Tôi liên lạc với anh Duẩn lần nào anh cũng nói "mình bận lắm", cảm nhận được anh khiêm nhường không muốn nói về mình. Anh Duẩn tâm sự việc nhà nông thì bận lắm, tuy không làm mùa vụ nhưng phải làm việc chăm nuôi bảo về rừng của nhà trồng quanh năm. Mình cũng trồng rừng được hàng chục năm rồi, lúc đầu mình chỉ khởi nghiệp trên vài ha đất của nhà thôi, trồng cây nguyên liệu sản xuất chủ yếu là bạch đàn và keo.
Một góc chụp khung cảnh nông thôn xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, quê hương anh Nguyễn Văn Duẩn.
Trước kia rừng ở quê mình bị khai thác quá mức, nên được liệt vào dạng nghèo kiệt, mình bắt tay dọn dẹp và đưa về rừng sản xuất này. Cũng nhờ chịu khó và mát tay nên rừng trồng của gia đình mình sau 5 năm là có thu lứa keo đầu tiên, cũng được món tiền đáng kể đối với vùng nông thôn miền núi như mình. Anh Duẩn cho biết thêm trong thời gian vừa qua quê anh thanh niên cũng không ham làm rừng, vì thời gian thu hoạch khá lâu, nên đa số đã lựa chọn đi làm công ty ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang để có thu nhập ngay.
Nhiều diện tích rừng dân bỏ không sản xuất cũng khá lớn. Anh Duân đã bàn với gia đình đứng ra thuê lại những diện tích rừng mà bà con không còn đầu tư sản xuất nữa. Sau nhiều năm miệt mài với việc trồng rừng thì hiện nay gia đình anh Duẩn đã có khoảng 70ha sản xuất.
Nói về công việc trồng rừng của mình anh Duẩn chia sẻ: Thôi thì bà con bỏ thì mình làm, chứ chẳng nhẽ sống ngay trên quê hương mình mà để rừng lại tiếp tục bị nghèo kiệt, đời sống kinh tế khó khăn thì mình không đành lòng được. Hiện tại mình đã trồng khoảng 70ha rừng và khai thác quay vòng cũng cho thu nhập ổn định kinh tế gia đình.
Anh Duân cho biết thêm: trồng keo và bạch đàn làm cây nguyên liệu, tuy rất ít bị sâu bệnh, nhưng hàng năm phải tốn nhiều nhân công để phát cây dại ở diện tích mình trồng, để cây còn phát triển, hơn nữa đề phòng cháy rừng, cả cơ nghiệp của mình để hết trên rừng, nếu không biết phòng tránh mà để cháy thì coi như sạt nghiệp. Nếu trồng rừng mà không chịu khó, không chăm sóc đúng kỹ thuật hiểu được mùa vụ và tập tính sinh trưởng của cây thì khó có thành quả tốt lắm.
Nhớ lại những ngày trồng rừng được thu anh Duẩn chia sẻ : lúc đó năm 2016 mình được thu cây keo và bạch đàn rồi, nhưng thương lái đến trả rẻ quá, nên mình nghĩ phải làm xưởng chế biến để chủ động tiêu thụ sản phẩm của gia đình mình, cũng như giúp đỡ bà con trong khu vực mình sinh sống.
Thế là anh Duẩn đã quyết định đầu tư xây dựng xưởng gỗ với 2 mặt hàng chủ yếu là băm dăm và chế biến ván bóc.
Anh Nguyễn Văn Duẩn, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Anh Duẩn cho biết: mình làm xưởng chế biến gỗ thì nguyên liệu 100% là rừng trồng, chứ không bao giờ sử dụng gỗ rừng tự nhiên cả. Trước kai trong vùng cũng có hiện tượng khai thác rừng tạp tự nhiên để chuyển đổi mục đích sang rừng sản xuất, cũng có một vài đầu lậu ngỏ ý bán gỗ cho mình, làm như thế thì lãi cao hơn mua gỗ nguyên liệu rừng trồng, nhưng mình đều từ chối và nói không với gỗ rừng tự nhiên ở xưởng chế biến của mình.
Trồng rừng kiêm chế biến, thì hiện nay sản phẩm dăm gỗ được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Thái Nguyên, dùng làm nguyên liệu cho các nhà máy ép ván gỗ công nghiệp. Còn sản phẩm gỗ bóc thì đưa xuống Hải Phòng để xuất khẩu đi nước ngoài.
Cho đến thời điểm này thì xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Duẩn đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 12 người với mức thu nhập 8 triệu đồng/ tháng. Anh Duẩn cho biết với việc vừa trồng rừng vừa chế biến gỗ thì hiện nay mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên dưới 700 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí. Nhưng anh vẫn mong muốn mở rộng diện tích rừng trồng để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ổn định hơn nữa, cũng như tạo điều kiện để bà con xung quanh có thêm thu nhập có thể làm giàu từ rừng ngay chính quê hương mình.
Là người theo dõi quá trình phát triển của hội viên Nguyễn Văn Duẩn nhiều năm chủ tịch hội nông dân tỉnh Lạng Sơn ông Hoàng Đình Ngôn cho biết: Nông dân Nguyễn Văn Duẩn là một người luôn chịu khó tìm tòi trong phát triển kinh tế gia đình, biết khai thác những thế mạnh ngay chính địa phương mình có, để làm giàu. Đây là một người thủ lĩnh trong cộng đồng nông dân Lạng Sơn rất xứng đáng được tuyên dương là nông dân tiêu biểu toàn quốc.