch vụ phụ trợ, cung ứng cũng bị đình trệ, cá nước lạnh khó xuất bán, giá cá thương phẩm thấp. Có thời điểm giá cá hồi xuống dưới 150.000 đồng/kg, cá tầm xuống đến 100.000 đồng/kg, trong khi đó giá cám - nguyên liệu đầu vào - liên tục tăng, người chăn nuôi không có lãi nên sản xuất cầm chừng hoặc dừng nuôi.
Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, từ giữa năm 2022, hoạt động du lịch phục hồi, lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng đã tác động tích cực tới dịch vụ ăn uống, tiêu thụ cá hồi, cá tầm. Thị trường trong tỉnh tăng, nhu cầu thu mua tiêu dùng của các tỉnh, thành lân cận cũng tăng, do đó, giá cá nước lạnh tăng.
Các hộ chăn nuôi tích cực chăm sóc đàn cá nước lạnh, kỳ vọng mùa vụ bội thu.
Giá cá hồi mua buôn tại ao dao động từ 330.000 đồng/kg đến 370.000 đồng/kg, giá cá tầm cũng tăng đến gần 200.00 đồng/kg. Theo những người chăn nuôi cá lâu năm, đây là mức giá cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Do đó, không chỉ có anh Nhàn, nhiều hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương tái đàn và kỳ vọng vào mùa vụ mới.
Hợp tác xã Thức Mai, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) là cơ sở vừa sản xuất cá giống, vừa nuôi và thu mua cá hồi, cá tầm thương phẩm của người dân trong vùng. Dịp này, mỗi ngày, cơ sở luôn có rất đông người dân từ nhiều nơi trong tỉnh và cả một số tỉnh bạn như Yên Bái, Lai Châu tới mua cá hồi, cá tầm giống.
Ông Lê Công Thức, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Giá cá nước lạnh thương phẩm tăng, kích thích người dân tái đàn. Thời điểm này, người dân đăng ký mua rất nhiều, nhưng công suất sản xuất của hợp tác xã và các cơ sở khác trên địa bàn nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông Vàng Duần Quẩy, xã Phìn Ngan (Bát Xát) cũng đang chờ bắt cá tầm giống tại Hợp tác xã Thức Mai cho biết: Gia đình tôi nuôi cá hồi, cá tầm được 3 năm nay. Hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cá xuống thấp, sản xuất không có lãi nên gia đình phải chăn nuôi cầm chừng. Gần đây, giá cá tăng, rất tiếc gia đình không có cá để bán.
Các hộ nuôi cá nước lạnh như nhà tôi đều đang tái đàn, nhưng mấy tháng nay lượng cá giống khan hiếm, phải đặt cả tháng trời mới có để mua.
Bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết: Sau khi khống chế được dịch Covid-19, lượng du khách lên Sa Pa tăng vọt nên lượng tiêu thụ cá nước lạnh, đặc biệt là cá hồi tăng theo.
Mặt khác, do thời điểm xảy ra Covid-19, bà con giảm lượng nuôi nên sản lượng cá nước lạnh Sa Pa sụt giảm, dẫn tới khan hiếm nguồn cung. Chênh lệch cung - cầu khiến giá cá hồi Sa Pa tăng vọt.
Tuy vậy, ngành chức năng cũng khuyến cáo, nếu người dân ồ ạt tăng đàn đột biến, nuôi với mật độ dày hoặc các hộ tự ý mở rộng quy mô sẽ dẫn tới quá tải.
Đặc biệt, nếu không áp dụng đúng quy trình nuôi khoa học sẽ xảy ra dịch bệnh, dẫn tới giảm chất lượng, sản lượng. Vì vậy, thị xã Sa Pa cần có giải pháp quản lý nghề nuôi cá nước lạnh theo hướng an toàn và bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.